(Baoquangngai.vn)- WHO chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Tại châu Âu, Tây Ban Nha có nguy cơ trở thành điểm dịch thứ hai sau Ý.
Theo Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên thế giới đến sáng ngày 12/3 là 126.305, 4.632 ca tử vong, 66.335 ca đã bình phục, 106 quốc gia, vùng lãnh thổ có người nhiễm.
Tại Việt Nam, hiện ghi nhận 38 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 16 người mắc (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn, 22 người còn lại đang được điều trị cách ly tại các cơ sở y tế.
|
WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu
Theo hãng tin BBC, ngày 11-3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố tổ chức này xem COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
"Trong hai tuần qua, số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần, và số quốc gia có dịch đã tăng gấp 3 lần. Trong những ngày kế tiếp, chúng tôi dự đoán rằng số ca nhiễm, số ca tử vong và số quốc gia có dịch sẽ còn tăng cao hơn" - ông Tedros phát biểu trong cuộc họp báo.
Ông Tedros cũng nhấn mạnh, mặc dù một số quốc gia đã có hành động quyết liệt nhằm chống dịch, các nước còn lại lại không có các hành động cần thiết để ngăn chặn bệnh dịch lây lan.
"Chúng tôi cảm thấy quan ngại sâu sắc về tình hình lây lan và nghiêm trọng của dịch, và cũng như mức độ thờ ơ đáng báo động về dịch bệnh" - người đứng đầu WHO nhấn mạnh. Cuối cùng, ông tuyên bố "vì thế, chúng tôi đưa ra đánh giá rằng COVID-19 sẽ được xem là đại dịch".
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: REUTERS |
Dịch bùng phát tại Châu Âu
Các nước châu Âu ngày 11/3 tiếp tục ghi nhận thêm các ca tử vong và nhiễm Covid-19 mới với tỷ lệ gia tăng đáng kể. Pháp và Tây Ban Nha đang trở thành những điểm nóng virus corona tại Châu Âu khi số ca nhiễm ở cả hai nước đều vượt mức 2.000 người.
Hơn 2.000 ca nhiễm tại Tây Ban Nha
Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo, tính đến 6 giờ tối ngày 11/3 (theo giờ địa phương), nước này ghi nhận 2.140 ca nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19), tăng đáng kể so với 1.639 ca nhiễm hôm 10/3.
Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại, Tây Ban Nha cũng xác nhận 48 ca tử vong vì Covid-19, đưa nước này trở thành ổ dịch lớn thứ hai tại châu Âu, sau Italia.
Madrid vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha, chiếm một nửa số ca nhiễm và 31 ca tử vong.
Số ca tử vong tăng gấp đôi tại Pháp
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran ngày 11/3 cho biết số ca tử vong vì virus corona chủng mới tại nước này đã tăng gần 50%, lên 48 người. Ông Veran khẳng định Pháp sẽ triển khai các biện pháp để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng Veran, tổng số ca nhiễm Covid-19 được xác nhận tại Pháp tính đến thời điểm hiện tại đã lên tới 2.281 người, tăng 497 ca so với ngày 10/3. Ông Veran cũng cho biết 105 người đang ở trong tình trạng nghiêm trọng.
Theo Bộ trưởng Y tế Pháp, chính phủ đã quyết định cấm các chuyến thăm tới các viện dưỡng lão, vì người lớn tuổi được xem là nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao nhất.
Dịch lan rộng tại nhiều nước Châu Âu
Tại Anh, số ca nhiễm Covid-19 được xác nhận hôm 11/3 là 456 trường hợp, tăng so với 373 trường hợp một ngày trước đó. Số bệnh nhân tử vong sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19 tại Anh hiện vẫn ở mức 6 người.
Bulgaria ngày 11/3 đã xác nhận ca tử vong đầu tiên vì Covid-19. Bệnh nhân là một phụ nữ 66 tuổi, được đưa tới bệnh viện ở Sofia hôm 10/3 với triệu chứng viêm phổi nặng. Đây cũng là ca nhiễm Covid-19 thứ 6 tại Bulgaria.
