Di tích, lễ hội ở Lý Sơn: Những nét độc đáo

06:12, 26/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi một di tích lịch sử - văn hóa ở huyện Lý Sơn đều gắn với câu chuyện lịch sử về hoạt động đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường, nhất là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta.
 
[links()]
 
Lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo 
 
Dưới thời các chúa Nguyễn đến Tây Sơn, nhiệm vụ của đội Hoàng Sa chủ yếu là thu nhặt hóa vật, đồi mồi, hải ba, hải sâm... rồi đem về cống nộp. Đến khi Gia Long lập quốc (1802), Triều Nguyễn còn có nhiều quy định về việc dựng bia, cắm mốc, đo đạc bản đồ để xác lập chủ quyền, đó chính là quá trình bảo vệ các ngư trường. Các sử liệu như Đại Nam hội điển sự lệ, Quốc Triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí, Châu bản Triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống toàn đồ, An Nam đại quốc họa đồ, hay các bản đồ do các nhà hàng hải phương Tây vẽ thể hiện khá rõ về chủ quyền của Việt Nam trên các ngư trường, nhất là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Ghi chép về đội Hoàng Sa khá sớm đó là Toản tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá ở thế kỷ XVII: “...Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn”... Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn soạn năm 1776, viết về hoạt động của đội Hoàng Sa như sau: “Ngày trước họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi ra biển, lấy tháng giêng ra đi nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch...”. 
 
Trong Hoàng Việt dư địa chí của Phan Huy Chú, phần viết về phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) có ghi: “Quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi, các Vua đời trước đặt ra quân giữ Hoàng Sa gồm 70 người, thường là lấy người xã An Vĩnh. Hằng năm, cứ đến tháng 3 nhận lệnh mang lương thực trong 6 tháng rồi dùng 5 chiếc thuyền ra khơi, đi trong 3 ngày 3 đêm thì đến đảo, đến nơi vừa canh giữ vừa đánh cá mà ăn. Đến tháng 8 thì về cửa Eo (Thuận An) lên tâu nộp ở thành Phú Xuân”. Thực tiễn hoạt động của đội Hoàng Sa là nhiệm vụ thiêng liêng: “Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”, người lính Hoàng Sa thường có đi nhưng ít khi trở lại: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”. Trên đảo Lý Sơn có nhiều dòng họ tham gia trong đội Hoàng Sa như họ Võ Văn, Phạm Văn, Trần, Dương, Đặng... Trong đó, nhiều người được sử sách nhắc đến như Đốc chiến Võ Huệ, Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết, Võ Văn Phú, Võ Văn Hùng, Phạm Quang Ảnh, Nguyễn Quang Tám, Phạm Hữu Nhật, Đặng Văn Xiểm...
 
Giữ gìn các lễ hội truyền thống  
 
Lý Sơn là hòn đảo nhỏ nhưng có bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời gắn với đời sống tâm linh cộng đồng với nhiều nghi thức tín ngưỡng độc đáo cần được phát huy giá trị. Trên địa bàn huyện hiện có 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 18 di tích cấp tỉnh; hiện còn hơn 30 di tích chưa được xếp hạng.

Di tích lịch sử trên đảo Lý Sơn gắn với các hoạt động bảo vệ ngư trường truyền thống phải kể đến đình An Vĩnh, đình An Hải, Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa, dinh Bà Thiên Y A Na, dinh Bà Thủy Long... Ngoài ra, còn có các lăng thờ cá Ông ở vạn An Phú như lăng Đông Hải, vạn Vĩnh Thạnh như lăng Cồn Trong, lăng Cồn Ngoài, Lăng Tân, Lăng Chánh, Lăng Thứ. Gắn liền với các di tích là những nghi lễ, lễ hội thể hiện tín ngưỡng cộng đồng, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ ngư trường. Hình ảnh lễ cầu ngư đầu năm mới cho thấy ngư dân đất đảo vẫn luôn nặng lòng với biển đảo. Việc vươn khơi bám biển không chỉ là mưu sinh, mà còn thể hiện trách nhiệm của ngư dân với chủ quyền của đất nước, những ngư dân can trường ấy chính là những cột mốc sống trên biển. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại đình An Vĩnh, đình An Hải và các nhà thờ tộc họ không chỉ ôn lại truyền thống giữ biển của cư dân Lý Sơn trong nhiều thế kỷ, mà còn khơi dậy niềm tin cho con cháu trong tộc quyết tâm giữ biển, giữ nghề và bảo vệ ngư trường đánh bắt truyền thống.

 
Lễ tế thần Nam Hải, lễ tế thần Thiên Y A Na, Thủy Long, lễ cúng Hà Bá, cô hồn biển của ngư dân nhằm cầu nguyện cho phiên biển được bội thu, ra khơi gặp nhiều may mắn và duy trì việc đánh bắt hải sản trên các ngư trường truyền thống. Còn lễ hoàn nguyện là sau chuyến biển xa bờ đánh bắt về, người dân đem lễ vật đến các lăng thờ thần Nam Hải của vạn Vĩnh Thạnh và vạn An Phú để cúng tạ ơn các vị thần linh đã hộ trì cho họ sau chuyến biển được bình an. Lễ hội đua thuyền tứ linh đầu xuân mới là dịp để ngư dân tụ họp tại đình làng và dinh, miếu thờ trao đổi kinh nghiệm đánh bắt hải sản, vừa là tham gia lễ hội phục vụ thần linh trong các ngày tết. 
 
Các nghi lễ, lễ hội gắn với các di tích lịch sử trên đảo đã tạo nên một sức sống tinh thần mãnh liệt cho ngư dân đất đảo trong quá trình đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường trên các vùng biển nước ta, đặc biệt là ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
VÕ MINH TUẤN 
 

.