Saudi Arabia và Nga, hai nước khơi mào cuộc chiến giá dầu, đã đồng ý cắt giảm sản lượng để kéo giá dầu đang rớt thê thảm lên cao với điều kiện Mỹ và các nước khác cũng phải nhập cuộc.
Một giàn khoan dầu ngoài khơi Na Uy - Ảnh: REUTERS |
Theo Đài CNN của Mỹ, thỏa thuận đạt được sau một cuộc họp trực tuyến căng thẳng giữa Nga và các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tối 9-4. Nhóm này được gọi chung là OPEC+.
CNN dẫn các nguồn tin riêng cho biết thỏa thuận này sẽ mở đường cho việc giá dầu tăng trở lại. Nga, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất ngoài OPEC và Saudi Arabia - quốc gia dẫn dắt OPEC, đồng ý cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 5 và tháng 6 tới.
Từ tháng 7 tới tháng 12-2020, mức cắt giảm sẽ còn 8 triệu thùng/ngày và từ tháng 1-2021 đến tháng 4-2022 là 6 triệu thùng/ngày.
Iran, Libya và Venezuela sẽ được miễn cắt giảm sản lượng do lệnh trừng phạt hoặc các khó khăn nội tại.
Thông báo chính thức về thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ được công bố trong hôm nay 10-4 hoặc ngày mai, theo CNN.
Ngay sau cuộc họp, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với hai người đồng cấp Nga và Saudi Arabia đồng thời mô tả bầu không khí trong suốt buổi nói chuyện là "rất tốt".
Tổng thống Mỹ lập luận việc cắt giảm là cần thiết bởi dầu thô đã thừa mứa tới mức không ai biết nên dùng vào việc gì và các kho dự trữ đều đã đầy.
Mỹ, quốc gia sản xuất dầu đá phiến lớn nhất thế giới, được kêu gọi tham gia các nỗ lực cắt giảm của OPEC+. Ông Trump trước đó khẳng định các công ty Mỹ đã cắt giảm sản lượng dầu đá phiến chứ không phải không có.
Thất bại trong việc thuyết phục Nga cắt giảm sản lượng dầu thô để đẩy giá dầu lên cao tại hội nghị OPEC+ hồi đầu tháng 3 rồi, Saudi Arabia đã lập tức thay đổi thái độ và chấm dứt 4 năm "mặn nồng" với Nga.
Thái tử Saudi Arabia, ông Mohammed bin Salman (MbS) - người cai trị vương quốc trên thực tế - đã bật đèn xanh cho phép tập đoàn Aramco tăng mức sản xuất dầu thô lên 13 triệu thùng/ngày, tức mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Để cạnh tranh với Nga, Saudi Arabia cũng đề nghị mức chiết khấu hấp dẫn cho các khách hàng và tất nhiên là cạnh tranh hơn so với mức của Nga, theo báo The Guardian.
Lo sợ bị mất thị phần vào tay đối thủ, Nga quyết định không giảm thị phần nhưng theo các chuyên gia, các công ty dầu đá phiến đang ngập trong nợ của Mỹ mới là người bị ảnh hưởng nhiều nhất sau cuộc chiến lần này.
Theo BẢO DUY/Tuổi Trẻ Online