Thụy Điển ngày 11/3 cũng xác nhận, ca tử vong đầu tiên vì virus corona chủng mới tại nước này là một bệnh nhân lớn tuổi, từng có bệnh nền và được điều trị tại một bệnh viện ở vùng Stockholm. Thụy Điển cho đến nay đã xác nhận 460 ca nhiễm Covid-19.
Italia hiện là ổ dịch corona lớn nhất tại châu Âu và lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, với 827 người chết và hơn 12.400 người nhiễm Covid-19. Trong khi đó, Đức cũng ghi nhận hơn 1.600 ca nhiễm và 3 ca tử vong vì Covid-19.
Đan Mạch thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ trường học trong những ngày sắp tới để kiểm soát dịch, khi số ca nhiễm Covid-19 tại nước này đã tăng lên hơn 340 người. Thủ tướng Đan Mạch cho biết tất cả các viên chức phụ trách những công việc không cấp bách có thể làm việc tại nhà, bắt đầu từ ngày 13/3, để tránh nguy cơ lây lan virus.
Ủy ban châu Âu (EC) đóng trụ sở tại thủ đô Brussels, Bỉ đã xác định 4 nhân viên dương tính với SARS-CoV-2 trên tổng số 32.000 nhân viên. Cơ quan hành pháp của EU đã đưa ra chi tiết các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự lây lan của virus. Các nhân viên EC trở về từ Italy phải thực hiện cách ly trong hai tuần. Các khóa đào tạo nội bộ bị đình chỉ ít nhất đến ngày 3/4.
Mỹ cân nhắc tuyên bố bệnh dịch quốc gia
Trong nhiều tuần qua, chính quyền Tổng thống Trump cố gắng trấn an dư luận khi khẳng định có khả năng kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế gần đây đã lên tiếng cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Hiện Nhà Trắng chưa đưa ra phản ứng trước thông tin trên.
Trong khi đó, một nguồn tin khác cho biết, Tổng thống Trump đang cân nhắc tuyên bố bệnh dịch quốc gia để được sử dụng khoản tài chính dành cho hoạt động ứng phó của chính quyền liên bang đối với dịch Covid-19. Theo Đạo luật Stafford, động thái trên có thể giải ngân tới 40 tỷ USD cho gói cứu trợ khẩn cấp
Theo thống kê của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tính đến ngày 11/3, nước này ghi nhận 987 ca dương tính với SARS-CoV-2, tăng 291 trường hợp so với thống kê trước đó, đồng thời nhấn mạnh, số ca tử vong tăng lên 29 trường hợp.
CDC cho hay, các bệnh nhân được ghi nhận tại gần 40 bang. Thống kê này cũng bao gồm cả 49 ca trở về từ Nhật Bản và thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi dịch bệnh khởi phát.
Cùng ngày, trong một phiên điều trần tại Quốc hội, Giám đốc Viện Dịch bệnh Truyền nhiễm và Dị ứng của Mỹ Anthony Fauci cho biết, Covid-19 có thể nguy hiểm gấp 10 lần so với bệnh cúm mùa.
Tình hình tại Châu Á vẫn diễn biến phức tạp
Trung Quốc có số ca nhiễm mới virus corona thấp kỷ lục
Theo hãng tin AP, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 12/3 cho biết Trung Quốc ngày hôm qua có thêm 15 ca nhiễm mới virus corona (SARS-CoV-2), thấp kỷ lục kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu công bố thống kê về dịch Covid-19 hồi tháng 1. Con số này giảm 9 ca so với 24 người ghi nhận hôm 10/3.
Tổng số ca nhiễm virus corona mới ở đại lục hiện tăng lên 80.793 trường hợp. Hôm qua, Trung Quốc cũng có thêm 11 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì Covid-19 tại quốc gia Đông Á lên 3.169 ca. Có 62.793 người đã được chữa khỏi triệu chứng và cho xuất viện trong khi 14.831 bệnh nhân vẫn đang được điều trị.
Trung Quốc ghi nhận số ca lây nhiễm virus corona đã giảm, tuy nhiên, lúc này họ đang nâng cao cảnh giác với các ca nhiễm bệnh từ nước ngoài vào Trung Quốc.
