Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tham vấn với các đồng minh trong ngày 21/3 về những bước đi tiếp theo, sau khi chính phủ của ông thoát hiểm trong gang tấc tại cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của quốc hội và các cuộc biểu tình bạo lực tiếp diễn trên cả nước liên quan đến cải cách hưu trí.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhận được tới 278 phiếu ủng hộ, chỉ thiếu 9 phiếu để đạt con số 287 cần thiết. Theo Reuters, nhờ kết quả này mà chính sách cải cách hưu trí - trong đó có giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm, tức 64 tuổi - của chính phủ ông Macron được áp dụng.
Người biểu tình bị cảnh sát chống bạo động bao vây đêm 20/3 tại Paris - Pháp Ảnh: REUTERS |
Dự kiến Tổng thống Macron trả lời phỏng vấn trên đài TF1 và France 2 trong ngày 22-3 để "làm rõ những gì đang xảy ra". Ông cũng làm việc với Thủ tướng Elisabeth Borne, lãnh đạo hai viện quốc hội và các nghị sĩ đồng minh vào ngày 21-3 để tìm lối ra cho tình hình hiện nay.
Các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Pháp phản đối cải cách hưu trí cũng như việc chính phủ thúc đẩy dự luật được thông qua ở quốc hội mà không cần bỏ phiếu. Không chỉ biểu tình, các Công đoàn còn đẩy mạnh đình công trong nhiều ngành nghề. Một ngày biểu tình và đình công toàn quốc đã được lên kế hoạch vào ngày 23-3.
Đình công tại các kho xăng dầu ở Đông Nam nước Pháp đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhiên liệu, buộc chính phủ ngày 21-3 phải ra lệnh trưng dụng nhân viên để bảo đảm nguồn cung. Nguy cơ thiếu nguồn cung dầu diesel có thể lan ra châu Âu, đẩy giá dầu diesel giao ngay cao hơn giá kỳ hạn.
Theo
Anh Thư/NLĐO