Bến Buôn, một thời sôi động

08:12, 11/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong nhiều thế kỷ trước, Bến Buôn, thuộc thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ), là một trong những địa điểm giao lưu mua bán giữa miền xuôi và miền ngược. Bây giờ, nơi đây là di tích thuộc quần thể “Di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ”.
 
[links()]
 
Nhộn nhịp bến sông
 
Nhiều lần về xã Ba Vinh (Ba Tơ), nơi có núi Cao Muôn hùng vĩ, là căn cứ của Đội du kích Ba Tơ huyền thoại, khi đến cầu Bến Buôn, nối xã Ba Thành và xã Ba Vinh, chúng tôi thường dừng lại để ngắm khu vực sông nước nơi này rất lâu. Ở đây, sông Nước Nẻ đổ về sông Liên tạo thành vùng ngã ba sông, hợp lưu lại rồi xuôi về phía đông. Có những ngày, nước sông trong xanh, nhẹ nhàng trôi. Đôi bờ hoa lau nở trắng xóa. Dòng sông đẹp hơn, thơ mộng hơn khi chiều xuống hay bình minh lên, nắng tỏa xuống dòng sông lấp loáng...
 
Di tích Bến Buôn, xã Ba Thành (Ba Tơ).           ẢNH: A.NGUYỆT
Di tích Bến Buôn, xã Ba Thành (Ba Tơ). ẢNH: A.NGUYỆT
Phó Bí thư Đảng ủy xã Ba Thành Phạm Văn Sâm kể, cha tôi và người già trong làng từng thuật lại, ngày xưa, khi đường bộ chưa phát triển, người dân muốn giao lưu, đi lại chỉ bằng những con đường mòn đèo dốc. Thú dữ như cọp, beo rình rập, nên người dân trong vùng chọn đi đường sông. Ngày ấy, miền xuôi nối miền ngược cũng bằng những con sông dài. Trên dòng sông Liên, Bến Buôn trở thành bến sông tấp nập ghe thuyền.
 
Những con thuyền buồm của người dân vùng biển huyện Mộ Đức hay Tư Nghĩa đã ngược sông Vệ lên sông Liên, chở theo cá, mắm, muối, rìu, rựa dừng ở Bến Buôn. Còn đồng bào Hrê thì vào rừng thu hoạch mây, hái trái sa nhân hay hái thơm, mít gùi ra Bến Buôn để mua bán, trao đổi với người miền xuôi. Tiếng nói cười, mặc cả rộn cả khúc sông dài. Vì vậy mà cho đến giờ, nhiều người dân ở khu vực Bến Buôn vẫn thuộc nằm lòng câu ca dao: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”. 
 
Điểm tiếp vận vũ khí, lương thực cho Đội du kích Ba Tơ
 
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, những chiến sĩ cách mạng trung kiên đã bị thực dân Pháp giam lỏng ở Căng an trí Ba Tơ. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, đồng bào các dân tộc, cùng với các chiến sĩ cách mạng tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở châu lỵ Ba Tơ. Sau đó, Đội du kích Ba Tơ được thành lập, tổ chức tuyên thệ “Hy sinh vì Tổ quốc”, rồi tiến về vùng núi Cao Muôn lập căn cứ, tổ chức học tập chính trị và rèn luyện quân sự trước khi tiến về đồng bằng. Bến Buôn trở thành điểm tiếp vận vũ khí, lương thực cho đội du kích. Từ miền xuôi, các cơ sở đảng vận động quần chúng đóng góp gạo, muối, mắm, các lò rèn nổi lửa rèn gươm, dao, giáo mác để chuyển lên cho Đội du kích Ba Tơ. 
 
Nhiều người cao tuổi ở xã Ba Động (Ba Tơ) kể rằng, những con thuyền chở lương thực, vũ khí ấy ngược sông Vệ lên vùng đầu nguồn, khi ngang qua khu vực gần đèo Đá Chát thì bị địch nã đạn. Các thành viên trong đội thuyền phải nhảy xuống sông, sau đó lại lên thuyền tiếp tục hành trình, rất gian nan, vất vả. Ông Huỳnh Hữu Thắng, ở thôn Trường An, xã Ba Động, người trông nom Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại từng kể, ngày ấy, nhà ông Trần Toại là cơ sở cách mạng. Khi nghe thuyền vận chuyển lương thực, vũ khí trên sông Liên gặp khó là cơ sở cử người ra giúp đỡ đội thuyền để tiếp tục ngược sông, cập Bến Buôn, hoàn thành nhiệm vụ tiếp vận, cung cấp lương thực, thực phẩm, vũ khí cho Đội du kích Ba Tơ ở vùng căn cứ Cao Muôn.
 
Đến tháng 5/1945, theo chỉ đạo của Đảng, Đội du kích Ba Tơ tiến về đồng bằng thành lập Đại đội Phan Đình Phùng và Đại đội Hoàng Hoa Thám, thì đoàn thuyền tiếp vận đã hoàn thành nhiệm vụ. Bến Buôn trở lại là điểm buôn bán như xưa, là nơi trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược, giữa các khu vực phía bắc huyện Ba Tơ.
 
Rồi khi đường bộ phát triển, Quốc lộ 24 mở rộng, đường về Ba Tơ rộng thênh thang, hàng hóa được chuyển theo đường bộ, thì đường sông dần không còn được sử dụng. Bến Buôn xưa chỉ còn là hoài niệm về một thời “trên bến dưới thuyền”.
 
Di tích Quốc gia đặc biệt
 
Quần thể các địa điểm di tích về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận, xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia vào năm 1980. Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 8), năm 2017, với 10 di tích quốc gia được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có “Di tích lịch sử Địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ". Theo hồ sơ di tích đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận, di tích này gồm 11 điểm di tích, trong đó có Bến Buôn, với mô tả: “Bến Buôn (xã Ba Thành), nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa của nhân dân miền ngược, miền xuôi. Từ giữa tháng 3/1945, nơi đây trở thành địa điểm tiếp nhận lương thực, vũ khí do nhân dân miền xuôi quyên góp, chuyên chở bằng đường sông tiếp tế cho Đội du kích Ba Tơ xây dựng chiến khu kháng Nhật ở Nước Sung, Nước Lá”.
 
A.NGUYỆT
 

.