Truyện ngắn: Câu hát người xưa

04:02, 14/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tháng Giêng, nắng ngọt. Gió nồm hây hẩy. Nếu quên đi cái lạnh thấu xương và mưa dầm hồi tháng Chạp, thì buổi chiều mùa xuân tạo cảm giác êm ả trong lòng người.  Ông Năm Lạng, men theo lối nhỏ, qua mấy bụi dương, ra bãi cát nhìn về phía biển. Biển xanh ngắt, vài con sóng nhỏ xô bờ. Những bông hoa muống biển nở màu tim tím. Loại hoa mọc hoang, nắng mưa chẳng hề hấn gì, cứ nở hoa, xanh lá bốn mùa. Cứ nằm đây, rung rinh vài chiếc lá, như nghiêng tai nghe sóng, nghe gió, hồn nhiên sống. Con người cũng vậy, hít thở đất trời bao la, vài câu hò hát bâng quơ khiến lòng thư thái, khỏe khoắn, quên đi mọi thứ nhọc nhằn. Có lẽ nhờ vậy mà ông Năm Lạng sống đến chừng này tuổi, tuổi thiên hạ nói là xưa nay hiếm.
 
Ông đặt chân đến xứ này vào một ngày tháng Chạp. Năm ấy, tháng Chạp gió rét căm căm. Ông đi trên bờ ruộng, những cây lúa tong teo trong cái lạnh cuối đông. Lạnh mà không mưa. Là ông đi coi ai có việc gì kêu làm. Hai ngày rồi, không ai hỏi một lời, ông ngủ trong chòi ngoài đồng trống. Đêm nghe gió vù vù mà lòng xốn xang. Cuộc đời đẩy đưa ông đến xứ này như một số phận.  Đi riết rồi cũng mỏi, ông ngồi lại bên gốc cây mù u. Chỗ này người ta dùng gầu sòng tát nước vô ruộng. Đám ruộng sát mé gò, hơi cao, thiếu nước. Hai người phụ nữ mang gàu đến. Một người hơi lớn tuổi và một người còn trẻ. Họ dang ra, vét mương, lấy nước tát vào ruộng. 
 
- Anh gì ơi! Sao ngồi đây coi buồn hiu, buồn hắt vậy? Một trong hai người phụ nữ đó hỏi. Ông bình thản đáp:
 
- Ờ... ờ ngồi đây, cũng chưa biết làm gì. Tôi đang thất nghiệp. Mấy cô biết ở đây có công việc gì làm không?
 
- Việc làm hả? Ở đây có trăm thứ việc. Đắp bờ làm ruộng, chăn vịt, nuôi bò... chỉ sợ anh làm không xuể.
 
- Vậy sao? Nhưng tôi không vốn liếng, chỉ hai bàn tay trắng. Liệu người ta có cho tôi làm không?
 
- Được! Có việc cho anh làm ngay từ bây giờ. Anh biết tát nước chứ? Tát nước gàu sòng. Đây, anh lại đây tui chỉ cho.
 
Sau khi nghe hướng dẫn, trong đầu Năm Lạng nghĩ sao mà khó quá. Thôi kệ, không đi làm sao cho đến. Cứ "ừ" đại và làm ngay.
 
Năm Lạng cùng người phụ nữ đứng tuổi tát nước dưới mương lên. Người phụ nữ trẻ xắn quần lội vô ruộng dặm lúa. Ban đầu, miệng gàu cứ vấp vào bờ, nước chảy ngược xuống mương. Sau vài lần điều chỉnh Năm Lạng đã thành công. Người phụ nữ có vẻ hài lòng. Bỗng dưng gặng hỏi:
 
- Quê anh ở đâu? Sao lưu lạc đến đây?
 
Năm Lạng vừa múc nước vừa nói giọng rầu rầu:
 
- Chẳng giấu gì bà chị, tôi không có gia đình, cha mẹ mất sớm, tôi ở tận trên làng Tó, xứ đồi gò, trồng củ lang, củ mì, vài năm trở lại đây, mất mùa, đói kém, người làng Tó bỏ đi, tôi cũng ra đi và đến nơi đây. 
 
- Xứ anh có hát hò đối đáp trong lúc làm ruộng, tát nước hay giã gạo đêm trăng không?
- Dạ, hát hò cũng có, nhưng chủ yếu là hát theo các vở tuồng, như hát bội, hát bài chòi là chính. Còn hát đối đáp là sao? 
 
- Tui cũng chưa tường lắm. Chị ví dụ một vài câu hát nghe thử đi.
 
Người phụ nữ hắng giọng lấy hơi nói, hát như vầy nè:
 
- "Củ lang mỏng vỏ đỏ da/ Em muốn về Lang Phụng theo ta mà về/ An Mô với bến cùng quê/ Gần sông tắm mát chợ kề một bên". Đó là câu hát bên nam. Người nam có ý bày tỏ tình cảm của mình với người khác giới.
 
- Mà chị ơi, nếu người khác giới kia không hát đối lại được thì làm sao hả chị?
Người phụ nữ đưa tay áo quẹt mồ hôi trên trán rồi nói:
 
- Khó gì đâu, nếu bên kia không đáp lại thì anh ta được trớn thừa thắng xông lên, mà hát rằng:  “Củ lang khô năm tiền séc giạ/ Lúa trì trì trị giá mười hai/ Đôi ta xứng gái vừa trai, kết đôi phu phụ nào ai biểu dừng/ Đò đưa tới bến đò ngừng/ Bạn thương ta buổi trước, nửa chừng phải thương luôn”.
 
- Cha chả, câu hát nghe có vần, có điệu, mà khó nhớ quá. Ngày trước tui từng nghe lớp liền anh, liền chị hát trong lúc làm lụng trên đồng.  
 
- Đúng rồi, hạt lúa, củ khoai là từ giọt mồ hôi nhỏ xuống trên ruộng đồng, nên dân quê mình lấy việc hát hò làm niềm vui, nỗi buồn chia sẻ với nhau. Gặp nhau chào hỏi, qua câu chuyện mùa màng, ruộng nương. Hát hò là để quên đi mệt nhọc, để tiếp tục gắn bó đời mình với đất đai, mưa nắng. Dân quê mình bao đời như vậy mà. Câu hát có khi làm cho lòng người phấn chấn. Một đôi khi bén duyên nhau từ những câu hò đối đáp như vậy. Câu chuyện hát hò có phần thú vị. Người phụ nữ ấy tên Oanh. Sau này ông mới biết chị Oanh là con nhà nòi hát hò đối đáp. Hai chị em ra tát nước, dặm lúa. Cô em tên Yến. Cô Yến nhỏ hơn chị Oanh năm tuổi. Nãy giờ Yến cặm cụi làm, tỉ mẩn nhổ những bụi lúa non, tách ra, dặm xuống những chỗ lúa mọc thưa. Yến nghe hai người nói chuyện hát hò chừng như cũng thú vị. Câu chuyện vô tình làm cho họ cởi mở và gần gũi nhau hơn. Chị em một nhà, nên Yến biết tính chị Oanh mê hát. Chị Oanh nói:
 
- Hát đối đáp thường có nam, có nữ. Hát đối đáp là hát ngoài đồng ruộng. Nếu đem câu hát từ ngoài đồng về nhà, thành câu hát đưa em. Ví như câu: “Ầu... ơ! Chờ em cho mãn kiếp chờ/ Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông”. Người ta thêm chữ “Ầu... ơ!” vào đầu câu hát. Nhưng khi đem ra ngoài ruộng thì hát: “Chờ em cho mãn sức chờ/ Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông”. Đó là lời than trách của người con trai. Bỗng dưng người con gái hát lên câu hát lạnh lùng nghe như đang xối vào anh kia gáo nước: “Rau muống trổ bông, lên bờ nó trổ/ Ai biểu anh chờ, anh kể công ơn”. Hát đối đáp đôi khi cũng ác lắm. Nếu như bữa đó mà không đáp lại được đối phương, nghĩa là không gỡ được thì về gác tay lên trán mất ngủ. Nghĩ không ra, phải kiếm ông thầy để học cho được câu đáp. Thường, người đã vào nghề hát là đối đáp lanh lẹ, ứng xử tài tình lắm. Ví như câu bên trai hát: “Phòng loan trải chiếu rộng thình/ Anh lăn đụng gối, tưởng bạn mình anh hun”. Nếu bên gái có ý châm chọc sẽ hát lại: “Phải chi em được ở chung/ Thì đâu có ra nông nỗi anh phải hun gối gòn”.  
 
Chị Oanh vừa nói vừa cười giòn giã, gần như quên hẳn đang cùng Năm Lạng kéo những gàu nước nặng từ dưới mương lên. Chị ngoái lại, thấy nước cũng đã xăm xắp gốc lúa. Bỗng chị nói to:
 
- Để tui kể chuyện này cho anh nghe. Hồi đó, mới tập đi hát, cũng tát nước, nhưng tát nước sáng trăng. Trai gái tập trung ngồi bờ ruộng, chờ đến phiên mình cầm dây gàu. Có cầm gàu, mới được hát. Cứ một nam, một nữ thay phiên nhau vừa tát, vừa hát. Lần đó, tui lượm được câu hát này, hí hửng nói hôm nay chắc mẩm, anh nào nhào vô sẽ bí cho coi, vừa cầm dây gàu tui vô liền “Lỡ chân em té xuống bùn/ Thân em lấm hết anh hun chỗ nào?”. Câu này ngặt lắm nghen. Không đáp lại là thua, cầm chắc là thua. Như vào trường hợp anh thì anh đáp làm sao cho được?
 
Năm Lạng suy nghĩ một lúc, bỗng reo lên. “Câu này dễ. Có gì khó đâu”.
 
Chị Oanh nghe nói ngạc nhiên. Thầm nghĩ, tay này giấu nghề sao ta? Hay là dân chơi tìm người đối đáp chứ thất nghiệp cái nỗi gì? Câu này là câu khó nhất, mà nói dễ thì chẳng phải tay vừa. 
 
- Đâu anh hát tui nghe coi.
 
- Trước khi hát, chị cho tui xin nói, tui tên là “Nửa Cân”. Làng Tó hay gọi tui là Nửa Cân. Nghĩa là tui tên Năm Lạng. Năm Lạng xin đối lại câu trên:
 
“Lỡ chân em té xuống bùn/ Thân em lấm hết anh hun chỗ nào?/ Em ơi đừng nói thấp nói cao. Áo quần em lấm hết, chỗ nào anh cũng hun”. 
 
Năm Lạng vừa dứt, Chị Oanh thả dây gàu, đưa hai tay ra phía trước tỏ vẻ bái phục. Hóa ra nãy giờ mình đã múa rìu qua mắt thợ. Chị Oanh nói:
 
-  Hôm nay gặp được cao thủ mà không biết. Có gì sơ suất mong được bỏ qua.
 
Thật ra Năm Lạng có biết hát hò gì đâu, chẳng qua là nhớ mang máng đâu đó ứng khẩu mà đọc thôi. Nhờ câu hát đó, mà cuộc đời Năm Lạng rẽ sang ngả khác. Nói như bây giờ là thời đến đỡ không kịp.
 
*  *  * 
 
Chiều hôm qua, ông Năm Lạng, thả bộ dọc theo bờ đắp. Hướng ra hàng mù u. Hàng mù u xưa bên bờ ruộng cũ, giờ không còn nữa. Trước mắt ông là cái đập nước. Người ta san ủi xây cái đập thiệt to vừa lấy nước vào ruộng phía trên, vừa ngăn nước mặn từ phía dưới. Cảnh cũ còn đó, mà người xưa đã xa, rất xa. Ông nhớ sau câu hát đối đáp ngày đó, chị Oanh đưa ông về nhà giới thiệu với cha chị. Cha chị nghe nói ông là người biết hát hò đối đáp, mà chịu khó làm việc nên cũng ưng ý. Năm Lạng nói:
 
-  Thưa bác, người xưa dạy “Nhàn cư vi bất thiện”, phải có việc làm mới vui bác ạ. Cháu đến đây là kiếm kế sinh nhai. Thiệt lòng cháu chẳng biết hát hò gì đâu. Nếu được gia đình cho nương nhờ cháu sẽ cố gắng làm việc, kiếm sống qua ngày. 
 
Ông già thấy Năm Lạng có vẻ thiệt thà nói:
 
- Thôi được cháu cứ việc ở đây đắp bờ làm ruộng. Làm ruộng vất vả, nhưng có cái để sống. 
 
Năm Lạng nghe nói mừng rơn trong bụng. Vệc gì đến sẽ đến, tình chị mà duyên em. Ông già gả cô Yến cho Năm Lạng, còn cho hai sào ruộng cấy. Năm Lạng bén rễ ở đây ngót năm mươi năm. Chị Oanh, cô Yến theo ông bà về bên kia hết rồi. Chỉ còn ông ở đây với mấy đứa con. Đứa nào cũng học hành đỗ đạt, có việc làm ở thành phố. Tết rồi chúng nó về quê mấy ngày, ông vui. Chúng nó đi, chợt lòng ông trống vắng. Đứng bờ đập, nhìn bâng quơ, gió nồm ngọt lịm, nhưng lòng trống quá, ông lại đi ra phía biển. Sóng biển cứ xô nhau, hồn nhiên vỗ vào bờ cát. Và ông nhớ về câu hát ngày xưa. Những câu hát giờ đã xa khuất mù khơi. Nhớ quá chừng mà không biết nói với ai. Ông giống như một loài hoa muống biển, một con bướm vàng nào đó đậu trên cánh mù u...
 
THOẠI VĂN

.