Đại cử tri "bất trung" có thể đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2020?

09:11, 11/11/2020
.
Đại cử tri "bất trung" có thể khiến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên Dân chủ Joe Biden chệch ra ngoài dự đoán khi kết quả khá sít sao.
 
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay đã đi vào lịch sử với số người bỏ phiếu cao kỷ lục, phần nào cho thấy mức độ quan tâm của cử tri Mỹ đối với cuộc chạy đua giữa Tổng thống Trump và ứng viên Biden. Tuy nhiên, những lá phiếu này không phải là phiếu bầu trực tiếp tổng thống tiếp theo của nước Mỹ mà chỉ nhằm chọn ra người được ủy quyền làm điều đó, hay còn gọi là đại cử tri. Nói cách khác, đại cử tri đoàn có vai trò quyết định tổng thống tiếp theo.
 
Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden (Ảnh: AFP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden (Ảnh: AFP)
Tổng cộng Mỹ có 538 đại cử tri lập thành Đại cử tri đoàn. Đại cử tri đoàn sẽ bỏ phiếu vào ngày 14/12 để bầu ra tổng thống. Quốc hội Mỹ sẽ kiểm phiếu và công bố kết quả bỏ phiếu này vào ngày 6/1 để xác định ứng viên đắc cử.
 
Đại cử tri “bất trung”
 
Tại 33 bang và thủ đô Washington DC, luật bầu cử của bang hoặc quy định của các đảng yêu cầu đại cử tri phải bỏ phiếu ủng hộ ứng viên nhận được đa số phiếu bầu phổ thông của bang. Nói cách khác, ứng viên thắng ở các bang này sẽ nhận được toàn bộ phiếu đại cử tri ở đó. Ở một số bang, đại cử tri có thể bị thay thế hoặc bị phạt nếu không tuân thủ quy tắc. Một đại cử tri không bỏ phiếu cho ứng viên giành đa số phiếu phổ thông của bang mình bị gọi là “đại cử tri bất trung”.
 
Robert Alexander, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ohio, cho biết: "Nghiên cứu 5 kỳ bầu cử trước kia cho thấy các đại cử tri thường được vận động để thay đổi lá phiếu của họ trong thời gian từ bỏ phiếu phổ thông đến bỏ phiếu đại cử tri. Gần như toàn bộ đại cử tri đã được vận động thay đổi quyết định vào năm 2008 và 2016. Một số hành động vận động hành lang bị coi là thái quá khi đại cử tri nhận được những lời đe dọa".
 
Theo thống kê của FairVote, trong lịch sử bầu cử Mỹ, đến nay có tổng cộng 165 đại cử tri bị coi là bất trung, trong đó 90 đại cử tri bỏ lá phiếu “lệch” (không ủng hộ ứng viên của đảng mình) khi bầu chọn tổng thống.
 
Trong cuộc bầu cử năm 2016, số đại cử tri bất trung cao bất thường. Năm đó, ông Trump giành chiến thắng với 304 phiếu đại cử tri. Đây là lần thứ hai kể từ năm 2000, một ứng viên đắc cử tổng thống nhờ nhiều phiếu đại cử tri hơn dù thua về số phiếu phổ thông. Năm 2016, ít nhất 10 đại cử tri bị coi là bất trung, trong đó có 8 đại cử tri Dân chủ ở Colorado, Hawaii, Maine, Minnesota và Washington DC, 2 đại cử tri Cộng hòa ở Texas.
 
Cuộc bầu cử 2020
 
Kermit Roosevelt, giáo sư luật của Đại học Pennsylvania, cho rằng đại cử tri bất trung khó có thể thay đổi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, đặc biệt khi các bang đã rút kinh nghiệm từ kỳ bầu cử 4 năm trước.
 
“Các đại cử tri thường được lựa chọn rất kỹ lưỡng và sau cuộc bầu cử năm 2016 việc lựa chọn này càng thận trọng hơn. Theo tôi, các đảng có lẽ đã chú ý hơn để đảm bảo chọn đúng người”, ông Roosevelt nói.
 
Tòa án Tối cao liên bang Mỹ đã nêu rõ rằng đại cử tri không được bỏ phiếu theo ý muốn của mình mà phải theo quy định của bang. Tuy nhiên, ông Roosevelt không loại trừ khả năng, nếu xảy ra kịch bản số đại cử tri của hai bên sít sao, đại cử tri bất trung có thể làm thay đổi kết quả.
 
“Chúng ta có thể sẽ thấy một chiến dịch nhằm tác động đến đại cử tri”, ông Roosevelt nói.
 
Hơn 1 tuần sau ngày bầu cử 3/11, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 vẫn chưa ngã ngũ. Theo tính toán của truyền thông Mỹ, ứng viên Joe Biden giành được 290 phiếu đại cử tri trong cuộc chạy đua kịch tính với Tổng thống Donald Trump - người về sau với 214 phiếu. Tuy nhiên, ông Trump và đội ngũ của ông đến nay không công nhận kết quả này và cáo buộc có các gian lận bầu cử tại các bang chiến trường. Chiến dịch của ông Trump tuyên bố kiên quyết theo đuổi các vụ kiện đến cùng.
 
Theo Dân trí
 

.