(Báo Quảng Ngãi)- Thơ lục bát xưa nay người viết không ít. Nhiều nhà thơ đã phải vận dụng thi pháp để làm cho bài thơ mềm mại, mới mẻ. Nhưng khi đọc thơ lục bát của nhà thơ Mai Bá Ấn, ta mới thấy ông viết thơ rất bình dị, từ ngữ bình dân và lời thơ như những câu nói đùa.
Mai Bá Ấn viết hầu hết các thể loại. Truyện ngắn như “Bến thất tình” (NXB Văn học, năm 2015), tập tiểu luận - phê bình “Logic của tưởng tượng” (NXB Hội Nhà văn, năm 2018)... Tuy nhiên, hầu hết mọi người biết đến ông là một nhà thơ. Đặc biệt, với thể thơ lục bát truyền thống, ông viết rất chắc tay. Nhắc đến thơ lục bát của Mai Bá Ấn, không thể không nhắc đến hai tập thơ “Lục bát làm liều” (NXB Đà Nẵng, năm 2001), “Thị trường lục bát ” (NXB Hội Nhà văn, năm 2008).
Đã là nhà thơ, ai cũng muốn đổi mới và phát triển. Với nhà thơ Mai Bá Ấn, ông luôn tự mình và động viên mọi người phải viết “trẻ” lên. Nên chính trong hai tập thơ trên, ta thấy thơ lục bát mang một tâm hồn cũ nhưng lại được ông ban cho một hình hài mới. Ông không xem sự đổi mới này là một bước đi của mình, ông cũng không chắc rằng sẽ thành công. Nên trong tập
“Lục bát làm liều”, nhà thơ ngỏ vài dòng: “Ca dao tuyệt/ Truyện Kiều tinh/ Lục bát của mình/ Chỉ viết.../ Liều thôi”. Ông liều mình để đổi mới thơ và khẳng định ngòi bút của mình. Và thực sự, ông đã thành công.
Văn chương mang sự tếu táo, tôi nhớ ngay đến “ông Hai Cù Nèo” (báo Tuổi trẻ) - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay nhà văn Đoàn Thạch Biền. Còn thơ, quả thực chưa có lần được thấy cái “tưng tửng” trong đó, nên thích thú vô cùng. Cái tếu ở đây không do tứ thơ, mà thể hiện ở ngôn từ. Từ ngữ của Mai Bá Ấn trong hai tập thơ lục bát bình dân, trần trụi vô cùng.
“Vầng trăng ốm nhách sau đồi”
(Và trăng ốm),
“Vậy rồi mình ngồi mình buồn/ Khi không chẳng lẽ lệ tuôn bá xàm”
(Lục bát đùa chơi). Đúng như cách ông nói:
“Con trai xứ Quảng nhà quê/ Câu thơ cũng chỉ ngô nghê trụi trần”
(Mù sương Đà Lạt).
Khi dấn thân vào thơ ca, Mai Bá Ấn mới công nhận:
“Áo cơm như một ngọn roi/ Quất Ba - con ngựa đã còi hết xương”, bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”. Ông cũng biết cách tạo mâu thuẫn trong câu thơ để tạo tiếng cười và rồi ngậm ngùi: “Thơ chẳng ai mua nổi đâu/ Rẻ thôi một ký hai hào tám xu”. Cái nghèo bán thơ, ta từng gặp trong thơ Tản Đà:
“Nhà tớ xưa nay vốn vẫn nghèo/ Bán văn buôn chữ kiếm tiền tiêu/ Quanh năm luống những lo văn ế/ Thân thế xem thua chú hát chèo”. Cái nghèo ấy, cái bèo bọt của văn chương mà Tản Đà thấy, nó có là gì so với Mai Bá Ấn. Ông nhận ra thơ rẻ rúng, bán bằng ký. Nhưng ông biết cách tạo sự mâu thuẫn trong câu thơ (chẳng ai mua nổi - rẻ thôi - một ký hai hào tám xu), để lấy tiếng cười. Mà tiếng cười ấy là ông tự khơi cho mình, như cách ông nói:
“Cười to để mắt lệ tràn/ Gạn bụi thơ chắt ý vàng tặng em”
(Gạn bụi trong thơ).
Nếu đi theo “Đường xưa lối cũ”, rất có thể sẽ khó tạo dấu ấn, dễ gặp nhịp điệu, lời thơ của người khác hoặc sáo mòn. Chính những vần “Lục bát làm liều” đã mang đến cho chúng ta một giọng thơ hoàn toàn mới. Một giọng thơ mà trước đây chúng ta ít gặp hoặc không gặp. Và cũng chính trong những hoàn cảnh ấy, chính những lời tâm tình của Mai Bá Ấn, ta lại được tiếp thêm động lực. Cuộc đời này dù đầy sóng gió, nhiều chông gai trắc trở, ta vẫn hãy cứ cười, vẫn “Cứ vui mà sống cho vừa lòng nhau”.
NGUYỄN NHẬT THANH