Hàng ngàn du khách đổ đến núi thiêng Uluru leo lần cuối

02:10, 25/10/2019
.
Hàng dài người xếp hàng chờ leo lên đỉnh ngọn núi thiêng Uluru ở Úc lần cuối, trước khi lệnh cấm leo núi chính thức có hiệu lực, theo nguyện vọng của người dân bản địa Anangu.
 Hàng ngàn du khách đổ xô đến núi thiêng Uluru để chinh phục ngọn núi này trước khi lệnh cấm có hiệu lực - Ảnh: SUPPLIED
Hàng ngàn du khách đổ xô đến núi thiêng Uluru để chinh phục ngọn núi này trước khi lệnh cấm có hiệu lực - Ảnh: SUPPLIED
Khi lệnh cấm càng gần đến ngày có hiệu lực, vài tháng qua đã có hàng ngàn người nối nhau tạo thành những hàng dài leo lên núi Uluru, đến nỗi nơi đây được so sánh với những hàng người leo núi Everest dạo gần đây.

Đài BBC cho biết khối núi đá nguyên khối khổng lồ, được du khách gọi là Ayers Rock, sẽ đóng cửa vĩnh viễn kể từ ngày 26-10. Do đó, sáng 25-10,hàng trăm người tập trung dưới chân núi đá Uluru chờ để được chinh phục ngọn núi đá này lần cuối.

Tuy nhiên công viên quốc gia Uluru-Kata Tjuta, nơi có núi Uluru, vẫn tạm đóng cửa khu vực leo núi do gió mạnh. Các nhân viên ngày 25-10 cho biết họ sẽ cập nhật thông tin thường xuyên cho người leo núi.

Từ năm 1950 đến nay, đã có hàng chục người chết ở núi Uluru do tai nạn, mất nước hoặc các vấn đề liên quan đến nhiệt độ. Năm 2018, một du khách người Nhật đã thiệt mạng khi cố gắng leo lên phần dốc nhất của ngọn núi.

BBC cho biết Uluru cao 349m, nhiều đoạn dốc và có thể trơn trượt. Vào mùa hè, nhiệt độ tại khu vực này có thể lên tới 47 độ C.

Năm 2017, ban quản trị của công viên Uluru-Kata Tjuta đã bỏ phiếu thông qua lệnh cấm leo núi vì sự linh thiêng của ngọn núi trong mắt người dân bản địa cũng như vì lý do an toàn và môi trường. Lệnh cấm chính thức có hiệu lực vào 26-10-2019.

Rameth Thomas, một người Anangu, nói với Đài BBC rằng Uluru là một "nơi rất linh thiêng, giống như điện thờ của chúng tôi. Mọi người trên khắp thế giới chỉ đến và leo núi. Họ không thể hiện sự tôn trọng" - ông Thomas cho biết.

Trong khi đó một người đến leo núi Uluru chia sẻ rằng: "Rất khó để nhận thấy nơi này quan trọng như thế nào. Đây là núi đá và để chúng ta trèo lên".

Các khu cắm trại và khách sạn gần chân núi Uluru đều được đặt kín chỗ trong tuần này. Các quan chức chính quyền địa phương cho biết thậm chí nhiều người còn dựng trại bất hợp pháp dưới chân núi và xả rác bừa bãi.

Các quan chức địa phương và các đại lý du lịch đánh giá việc cấm cửa leo núi Uluru có thể không ảnh hưởng nhiều đến tỉ lệ du khách đến tham quan công viên quốc gia này.
 
Theo ANH THƯ/Tuổi Trẻ Online

 

.