(QNg)- Những năm qua, các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá; tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.
Quảng Ngãi vẫn còn là một tỉnh nông nghiệp nên phần lớn dân số vẫn sống bằng nghề nông. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) có vai trò rất quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Xác định vai trò quan trọng của việc phát triển "tam nông", trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN tỉnh ta đã triển khai nhiều đề tài, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Kết quả đạt được của các đề tài, dự án đã góp phần phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của người dân.
Mô hình chăn nuôi giống lợn bản địa đang được phát triển mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh. |
Trong 2 năm (2010-2011), tỉnh ta đã triển khai 48 chương trình, đề tài, dự án. Nhiều đề tài, dự án được triển khai thành công đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Trong đó đáng chú ý là các đề tài, dự án đã góp phần giúp bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Tiêu biểu là dự án "Ứng dụng KHCN hỗ trợ xây dựng mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía trên đất gò đồi theo hướng sản xuất bền vững tại huyện Ba Tơ". Dự án đã cải thiện đáng kể tình trạng xói mòn, rửa trôi đất, tăng năng suất mía, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Hầu hết bà con tham gia dự án đều phấn khởi với kết quả đạt được. Năng suất mía trung bình 65 tấn/ha, chữ đường gần 10CCS. Doanh thu bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha, cao hơn so với ruộng mía đối chứng khoảng 15 triệu đồng/ha.
Đến nay, dự án đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân trồng mía. Nhiều hộ dân đã tham gia mở rộng diện tích trồng mới lên đến 382,8 ha. Nhiều hộ có điều kiện đã tự bỏ vốn để mua đất trồng mía theo phương pháp canh tác mới dù không được dự án hỗ trợ. Nhờ đó, mô hình trồng mía theo phương pháp mới đã có sức lan tỏa mạnh, không những được nhân rộng ở các xã Ba Chùa, Ba Vì, Ba Tiêu... của huyện Ba Tơ, mà còn ở các huyện Sơn Hà, Minh Long, Nghĩa Hành, Đức Phổ... Đây được xem là thành công rất lớn của việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, ứng dụng cơ giới hóa để phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng tập trung chuyên canh, chuyển giao khoa học kĩ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi theo chương trình phát triển nông thôn mới.
Hay như đề tài "Bình tuyển cây đầu dòng và thực hiện nhân giống vô tính một số cây ăn quả sầu riêng, chôm chôm, bưởi tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi". Đề tài KH này đã góp phần tạo ra nguồn giống tốt, chất lượng cao, sạch bệnh, giá cả hợp lí, cung ứng cho thị trường trong tỉnh, tăng hiệu quả kinh tế cho các nhà vườn trong tỉnh. Đến nay, tổng số cây giống sản xuất từ các cây đầu dòng được chọn là 3.000 cây. Trong đó: Sầu riêng hạt lép 1.000 cây, bưởi da xanh 1.000 cây và chôm chôm java 1.000 cây. Từ kết quả của đề tài, huyện Nghĩa Hành tiếp tục xây dựng mô hình phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hoá, với quy mô (sau 5 năm) vườn sầu riêng là 69 ha, vườn bưởi da xanh là 33,5 ha, vườn chôm chôm là 48 ha… Đề tài đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị đất canh tác, mang lại lợi nhuận cho người dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, giải quyết lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, các đề tài dự án được triển khai đã góp phần nâng cao tầm vóc và chất lượng vật nuôi ở địa phương; thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu; mở rộng và phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hoá; mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình cải tiến kỹ thuật chăn nuôi trâu, mô hình phát triển chăn nuôi dê lai ở huyện Ba Tơ; dự án chăn nuôi heo hướng nạc hàng hóa ở huyện Sơn Tịnh... Đặc biệt là dự án nghiên cứu phát triển các giống lợn bản địa mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho người dân. Sau 24 tháng nuôi thử nghiệm, số lượng lợn bán ra ở các hộ nuôi từ 55-80 con, với giá bán thịt từ 80-100.000 đồng/kg hơi, mỗi hộ chăn nuôi thu về khoảng 43-60 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 50%. Đến nay, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang đầu tư phát triển mạnh cho giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao này. Có thể nói, đây là những dự án góp phần tạo ra cung cách làm ăn mới cho quá trình phát triển nông nghiệp và nông thôn của tỉnh ta trong thời gian sắp đến.
Với những kết quả đạt được trong những năm qua, hoạt động KH&CN đã góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân... tiến tới thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết TW26 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Bài, ảnh: Phương Dung