Trường đại học Hertfordshire (Anh) vừa phát minh một loại robot dành cho trẻ em tự kỷ. Kết quả khảo sát cho thấy nhiều trẻ nhờ chơi với robot này đã bắt đầu giao tiếp và hòa đồng với mọi người xung quanh.
Bé Eden Sawczenko chơi vui vẻ với robot Kaspar - Ảnh: AP |
Kaspar, tên của robot, giống một bé trai có khả năng biểu lộ cảm xúc như cười, cau mày, vẫy tay... nhờ được điều khiển từ xa. 300 trẻ bị bệnh tự kỷ ở nhiều mức độ khác nhau đã được cho chơi cùng Kaspar khoảng 10 phút mỗi ngày.
“Trẻ em tự kỷ không phản ứng tốt với mọi người bởi vì các em không hiểu được những nét mặt biểu lộ cảm xúc khác nhau” - chuyên gia nghiên cứu về trẻ tự kỷ Ben Robins cho biết. Sau một thời gian chơi với Kaspar, bé Ronnie Arloff, 4 tuổi, bị chứng tự kỷ từ nhỏ, nay có thể nhận biết các nét mặt, nói “vui vẻ” khi Kaspar cười, nói “buồn” khi thấy Kaspar cau mày và trở nên thân thiện với mọi người hơn.
Cô Nan Cannon-Jones, chuyên viên tư vấn trẻ tự kỷ tại một trường học, cho biết dù Kaspar không thể dạy trẻ ngôn ngữ nhưng nó giúp trẻ tự kỷ hiểu được những cảm xúc vui buồn, nét mặt, ngôn ngữ và phát triển khả năng tương tác xã hội.
Bệnh tự kỷ là một chứng rối loạn có thể ảnh hưởng đến hành vi, suy nghĩ, giao tiếp của trẻ với các trẻ khác. Triệu chứng chung của bệnh tự kỷ là trẻ thích chơi một mình, không chấp nhận các trẻ khác cùng chơi, thích sắp xếp các vật theo màu sắc, ít biểu lộ cảm xúc khi tiếp xúc với người khác, tương tác xã hội kém, có hành vi bất thường như xoay tay hay vỗ tay.
Theo TTO