HĐBA đánh giá cao nỗ lực của ASEAN trong giải quyết vấn đề ở Myanmar

09:08, 18/08/2021
.
Sáng 17/8, tại New York, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã họp, nghe Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei Erywan Pehin Yusof, Đặc phái viên của ASEAN về Myanmar thông tin về các nỗ lực gần đây của ASEAN liên quan đến tình hình Myanmar.
[links()]
 
Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.
Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener và Quyền Trợ lý Tổng Thư ký LHQ về các vấn đề nhân đạo kiêm Phó Điều phối cứu trợ khẩn cấp Ramesh Rajasingham cũng đã tham dự và báo cáo tại cuộc họp.
 
Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Ngoại giao Brunei chia sẻ các nỗ lực của ASEAN trong thời gian qua trong việc thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Myanmar, đặc biệt là những nội dung được thống nhất tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 như nhất trí bổ nhiệm Đặc phái viên của ASEAN về Myanmar và giao Tổng Thư ký ASEAN điều phối các hoạt động nhân đạo nhằm thực hiện “Đồng thuận 5 điểm” (đạt được tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN ngày 24/4).
 
Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ đã cập nhật thông tin đối thoại với các bên liên quan và Quyền Trợ lý Tổng Thư ký LHQ về các vấn đề nhân đạo kiêm Phó Điều phối cứu trợ khẩn cấp cũng chia sẻ thông tin về tình hình nhân đạo ở Myanmar.
 
Tất cả các nước thành viên HĐBA LHQ đều đánh giá cao nỗ lực của ASEAN trong việc thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình trong vấn đề Myanmar, mong muốn Đặc phái viên của ASEAN sớm vào Myanmar để thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy đối thoại, trong đó có việc xây dựng lòng tin, sự tin cậy và kết nối với các bên liên quan ở Myanmar.
 
Nhiều nước tiếp tục bày tỏ quan ngại về các vụ tấn công, bạo lực và kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt bạo lực, tổ chức đối thoại bao trùm và có ý nghĩa để giải quyết vấn đề. Các nước mong muốn Đặc phái viên của ASEAN và Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ phối hợp chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau trong các nỗ lực thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Myanmar.
 
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ bày tỏ quan ngại về tình hình ở Myanmar, đặc biệt về các cuộc đụng độ bạo lực giữa các bên, việc phá hủy các văn phòng, cơ sở hạ tầng dân sự và làn sóng COVID-19 lần thứ 3.
 
Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng, các hành động bạo lực vẫn đang tiếp tục diễn ra và cướp đi sinh mạng của nhiều người; nếu không chấm dứt ngay bạo lực, các nỗ lực ổn định, đối thoại và hòa giải sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
 
Đại sứ Việt Nam nhấn mạnh, điều quan trọng hiện nay là tất cả các bên ở Myanmar phải bảo đảm an toàn, an ninh và sức khỏe cho người dân, bảo đảm quyền tiếp cận nhân đạo an toàn và không bị cản trở cho tất cả mọi người, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương cũng như ưu tiên phòng chống, kiểm soát COVID-19 và điều trị những người bị nhiễm bệnh.
 
Trên cơ sở đó, Đại sứ Đặng Đình Quý thúc giục các bên liên quan ở Myanmar thực hiện kịp thời và đầy đủ Đồng thuận 5 điểm đạt được tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 4/2021, trong đó có việc tiến hành các cuộc đối thoại có ý nghĩa nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình toàn diện và lâu dài vì lợi ích của người dân Myanmar.
 
Về tìm kiếm giải pháp cho tình hình Myanmar, Đại sứ Đặng Đình Quý nhắc lại tình hình ở Myanmar rất phức tạp với nhiều nguyên nhân lịch sử sâu xa, do đó, việc tìm kiếm một giải pháp là một quá trình khó khăn và lâu dài cần được xử lý một cách thận trọng và phù hợp. Quá trình này cần sự cam kết mạnh mẽ, trách nhiệm và nỗ lực xây dựng từ tất cả các bên liên quan ở Myanmar.
 
Trong bối cảnh đó, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế, trước hết, cần thúc đẩy một cách tiếp cận toàn diện, hợp tác và mang tính xây dựng thông qua các biện pháp kết nối, tin cậy lẫn nhau và xây dựng lòng tin.
 
Cộng đồng quốc tế cũng cần tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm và hỗ trợ các nỗ lực của khu vực, trong đó có chuyến thăm Myanmar sắp tới của Đặc phái viên và phái đoàn của ASEAN.
 