Hàn Quốc thêm 114 ca nhiễm Covid-19, số người chết tăng lên 66
Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), nước này ngày 11/3 đã ghi nhận thêm 114 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc lên 7.869 trường hợp.
Đây là mức tăng ca nhiễm Covid-19 trong ngày thấp nhất tại Hàn Quốc trong hơn 2 tuần qua. Trước đó, ngày 10/3, Hàn Quốc ghi nhận 242 ca nhiễm mới.
Nhân viên mặc đồ bảo hộ phun khử trùng tại Gwangju, Hàn Quốc. (Ảnh: AP) |
Trong số 114 ca nhiễm mới, 73 trường hợp được ghi nhận tại Daegu và 8 trường hợp tại tỉnh Bắc Gyeongsang. Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Daegu và Bắc Gyeongsang, hai tâm dịch corona tại Hàn Quốc, lần lượt là 5.867 và 1.143 người tính đến thời điểm hiện tại. Tính đến ngày 11/3, số ca tử vong vì Covid-19 tại Hàn Quốc đã tăng lên 66 người, trong đó chủ yếu là người lớn tuổi và có bệnh nền.
Tốc độ gia tăng số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc có dấu hiệu chậm lại trong những ngày gần đây, sau khi giới chức y tế hoàn tất việc xét nghiệm cho 210.000 tín đồ Tân Thiên Địa. Tuy nhiên, các nhà chức trách Hàn Quốc vẫn cảnh giác cao độ trước các ổ dịch mới, bao gồm một tổng đài ở tây nam Seoul.
Thêm một Phó tổng thống và 2 bộ trưởng Iran mắc Covid-19
Iran hiện là một trong những điểm nóng bùng phát dịch Covid-19. Tính đến cuối ngày 11/3, Iran có tổng cộng 9.000 ca mắc Covid-19, và 354 người tử vong. Chính phủ nước này đã khuyến cáo người dân hạn chế đi lại và tập trung đông người nhằm tránh dịch bùng phát rộng.
Fars dẫn nguồn thạo tin ngày 11/3 cho biết, Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri đã mắc Covid-19. Thông tin được đưa ra sau những đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông Eshaq do ông không còn thấy xuất hiện trong các hình ảnh về các cuộc họp cấp cao gần đây của chính phủ Iran. Hiện chưa rõ, ông Eshaq Jahangiri có tiếp xúc gần với Tổng thống Iran Hassan Rouhani những ngày gần đây hay không.
Hãng tin Fars cũng cho hay, hiện ông Eshaq đang được cách ly và tình hình sức khỏe chuyển biến tốt, song không cung cấp thông tin cụ thể.
Ngoài ông Eshaq Jahangiri, hai bộ trưởng nội các Iran cũng được xác nhận nhiễm Covid-19, gồm Bộ trưởng Di sản văn hóa và Du lịch Ali Asghar Mounesan và Bộ trưởng Công nghiệp, Khai mỏ và Doanh nghiệp Reza Rahmani.
Truyền thông quốc gia Iran hiện chưa thông báo về các ca nhiễm mới này. Nếu được xác nhận, đây sẽ là những quan chức cấp cao mới nhất ở Iran dương tính với Covid-19. Trước đó, Phó tổng thống phụ trách các vấn đề phụ nữ Masoumeh Ebtekar, Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi và hàng chục nghị sĩ Iran cũng được xác định mắc Covid-19.
Indonesia ghi nhận ca tử vong đầu tiên do đại dịch COVID-19
Ngày 11/3, Indonesia cho biết nước này vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh COVID-19. Bệnh nhân đã có các bệnh nền như cao huyết áp, cường giáp trạng và mắc bệnh về phổi lâu năm, theo báo Straits Times.
"Nữ bệnh nhân 53 tuổi, là người nước ngoài. Đại sứ quán của quốc gia người này đã được thông báo" - ông Achmad Yurianto, người phát ngôn của lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 và cũng là một quan chức của Bộ Y tế Indonesia, cho biết.
Ông nói rằng bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch khi được đưa tới bệnh viện. Ông thông tin bệnh nhân qua đời vào khoảng 2h sáng 11/3 nhưng từ chối cung cấp thông tin về quốc tịch của người này.
PV (tổng hợp)