Thụy Điển cấm Huawei, ZTE tham gia mạng 5G

09:10, 20/10/2020
.
Ngày 20-10, Thụy Điển cấm sử dụng thiết bị viễn thông của hai tập đoàn Trung Quốc là Huawei và ZTE trong mạng 5G của nước này.
Theo Reuters, động thái trên diễn ra trước một cuộc đấu thầu phổ tần 5G dự kiến tổ chức ​​vào tháng tới. Cơ quan Bưu chính và Viễn thông Thụy Điển (PTS) cho biết quá trình cấp phép cần tuân theo đánh giá của Lực lượng Vũ trang Thụy Điển và cơ quan an ninh – vốn mô tả Trung Quốc là "một trong những mối đe dọa lớn nhất". 
Thụy Điển cấm Huawei tham gia mạng 5G. Ảnh: Reuters
Thụy Điển cấm Huawei tham gia mạng 5G. Ảnh: Reuters
PTS nói rằng các đơn vị tham gia đấu thầu phải loại bỏ thiết bị của Huawei và ZTE trong xây dựng mạng truy cập vô tuyến, truyền dẫn và mạng lõi cũng như dịch vụ và bảo trì mạng trước ngày 1-1-2025.
 
Những công ty đã được cấp phép tham gia đấu thầu bao gồm Hi3G Access, Net4Mobility, Telia Sverige và Teracom. Ngoài ra, hai công ty Tele2 và Telenor sẽ cùng tham gia với tư cách đảm bảo phổ tần 3.5 GHz và 2.3 GHz cho việc triển khai mạng 5G chung trên toàn quốc.
 
Tele2 hiện sử dụng các thiết bị Huawei trong mạng của mình và trước đó gọi tập đoàn Trung Quốc là nhà cung cấp quan trọng. Công ty này nhấn mạnh quyết định của PTS về cơ bản không thay đổi kế hoạch của họ.
ADVERTISING
iTVC from Admicro
 
Phiên đấu thầu phổ tần 5G tại Thụy Điển ban đầu được lên kế hoạch vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, hồi năm ngoái, PTS cho biết họ sẽ trì hoãn phiên đấu thầu để đánh giá bảo mật. Vào tháng 4 năm nay, PTS thông báo phiên đấu thầu sẽ bắt đầu vào tháng 11.
 
Cả Huawei, ZTE lẫn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều không bình luận về quyết định nói trên.
 
Thụy Điển là quê hương của Ericsson , một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu châu Âu. Lệnh cấm của Thụy Điển có thể có lợi cho Ericsson và Nokia của Phần Lan.
 
Các chính phủ châu Âu thắt chặt kiểm soát đối với các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G sau áp lực ngoại giao từ Mỹ. Hồi tháng 7, Anh ra lệnh loại bỏ hoàn toàn thiết bị của Huawei khỏi mạng 5G của mình vào năm 2027, trở thành một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên làm như vậy.
 
Theo Phạm Nghĩa/NLĐO
 
 

.