Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21-10 đã phê duyệt 3 hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan với tổng trị giá hơn 1,8 tỉ USD. Trong số này có 135 tên lửa AGM-84H có thể tấn công các mục tiêu từ khoảng cách xa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tên lửa AGM-84H biến thể SLAM-ER có thể phóng từ tiêm kích F-16 sẵn có của Đài Loan - Ảnh chụp màn hình |
Hợp đồng 135 tên lửa AGM-84H thuộc biến thể SLAM-ER cũng là hợp đồng lớn nhất trong đợt bán lần này, với giá trị hơn 1 tỉ USD.
Loại tên lửa này vừa có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất lẫn trên biển, với tầm bắn vào khoảng 270km. Tính trung bình, mỗi quả tên lửa AGM-84H có giá gần 7,5 triệu USD.
Trong thông báo chính thức được phát ngày 21-10 (giờ Mỹ), Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ngoài các tên lửa AGM-84H, Mỹ cũng sẽ bán thêm 11 xe phóng pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Lockheed Martin sản xuất. Giá trị hợp đồng rơi vào khoảng 436 triệu USD.
6 hệ thống cảm biến MS-110 Recce do Collins Aerospace chế tạo cũng sẽ được bán cho Đài Loan với giá 367,2 triệu USD.
Theo Hãng tin Reuters, việc chốt hợp đồng trong thời gian ngắn cho thấy chính quyền Donald Trump đang đẩy nhanh việc bán vũ khí cho Đài Loan trước ngày bầu cử.
Trung Quốc, vốn luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, đã luôn phản đối mạnh mẽ các hợp đồng cung cấp vũ khí của Mỹ cho Đài Loan.
Các nguồn tin của Reuters tiết lộ tổng giá trị hợp đồng vũ khí Mỹ dự định bán cho Đài Loan trước ngày bầu cử lên tới 5 tỉ USD nhưng sẽ được chia thành 5 đợt.
Các loại vũ khí đều là loại "xịn" như máy bay không người lái cỡ lớn, tên lửa chống hạm và tấn công mặt đất. Nguồn tin của Reuters tiết lộ sẽ có từ 100-400 tên lửa các loại được bán cho Đài Loan.
Trong diễn biến khác liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố Washington sẽ mở rộng việc bán vũ khí cho các nước "cùng chí hướng" trước các thách thức do Nga-Trung Quốc đặt ra.
Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ xem Matxcơva và Bắc Kinh là hai đối thủ cạnh tranh hàng đầu. Tuy nhiên, tuyên bố được ông Esper đưa ra ngày 21-10 tại trung tâm nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương dường như hướng tới việc tăng thị phần vũ khí Mỹ trên thế giới.
Theo ông Esper, Nga và Trung Quốc có quy trình xuất khẩu vũ khí linh hoạt và mau lẹ, điều mà ông cho là Mỹ không làm được.
"Khi Bắc Kinh và Matxcơva mở rộng thị phần vũ khí trên thế giới, họ cũng đồng thời thu hút các quốc gia khác vào mạng lưới an ninh của mình, thách thức nỗ lực của Mỹ trong việc vun đắp mối quan hệ với các nước khác. Điều đó cũng đồng thời làm phức tạp thêm môi trường tác chiến của Mỹ trong tương lai", người đứng đầu Lầu Năm Góc lập luận.
Trên cơ sở đó, ông Esper cho rằng Mỹ cần mở rộng việc bán vũ khí cho các đối tác "cùng chí hướng" nhưng không nêu rõ các đối tác này là những quốc gia hay vùng lãnh thổ nào.
Bộ trưởng Mỹ kế đó nêu việc bán máy bay F-35 cho Nhật Bản, trực thăng Seahawk và Apache cho Ấn Độ, máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan hay chuyển giao tàu tuần duyên cho Việt Nam. Các động thái này, theo ông Esper, là để bảo đảm an ninh và ổn định khu vực.
Phản ứng trước các phát ngôn của ông Esper, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố Mỹ đã có một đánh giá "sai lầm chiến lược" khi xác định Bắc Kinh là đối thủ. Ông này cũng kêu gọi Mỹ từ bỏ "tư duy chiến tranh lạnh" và cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Theo BẢO DUY /Tuổi Trẻ Online