(QNg)- Ngoài anh ra, chưa có một nông dân nào ở Quảng Ngãi ba lần liên tiếp đoạt giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật (STKT) tỉnh Quảng Ngãi. Những sáng kiến được ra đời dựa trên thực tế cuộc sống, có tính ứng dụng cao nhằm phục vụ công việc hằng ngày của anh luôn được Hội đồng chấm giải Hội thi STKT thán phục. Anh là Trần Kim Hiệp ở thôn Vạn Tường, xã Bình Hải (Bình Sơn).
Trong buổi lễ tổng kết Hội thi STKT tỉnh Quảng Ngãi lần thứ VII (2010-2011), Trần Kim Hiệp được nhận một giải thưởng khá đặt biệt. Giải không dành cho bất kì giải pháp sáng kiến nào, mà là giải thưởng cho người có nhiều giải pháp tham gia và đạt giải nhiều nhất tại Hội thi STKT tỉnh Quảng Ngãi. Giải thưởng này của Trần Kim Hiệp là duy nhất.
SUÝT PHẢI THA PHƯƠNG
Sinh năm 1968 trong một gia đình có đến 6 anh chị em, khiến cuộc sống từ thuở bé của Trần Kim Hiệp vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Từ nhỏ, cậu học sinh Trần Kim Hiệp học rất giỏi môn vật lý và luôn biết tìm tòi làm các mô hình ứng dụng, thí nghiệm theo sách giáo khoa. Nhưng cuộc sống tại vùng quê biển Vạn Tường khốn khó ngày ấy như muốn đánh gục cả gia đình anh với tám con người. Thế là, năm Hiệp vừa vào lớp tám, bố anh đã quyết tâm đưa gia đình tìm "vùng đất hứa" tận Vũng Tàu. Tại đây, với những người chân ướt chân ráo mới đến phải trải qua cuộc mưu sinh đầy gian nan mới mong trụ vững.
Vào năm lớp 10, Trần Kim Hiệp đã phải dừng việc học để kiếm việc làm nuôi sống gia đình và bản thân. Hiệp vốn khéo tay, lại sáng tạo nên anh dễ dàng tìm được việc cho mình tại các xưởng cơ khí. Không nề hà việc lớn, nhỏ Hiệp chăm chỉ làm việc và ham học hỏi, nên "những vấn đề về cơ khí mình nắm trong lòng bàn tay", anh Hiệp bảo. Đây có lẽ là điều thuận lợi để sau này nhiều sáng tạo của anh được thăng hoa.
"Vua" sáng kiến Trần Kim Hiệp. |
Năm 1996, anh Hiệp gặp và yêu chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (vợ anh bây giờ). Chị Mai cũng quê Bình Hải (Bình Sơn) như anh nên tình yêu đã làm họ nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn ấy, với biết bao kỷ niệm buồn vui thời thơ ấu. Vậy là năm 1998, anh về quê cưới vợ và "tính" định cư tại quê hương luôn. Sau bao nhiêu năm xa quê, vốn liếng vợ chồng không nhiều, nên cuối năm 1999 anh chị lại vào Long Thành (Đồng Nai) tìm "đường sống". Chị Mai mở trường giữ trẻ, anh Hiệp vẫn gắn bó với nghề cơ khí. Cuộc sống vợ chồng anh chị chưa giàu nhưng cũng không quá túng thiếu. Tuy nhiên, trong tâm khảm của anh và chị vẫn đau đáu hướng về quê hương, vùng biển dạt dào nắng và gió.
Năm 2004, sau bao thăng trầm nơi đất khách quê người, vợ chồng anh Hiệp, chị Mai về định cư hẳn ở thôn Vạn Tường, xã Bình Hải (Bình Sơn), bắt đầu cho sự "ra đời" của một ông "vua" sáng kiến.
SỐNG LÀ PHẢI SÁNG TẠO
Tại quê nhà, vợ chồng anh Hiệp và chị Mai mở một tiệm tạp hóa. Những ngày đầu, đây là cần câu cơm nuôi sống cả gia đình. Dường như trong khó khăn, sức sáng tạo của con người càng có cơ hội bộc phát. Như duyên đã định, với bàn tay khéo léo của mình, anh Hiệp bắt đầu nghề "biến củi thành tiền". Đó là anh săn tìm những gốc cây quen to và lạ, để biến tấu thành những chiếc bàn vừa đẹp vừa độc đáo. Những ngày vật lộn với những gốc quen nhiều ngăn, nhiều hốc buộc anh phải nghĩ ra "máy làm sản xuất gỗ mỹ nghệ". Và giải pháp này đã đạt giải Ba tại Hội thi STKT tỉnh Quảng Ngãi lần thứ V.
Là con người luôn đam mê sáng tạo, anh Hiệp chưa chịu dừng lại ở những gì mình đã đạt được mà vẫn tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu. Tại hội thi STKT tỉnh Quảng Ngãi lần thứ VI, giải pháp "bẫy lồng tự động bắt chuột" của anh đoạt giải Ba. Đây là một giải pháp có tính sáng tạo và ứng dụng rất cao. Chiếc "bẫy lồng tự động bắt chuột" của anh được làm khá đơn giản, không phải tốn nhiều bẫy mà bắt được nhiều chuột, ít tốn thời gian, mỗi lần đặt bẫy có thể để được nhiều ngày vì bẫy không làm chuột chết liền nên không gây hôi thối.
"Những nhà sáng chế nông dân mà tôi gặp chưa bao giờ mơ giấc mơ làm khoa học, không một ngày học về chế tạo máy. Nhưng những sáng chế của họ cho thấy rất "có nghề", được bà con nông dân ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn" - Ông Võ Việt Chính - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết. |
Riêng tại Hội thi STKT lần thứ VII (2010 - 2011), giải pháp "lưỡi cưa đá ong cải tiến" đoạt giải khuyến khích. Chiếc máy giúp người công nhân cắt đá ong tùy theo ý muốn của mình và nhanh gọn. Máy còn cắt được đá vôi, gốc cây nằm dưới mặt đất. Liên quan đến chiếc máy này, anh Hiệp kể: Vừa rồi, Bệnh viện Dung Quất tiến hành đào giếng, nhiều thợ đến thấy vùng đất toàn đá ong đều lắc đầu chào thua. Riêng anh với lưỡi cưa đá ong cải tiến đã mạnh dạn nhận thi công. Nhờ đó mang về cho anh Hiệp thu nhập trên 40 triệu đồng.
Anh Hiệp chia sẻ: "Giải pháp nào mình thực hiện cũng bắt nguồn từ cuộc sống. Đối với mình, sống là phải sáng tạo. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng mình luôn tâm niệm, tạo ra cái mới để phục vụ công việc và cuộc sống thì tốn kém gì cũng phải làm". Ít ai biết rằng, tất cả các giải pháp sáng kiến anh Hiệp đều tự bỏ kinh phí ra để thực nghiệm. Ngoài các sản phẩm được biết tới này, anh còn là tác giả của hơn chục loại máy móc khác mà theo anh nhận xét: "Toàn thứ đồ vui vui, nho nhỏ giúp được bà con phần nào tôi vui phần đó". Điều này cho thấy sức sáng tạo của anh Hiệp luôn rất dồi dào.
Không chỉ nhận giải thưởng từ Ban tổ chức hội thi STKT, anh Hiệp còn được Hội nông dân các cấp khen thưởng vì đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Hội.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU