- Trời ơi! Ba đem cái bếp lò vào trong đi ba. Khói bay sang nhà người ta phiền lắm.
- Phiền cái gì. Cây tầm vông khô, không có khói. Lỡ rồi, để ấm nước sôi tao dẹp.
Là nói vậy, hễ thằng Phúc đi làm, ông Năm lại đem bếp lò ra đầu sân nhóm lửa. Lửa cháy, ông bắc siêu nước lên, cho củi vào, thỉnh thoảng cúi xuống thổi vài hơi rồi hơ tay xoa vào mặt hít hà làm như trời lạnh lắm. Tiết tháng Chạp, đất trời miền Nam cũng chỉ se se chút đỉnh làm gì có lạnh. Nhưng ông Năm thấy lạnh. Ông cần hơi bếp. Cũng may chỗ này còn chút không khí đồng quê, chỉ khác là con đường trước nhà rộng quá. Xe cộ mỗi ngày ào ào đi qua, lao vun vút về phía cuối đường, ở đó là khu chế xuất. Con trai ông cũng làm ở khu chế xuất. Nó đưa vợ chồng ông vào đây. Nó nói: “Ba má phải vào, ở quê không có ai, tuổi già đau ốm đêm hôm biết làm sao”.
Mặt trời lên, sương tan, ông dạo ra đám tầm vông kiếm củi, bó thiệt kỹ, dồn bao tải dựng trước hè. Ông lẩm bẩm: “Gốc tầm vông khô này nấu bánh tét thì hết ý”. Lại chuyện bánh tét. Con ông nói: Tưởng gì chứ bánh tét bán đầy khu Chợ Nhỏ”. Ông cúi xuống như thầm nói, trật hết rồi con ơi! Ai đâu thèm ăn bánh. Thèm cái khác. Cái ăm ắp trong lòng ông, nó mang hơi thở của đồng quê, nó thơm hương vị bờ tre, đồng cỏ, nó thơm mùi lúa non, rạ mới và thêm chút mặn mòi rạo rực ngày giáp Tết. Cái đó mới khó nói, khó giãi bày. Mà giãi bày với ai? Bánh tét là cái cớ làm cho hương vị ngày Tết ở quê thêm nồng ấm. Nhớ hồi đó, ông xoay trần đánh bật mớ gốc tre phơi khô từ đầu tháng Chạp. Và khi khu làng nhỏ ven sông lụp bụp tiếng người ta rang nổ, tiếng các bà đi chợ hỏi nhau giá củ hành, giá nếp là ông rọc lá chuối để đầy một nong ngoài sân. Bà bắc chảo lên bếp, xào mớ củ hành với mỡ heo cùng đậu xanh làm nhân bánh. Ông nhìn những nuộc lạt vén khéo, tròn trịa của bà, như bà đang buộc chặt một mối tình quê nồng thắm. Ông dụm mấy viên đá ong lại, kê nồi bánh tét lên, bắt đầu nổi lửa. Mới đầu lửa chỉ un un, một vòng khói là đà bay khắp vườn, như báo hiệu, như đánh thức ngày tháng Chạp sắp hết. Rồi lửa bùng lên, nồi bánh sôi sùng sục. Ông thay nước, trở bánh lòng bịn rịn giữa cái cũ gần qua và cái mới sắp đến. Ông Hai Thơ, người bạn hàng xóm tạt ngang xin nắm lạt thừa: “Chà, năm nay gói bao nhiêu lon gạo nếp mà coi bộ bánh nhiều vậy ông Năm”. Là hỏi cho có hỏi, việc chính của Hai Thơ là xin lạt thừa, năm nào cũng vậy. Hai Thơ tính cà rỡn và hơi làm biếng. Ông Năm thì sẵn lòng, lấy chia sẻ làm vui: “Cái gì chứ lạt không thiếu, gói cho cả xã này ăn cũng đủ, ông lại chỗ chái bếp đó lấy, nhưng mà vội gì”.
Ông Năm nói: Vội gì lai rai chút đã.
Ông Năm bưng ra thẩu rượu ngâm chuối thơm phức. Hai Thơ và ông Năm đối ẩm sương sương vài xị. Khi Hai Thơ khệnh khạng tay không ra về, để nắm lạt lại. Bà hai gút nếp xong tá hỏa không thấy lạt đâu. Chân nam đá chân chiêu, Hai Thơ chạy ngược. Chó sủa khắp làng... Ở quê nhiều chuyện tức cười. Đôi khi ông cười một mình. Cười thì ít, nhớ thì nhiều. Ông trông gặp được người quen “xứ nẫu” là hỏi chuyện. Chuyện gì cũng được miễn là chuyện quê. Bữa đó ăn sáng về ông nghe câu nói phía sau “Mua giùm con tờ vé số đi chú”. Giọng rặt Quảng Ngãi. Cha chả biết không trúng cũng mua. Ông mua năm tờ, lại còn rủ người đồng hương vào nhà chơi. Lần ấy thằng Phúc về la ông quá trời. Nó nói ở đây không như ngoài quê. Ở đây năm cha bảy mẹ trà trộn cuỗm hết đồ. Lần sau ba đừng cho người lạ vào nhà nữa. Ông nói cái thằng này thiệt tình. Ai cũng nghĩ người ta xấu coi sao được. Chuyện xảy ra chỉ vài hôm thì bổn cũ soạn lại. “Ai có giấy vụn đồng nát, quạt hư, bàn ủi bán không”. Ông gọi vào. Bán quách cái quạt gãy cánh cho rồi. “Vào đây, vào đây cháu”. Thằng đồng nát vào. Ông xuống bếp lục tìm quạt hư. Khi chạy lên không thấy thằng đồng nát đâu, nhìn lại đầu đĩa trên bàn cũng không cánh mà bay. Đợt đó thằng Phúc càm ràm ông cả tuần. Từ đó trở đi ông bắt đầu cảnh giác. Đóng cửa. Chỉ đứng bên trong nói ra thôi.
- Bánh tráng không? Bánh tráng nướng đây. Ở đây có phải nhà ông Năm không à?
- Không năm, sáu gì cả. Xin ông đi chỗ khác tui nhờ.
- A! Ông Năm quê Quảng Ngãi, ở xóm Bình An mà. Ông quên tui hả.
- Tui quê Quảng Nghĩa không phải Quảng Ngãi, ở xóm Bình Yên chứ không phải Bình An.
- Trời ơi! Mới có ba năm mà ông quên tui rồi. Quên tui thiệt hả ông Năm?
Ông Năm đứng trong cửa kính nhìn ra, cố nhớ. Giọng nói nghe quen thật. Nhưng bài học “đầu đĩa”, nhớ đời.
Lần này dứt khoát giữ vững lập trường, cảnh giác tối đa, không năm, sáu gì hết. Có tiếng đáp lại: “Ông này tệ thiệt, mới đó mà quên nhanh quá. Mình mất một buổi mới tìm ra, ai ngờ?”! Ông Năm nghe giọng nói quen quá mà không dám ra, không dám mở cửa. Ở ngoài quê cửa mở toang hoang. Tới mùa, đường dẻo, nước chè thoải mái. Và bắp nướng nữa. Thấy ai đi ngoài ngõ là kêu vào. Bắp trái đang vừa chắc hột, đem nướng, rồi quẹt thêm vài muỗng mắm cái cay cay, cạp một miếng đang nóng hít hà nghe ngọt mặn tình quê. Rồi nói chuyện làm đồng, nuôi trâu, thả cá. Hỏi sao không sướng và không nhớ cho được?
Ở đây chỉ có hai mùa. Nắng và mưa. Mưa ào ào và nắng chang chang. Ngày Tết cũng như ngày thường cứ trong nhà, ra sân rồi lại vô nhà. Hàng xóm cửa im thin thít. Không biết đi đâu, ông ngứa tay ngứa chân nhóm bếp. Mà nòi bất nhơn, bếp phải có khói. Khói làm sắp nhỏ hắc xì hơi mới nghiệt. Con ông cấm ông nhóm lửa. Cũng được vài bữa thôi, khói vẫn lên mỗi sáng đầu sân. Mớ củi kiếm được ngày càng nhiều. Thằng con ông đi làm về nhìn bao tải củi lắc đầu. Bây giờ gần Tết. Mà cái thằng cha nào kêu giọng quen quá, rõ ràng là nó biết mình. Gọi đích danh mình. Thằng xỏ lá nào dám? Ông đánh liều tuôn ra.
- Ai kêu tôi vậy cà?
- Ủa, ông Năm đó hả. Lần này mà ông không ra tôi cũng cóc cần tìm đến ông nữa.
- Nhưng ông là ai? Phải xưng tên xưng tuổi, và phải mở cái khẩu trang ra tui mới biết chứ!
- Đây, nhìn đây! Biết chưa - Người đàn ông lật khẩu trang.
- Ái chà! Quả đất tròn. Tưởng ai chớ. Thôi vào đây, dắt xe vào cho an toàn. Tui có thẩu rượu đây, một mình uống nghe nhạt lắm.
Ông Năm múc đầy hai ly rượu.
- Thôi cạn ly, mừng gặp nhau ở xứ người.
Tiếng hai cái ly chạm nhau, hai tấm lòng tri kỷ chạm nhau.
“Rượu ngon, gặp ở xứ người/ Chút tình quê kiểng, mấy mươi cho vừa”- Ông khách cao hứng đọc.
- Người ta kêu ông là Hai Thơ, ít quá. Phải kêu ông là Mười Thơ, hay quá chừng Thơ cũng được. Đúng không? Nhưng mà tui chưa hỏi nguyên cớ nào ông lưu lạc nơi đây?
- Chẳng giấu gì ông. Ông đi tháng Bảy, đầu tháng Chín thằng Út thi đậu vào Trường Đại học Ngoại Thương. Tui bán hết lúa lo cho nó vào trường cũng không đủ, đành vào Nam. Ban ngày tui bán bánh tráng, ban đêm làm bảo vệ "bệnh viện”.
- Ủa, mà sao ông xin được chân bảo vệ hay vậy?
- Chuyện đó hơi dài.
- Vậy là hay đấy. Có trái trời trở gió cũng không sợ.
- Sao mà không sợ? Nói là bệnh viện vì họ gọi vậy mình gọi vậy, chứ có phải bệnh viện gì đâu. Toàn là máy với máy thôi à.
- Nghĩa là sao? Chữa bệnh toàn bằng máy móc hết à?
- Không phải đâu ông Năm ơi! “Bệnh viện máy tính”. Nói theo kiểu nông dân mình sửa máy tính cho dễ hiểu. Chuyện bắt đầu là thế này.
Hôm đó tui mang bao bánh tráng đi dọc đường. Thấy có mấy chỗ chơi cờ tướng, tui ghé vào mời mua bánh. Họ lắc đầu đuổi ra. Tôi lấy cớ xem cờ nấn ná. Một trong hai người ngồi trước bàn cờ là ông mang kính gọng vàng, quần áo bảnh bao, đi quân cờ màu đỏ. Thấy ông này bí nước sắp thua, tôi nói đường nào cũng cầm chắc thua rồi, xin phép cho tôi đi thử một nước, ông ta đồng ý. Chỉ cần một nước phá thế, cuộc cờ chuyển bại thành thắng. Hôm sau chuyện cũ lập lại trên đoạn đường này, ông kính gọng vàng thắng liên tiếp mấy ván, thưởng cho tui tám trăm nghìn đồng.
Hai Thơ làm ngụm rượu, rồi nói tiếp: “Bẵng đi một dạo, tôi gặp lại ông kính gọng vàng trên xe buýt, ổng hỏi thăm và giới thiệu tôi làm bảo vệ. Vậy thôi. Nhưng đó là chuyện đã qua. Còn bây giờ Tết này ông có về quê không?”- Hai Thơ hỏi.
- Chắc là không rồi! Nhưng ở lại thì nhớ lắm.
- Tui thì tính ngày mùng Một Tết mới về. Ngày đó chắc mua vé dễ.
Ông Năm không nói, chỉ nhìn xa xăm, rót đầy ly rượu đẩy về phía Hai Thơ.
- Thôi làm hết cái này, chuyện về quê ăn Tết tính sau. Coi như đây là chén rượu tiễn năm cũ. Một năm nhiều khó khăn coi như đã qua. Nào chúc ông mua may bán đắt, sớm về quê ăn Tết.
Hai Thơ cạn ly, chào ông Năm, ôm mớ bánh tráng ra ngõ.
Ông Năm đứng nhìn theo. Bóng dáng một vùng quê ngày giáp Tết chừng như xa vời vợi.
THOẠI VĂN