(QNg)- Những năm gần đây, nhiều đề tài khoa học- công nghệ (KHCN) do Sở KHCN Quảng Ngãi phối hợp với các cấp, ngành, doanh nghiệp thực hiện, đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy KHCN đã tạo cơ sở cho phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân trong tỉnh.
Bước đi đầu tiên mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại Quảng Ngãi là tập trung vào công tác khảo nghiệm, thử nghiệm giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, mô hình ứng dụng KHCN vào sản xuất. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình có ứng dụng cao trong thực tế. Nhiều giống mới được đưa vào sản xuất đại trà và cho năng suất cao như: Giống lúa Q5, ML2003, ML49, HT1...; giống ngô 30Y87, T7. Việc ứng dụng KHCN đã đem lại hiệu quả rõ rệt, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân đạt 5,4%/năm (trong đó năng suất lúa đạt 52 tạ/ha, ngô 50 tạ/ha).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích kiểm tra mô hình trồng sầu riêng ở Nghĩa Hành. |
Dự án "Hỗ trợ xây dựng mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía trên đất gò đồi huyện Ba Tơ theo hướng sản xuất bền vững" đã giúp nông dân tại 2 xã Ba Dinh (300ha) và Ba Tô (với diện tích 100ha) được tiếp cận với những kỹ thuật trồng mía mới. Dự án được triển khai trên diện tích mía gốc hiện có ở vùng đồi có độ dốc từ 0- 150, và nằm trong vùng quy hoạch nguyên liệu mía của huyện Ba Tơ.
Trong đó mô hình thâm canh mía theo phương thức tiểu bậc thang được xây dựng cho những vùng đồi có độ dốc từ 8- 150; và theo phương thức đường đồng mức cho vùng đồi có độ dốc từ 0- 80. Dự án triển khai đã thu hút gần 1 nghìn hộ nông dân người Hrê tham gia. Tính đến thời điểm này mía tăng trưởng tốt, năng suất có thể đạt từ 60- 65 tấn/ha, tăng gấp đôi so với phương pháp canh tác mía truyền thống của đồng bào.
Điều đặc biệt là việc trồng mía theo đường đồng mức và tiểu bậc thang trên đất đồi dốc sẽ khắc phục được tình trạng xói lở, thoái hoá đất. Ước tính nếu dự án được nhân rộng đến khoảng 80% diện tích quy hoạch trồng mía của huyện Ba Tơ, thì lợi nhuận mang lại cho hộ nông dân trong vùng dự án khoảng 7 tỷ đồng/năm. Có thể khẳng định, dự án thâm canh cây mía trên đất đồi gò theo mô hình sản xuất bền vững được xem là giải pháp góp phần phát triển vùng nguyên liệu mía cho các Nhà máy đường trong tỉnh, giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.
Vừa qua, mô hình nuôi gà H'mông trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi được triển khai cho 8 hộ tham gia (500 con), với kinh phí đầu tư ban đầu là 36 triệu đồng. Sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ gà sống đạt khoảng 92%, trọng lượng trung bình 1,2 kg/con, thu nhập trên 66 triệu đồng, người nuôi có lãi trên 36 triệu đồng. Cùng với chất lượng thịt đã được khẳng định, mô hình nuôi gà H'mông thành công ở đồng bằng đã góp phần đa dạng hoá sản phẩm chăn nuôi, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng và nông dân của thành phố Quảng Ngãi sẽ tăng thu nhập, cải thiện được đời sống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích- Chủ tịch Hội đồng KHCN tỉnh, đánh giá: Các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp đã được triển khai có hiệu quả, phục vụ đắc lực cho sản xuất và đời sống, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, cải thiện đời sống nhân dân, phát huy được những thế mạnh vốn có của địa phương và hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần có giải pháp nhân rộng kết quả của các mô hình, dự án để tạo ra sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân trong tỉnh.
Ông Trần Chấn Diệp- Giám đốc Sở KHCN cho biết: Để xây dựng ngành KHCN Quảng Ngãi đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội nói chung, lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, Sở KHCN sẽ tổ chức thực hiện nội dung chương trình hành động của tỉnh triển khai Kết luận số 234-TB/TW của Bộ Chính trị về nhiệm vụ, giải pháp phát triển KHCN từ nay đến năm 2020; cũng như quán triệt tinh thần Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
Trong những năm đến, KHCN phải tiếp tục nâng cao năng lực tiếp thu ứng dụng tiến bộ KHCN, làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; nâng cao năng lực và trình độ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh; phát triển nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao; đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại nhằm phát triển mạnh tiềm lực KHCN của tỉnh. Hoạt động KHCN phải đề xuất được các giải pháp huy động và phát huy các nguồn lực nhằm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho các ngành, địa phương và toàn tỉnh.
Bài, ảnh: ĐÌNH NGUYÊN