Vài năm trước, khi thấy hàng vạn con chim yến kéo đến làm tổ tại trụ sở Tỉnh ủy, UBND, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, nhiều người cho rằng đó là "lộc trời ban tặng" nên đã đầu tư bạc tỉ xây nhà nuôi chim yến với hy vọng đổi đời. Nhưng "lộc trời" chẳng thấy đâu mà tiền thì bay mất.
2 năm “dụ” được... 5 con yến
Ngày càng có nhiều hộ dân ở Bạc Liêu xây nhà khang trang để nuôi chim yến - Ảnh: T.T.Phong |
Ông Bành Văn Đằng - chủ một đại lý kinh doanh thức ăn nuôi tôm khá lớn ở P.1, TP Bạc Liêu - kể, năm 2007 ông đầu tư khoảng 80 triệu đồng mua máy phát tín hiệu âm thanh, máy phun sương để tạo độ ẩm làm nơi cho chim yến xây tổ trên sân thượng nhà mình. Không lâu sau, đàn yến kéo về đến hàng ngàn con, xây cho ông hàng trăm cái tổ.
Thấy có thể "lên đời" nhờ nuôi yến, ông Đằng tiếp tục đầu tư hơn 500 triệu đồng mua đất xây dựng thêm căn nhà 1 trệt 1 lầu tại thị trấn Châu Hưng (H.Vĩnh Lợi) và đầu tư thêm hơn 130 triệu đồng mua các trang thiết bị, như: máy phát âm thanh, máy phun sương, ván gỗ, dung dịch khử mùi để “dụ” chim yến.
Xong xuôi, chiều chiều ông Đằng ra ngồi núp ló sau nhà với hy vọng đàn chim yến sẽ lũ lượt bay về. Nhưng đã gần 2 năm trôi qua, căn nhà của ông Đằng chỉ “dụ” được 5, 6 con chim yến và chỉ "thu hoạch" được... 3 cái tổ. “Đầu tư hơn nửa tỉ bạc mà chỉ "dụ" được vài con yến, không biết tới thế kỷ nào mới thu hồi được vốn” - ông Đằng chua xót.
Còn ông Trần Quan Siên, một đại gia ở thị trấn Hộ Phòng (H.Giá Rai) do mê tổ yến có giá hàng chục triệu đồng/kg, nên đã lặn lội ra tận Khánh Hòa học hỏi kinh nghiệm “dụ” yến. Năm 2008, ông Siên đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây dựng căn nhà 1 trệt 3 lầu, có hàng rào bảo vệ dành riêng cho... yến! Thế nhưng đến nay, căn nhà bề thế của ông Siên cũng chỉ “dụ” được khoảng 40 con chim yến về... ngủ mà chưa chịu xây cho ông cái tổ nào...
Cán bộ kỹ thuật “chạy sô”
Theo ông Đằng, thời gian qua, lượng chim yến bay về Bạc Liêu khá nhiều. Tuy nhiên, do đơn vị hợp đồng cung cấp thiết bị, chuyển giao kỹ thuật nuôi yến thiếu quan tâm, chăm sóc nên nhiều nhà nuôi không "dụ" được chim yến vào làm tổ. Cụ thể, theo hợp đồng, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa (Công ty Yến sào Khánh Hòa) nhận cung cấp thiết bị và chuyển giao kỹ thuật "dụ" yến cho ông Đằng trong một năm, với giá 130 triệu đồng.
Khi thấy chim yến không vào nhà, ông kiểm tra thì phát hiện ván ốp tường để cho chim ở và làm tổ bị ẩm mốc liền điện thoại báo cho công ty đến chỉnh sửa, khắc phục. Nhưng lãnh đạo công ty viện đủ lý do rằng đường sá xa xôi, đi lại tốn kém rồi... im luôn. Nóng lòng, ngày nào ông Đằng cũng gọi điện thoại đến Công ty Yến sào Khánh Hòa đề nghị kiểm tra. Tuy nhiên mãi hơn 3 tháng sau mới có người của công ty xuống xử lý nhưng đến lúc này thì số lượng chim yến đã giảm mạnh. Từ 20 con xuống còn 5 con.
Hiện tại toàn bộ ván ốp tường bị ẩm mốc, bốc mùi nên chim yến không thể ở được nên mới đây, đại diện Công ty Yến sào Khánh Hòa hứa thay đổi một số thiết bị kỹ thuật và cam kết qua năm sau sẽ tăng lượng chim gấp đôi so với thời điểm ban đầu (từ 20 con lên 40 con), nhưng ông Đằng không chấp nhận và đề nghị công ty phải có trách nhiệm hơn khi nhận cung cấp thiết bị, chuyển giao công nghệ kỹ thuật nuôi yến cho người dân. Tình cảnh của ông Trần Quan Siên cũng tương tự như thế.
Theo ông Đằng, do lúc đó ít người nuôi yến nên cán bộ của công ty luôn túc trực chăm sóc. Nay do có nhiều người nuôi nên họ “chạy sô”, bỏ bê khách hàng.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, hiện trên địa bàn có khoảng 50 hộ và một số công ty đầu tư xây dựng nhà để nuôi chim yến. Trong đó, nhiều hộ nuôi chim yến rất khá giả. Nhưng phần lớn các hộ nuôi yến trong nhà tại Bạc Liêu không am hiểu kỹ thuật, chỉ "học lóm" được chút ít kinh nghiệm rồi bỏ số tiền lớn đầu tư nuôi yến nên ẩn chứa rất nhiều rủi ro.
Theo kinh nghiệm của dân trong nghề, một căn nhà nuôi chim yến phải có từ 300 con chim trở lên và phải mất 2 năm sau khi nhà nuôi chim đi vào hoạt động mới có thể đánh giá mức độ thành công. Ước tính: 1.000 con yến có thể làm 400 tổ/mùa, mỗi tổ chỉ thu được 10g yến sào. Tổ yến hiện có giá khoảng 35 triệu đồng/kg.
Theo TNO