Trong tất cả các quá trình này, cần tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bao gồm chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Myanmar.
 
Nhân dịp này, đại diện Việt Nam cũng chia sẻ các nỗ lực của ASEAN trong thời gian gần đây, cho rằng ASEAN và các nước thành viên đã và đang nỗ lực hết sức để giảm bớt vấn đề nhân đạo, chấm dứt bạo lực ở Myanmar và hỗ trợ Myanmar một cách tích cực, hòa bình và mang tính xây dựng.
 
Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi các thành viên HĐBA và cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ thiết thực cho những nỗ lực của ASEAN trong thời điểm khó khăn này, thông qua việc hỗ trợ nhân đạo, hỗ trợ y tế và viện trợ vaccine tại Hội nghị Hỗ trợ Myanmar dự kiến tổ chức vào ngày 18/8 cũng như thông qua Trung tâm Điều phối Hỗ trợ nhân đạo về Quản lý thiên tai của ASEAN.
 
HĐBA thông qua Tuyên bố Chủ tịch kêu gọi thúc đẩy hòa bình tại Tây Phi và Sahel
 
Cũng trong sáng 17/8, tại trụ sở LHQ, HĐBA LHQ nhất trí thông qua Tuyên bố Chủ tịch HĐBA LHQ về tình hình khu vực Tây Phi và Sahel.
 
Tuyên bố nêu quan ngại về tình hình an ninh xấu đi tại một số quốc gia Tây Phi và Sahel, sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố ở Sahel và khu vực châu thổ hồ Sát cũng như bên ngoài khu vực Tây Phi và vấn đề cướp biển ở Vịnh Guinea.
 
Các nước thành viên HĐBA LHQ kêu gọi các quốc gia và khu vực Tây Phi nỗ lực hơn nữa chống lại những mối đe doạ nêu trên, đồng thời, lên án các cuộc tấn công ngày càng gia tăng nhằm vào dân thường, các thể chế nhà nước, khu vực và địa phương cũng như lực lượng an ninh quốc gia, quốc tế và LHQ.
 
Tuyên bố nhấn mạnh việc ổn định tình hình và bảo vệ dân thường ở khu vực là trách nhiệm chính của các quốc gia trong khu vực với sự giúp đỡ của Văn phòng LHQ ở Tây Phi và Sahel (UNOWAS), các tổ chức khu vực và cộng đồng quốc tế.
 
Các quốc gia trong khu vực cũng cần đồng thời thúc đẩy tiến trình an ninh, quản trị dân chủ, hỗ trợ nhân đạo, phát triển bền vững, hòa giải và bảo đảm nhân quyền nhằm xây dựng xã hội hòa bình, công bằng và bao trùm.
 
Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia đầy đủ, công bằng và ý nghĩa của phụ nữ trong việc duy trì hoà bình và an ninh ở khu vực, phù hợp với Nghị quyết 1325 của HĐBA và các nghị quyết liên quan về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
 
Bên cạnh đó, các nước thành viên HĐBA LHQ một lần nữa khẳng định ủng hộ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia trong khu vực và nhấn mạnh sự cần thiết của việc tôn trọng đầy đủ nguyên tắc không can thiệp.
 
Tuyên bố cũng bày tỏ quan ngại trước tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi do đại dịch COVID-19 và tác động của nghèo đói cùng cực, mất an ninh lương thực, tình trạng buộc phải rời nơi cư trú, bất bình đẳng và bạo lực gia tăng tại khu vực.
 
Các nước kêu gọi không cản trở và duy trì an toàn cho các hoạt động nhân đạo, tăng cường cứu trợ y tế và không phân biệt đối xử trong cung cấp dịch vụ y tế, kêu gọi các hành động thiết thực về nhân đạo, phát triển và thực hiện cam kết giải ngân.
 
Các nước thành viên HĐBA kêu gọi tăng cường các nỗ lực và sự đóng góp của UNOWAS, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng kinh tế Tây Phi và Sahel (ECOWAS) và các thành viên khác trong việc hỗ trợ các quốc gia ở khu vực chống dịch COVID-19, tiếp cận vaccine công bằng và các dịch vụ y tế thiết yếu.
 
Các nước hoan nghênh các nỗ lực giải quyết những thách thức an ninh từ khủng bố và các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia ở khu vực và các nỗ lực hợp tác giữa Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Tây Phi và Sahel và Điều phối viên LHQ về phát triển ở Sahel trong việc triển khai các kế hoạch của LHQ tại Sahel.
 
Theo Chinhphu.vn/Báo Quốc tế
 

.