(QNĐT)- Biến đổi khí hậu (BĐKH), mà biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng (NBD), là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Ở Việt Nam, thì Quảng Ngãi là một trong những tỉnh nằm trong khu vực hứng chịu nhiều thiên tai và đã có những biểu hiện ngày càng rõ nét tác động của BĐKH đến nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong những năm gần đây, lũ lụt, hạn hán xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với tần xuất và cường độ ngày càng cao. Mực nước tại các sông liên tục xuất hiện giá trị nhỏ nhất thời kỳ quan trắc, tình trạng khô hạn diễn ra gay gắt. Đặc biệt liên tục trong những năm 2009, 2010 và 2011, bão lũ và những diễn biến bất thường khác của thời tiết đã ảnh hưởng và gây nên những thiệt hại đáng kể.
Biến đổi khí hậu, một trong những tác nhân gây nên tình trạng sạt lở bờ sông, biển (Trong ảnh: Trận lũ quét năm 2010 tại xã Bình Hải đã khiến hàng chục nhà dân bị sụp đổ). |
Theo số liệu thống kê, trung bình hằng năm tỉnh Quảng Ngãi có 0,28 cơn bão đổ bộ trực tiếp; nếu xét về mưa và cường độ gió từ cấp 6 trở lên có 1 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp; nếu chỉ xét đơn thuần ảnh hưởng về mưa (gián tiếp và trực tiếp) thì trung bình hàng năm có 4 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Ngãi.
Bão và ATNĐ thường xuất hiện trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 12. Trong khoảng 5 năm gần đây, áp thấp nhiệt đới xuất hiện cả trong tháng 1, tháng 2, bão cũng xuất hiện sớm hơn (trong tháng 4). Ở Quảng Ngãi, thông thường khi có ảnh hưởng kết hợp của bão, áp thấp nhiệt đới, hay dải hội tụ nhiệt đới với gió mùa Đông Bắc, thường có mưa lớn kéo dài gây ra lũ, lụt.
Ông Phí Quang Hiển-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi cho biết, trung bình mỗi năm, trên các sông lớn thuộc tỉnh Quảng Ngãi có 5 - 7 đợt lũ lớn trên báo động cấp II. Có những cơn lũ vượt báo động cấp III từ 1 đến 2,6 m; những trận lũ kép nhiều đỉnh, kéo dài nhiều ngày gây ngập lụt nghiêm trọng cho vùng thấp trũng ở đồng bằng và ven biển. Lũ, lụt là loại hình thiên tai nguy hiểm nhất, có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn nhất về dân sinh, kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những cơn mưa lớn xuất hiện ngày càng nhiều gây nên cảnh ngập nặng cho các địa phương, ngay cả khu vực thành phố Quảng ngãi. |
Lũ quét, sạt lở đất, sạt lở núi thường xảy ra ở Quảng Ngãi trong những năm qua. Lũ quét thường phát sinh bất ngờ, xảy ra trong phạm vi hẹp, nhưng rất khốc liệt và gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thiên tai lũ quét hiện nay chưa dự báo được, công tác phòng tránh là hết sức khó khăn.
Còn sạt lở núi lại xảy ra ở hầu hết các huyện miền núi. Hiện toàn tỉnh có 75 điểm có nguy cơ sạt lở núi, trong đó có 21 điểm có nguy cơ cao, phân bố ở các huyện: Ba Tơ, Trà Bồng, Tây Trà, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây.
Đáng lo ngại nhất hiện nay ở Quảng Ngãi là tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển: Toàn tỉnh hiện có 60 điểm có nguy cơ cao về sạt lở bờ sông, bờ biển, tuỳ vào đặc điểm từng hệ thống sông, cấu tạo địa chất từng vùng mà tốc độ sạt lở cũng khác nhau. Khu vực ảnh hưởng trên lưu vực 4 hệ thống sông lớn của Quảng Ngãi: Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu, Sông Vệ và khu vực ven biển thuộc địa bàn các huyện: Sơn Hà, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành, Ba Tơ.
Không chỉ gây sạt lở, đe dọa đến tính mạng người dân mà trong những năm gần đây, nhiều trận bão, lũ quét, mưa lớn, sạt lở núi… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao thông vận tải của Quảng Ngãi. Mưa to, lũ lớn phá hủy kết cấu cầu cống, đường sá, đê điều… gây ra lũ lụt, lở đất làm thiệt hại nghiêm trọng cho các tuyến giao thông, gia tăng các chi phí và sức lực con người để ứng phó với các tình huống.
Biến đổi khí hậu còn tác động lớn đến tài nguyên và môi trường, gây nên những cảnh khô hạn trên diện rộng. Theo kết quả tính toán cân bằng nước, trong số 15 vùng cấp nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, có tới 1/3 số vùng bị thiếu nước.
Để đối phó với những thay đổi của biến đổi khí hậu, nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng tuyến kè chắn sóng (Trong ảnh: Tuyến kè chạy dọc theo bờ biển được đầu tư tại huyện đảo Lý Sơn góp phần hạn chế sự xâm thực của biển). |
Biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ tăng lên, bốc thoát hơi tiềm năng tăng tương ứng, đồng thời lượng mưa trong mùa khô giảm, dẫn đến nhu cầu nước tưới có xu thế tăng lên trên tất cả các tiểu vùng nông nghiệp. Quảng Ngãi có tổng diện tích đất tự nhiên 515.257 ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp khoảng 135.975 ha, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng ven biển.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển có khả năng dâng cao, gây ngập lụt vùng đồng bằng ven biển. Theo tính toán, diện tích đất nông nghiệp có nguy cơ bị ngập do biến đổi khí hậu và nước biển dâng lớn nhất là 31.977 ha chiếm 6,21% tổng diện tích toàn tỉnh và 23,5% tổng diện tích đất nông nghiệp. Trong đó, diện tích đất lúa có nguy cơ bị ngập tương ứng là 28.890 ha chiếm 39,76% tổng diện tích đất trồng lúa.
Có thể nói, biến đổi khí hậu tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của tỉnh. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2020.
Theo đó, nhiệm vụ từ nay đến 2015 là triển khai các nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với ngành, lĩnh vực và địa phương, trong đó các lĩnh vực ưu tiên tập trung là Tài nguyên nước, đất, nông nghiệp và an ninh lương thực, lâm nghiệp, thủy sản, phòng chống thiên tai. Các ngành công nghiệp có đầu vào nhạy cảm với thay đổi khí hậu; lĩnh vực giao thông vận tải, sinh kế của người dân, đặc biệt là người nghèo, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch… Cùng với đó, tập trung xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt cho địa bàn Lý Sơn; xây dựng các kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu cho các địa phương…
Bài, ảnh: M.Toàn