Tối 11/12 (tức ngày 18/11 âm lịch), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, tổ chức khánh thành tòa Bảo tháp Tây Phương và tháp Tứ Ân. Đây là điểm nhấn mới về du lịch tâm linh tại quần thể tâm linh Kỳ Lân sơn tự (chùa Bạc) ở Ninh Bình.
Một góc quần thể tâm linh Kỳ Lân sơn tự ở Ninh Bình đang hút khách du lịch về đêm. |
Qua khảo cổ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện những lớp trầm tích có chứa xương động vật, vỏ nhuyễn thể và nhiều dấu tích biển tiến khi xưa.
Do có nhiều tảng đá xếp chồng chất lên nhau giống như hình linh thú, cho nên người dân trong vùng gọi núi nêu trên là núi Kỳ Lân. Trên đỉnh núi có chùa được xây dựng từ lâu đời.
Đến nay, quần thể tâm linh Kỳ Lân sơn tự được nhân dân, tín đồ phật tử gần xa và doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường ở Ninh Bình “đóng bè tập phúc” để tôn tạo: Đền Mẫu, đình Kỳ Lân, tu bổ cảnh quan thiên nhiên; xây dựng Bảo tháp Tây Phương, Tháp Tứ Ân.
Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Bảo tháp Tây phương và Tháp Tứ Ân là những công trình kiến trúc độc đáo, đặc sắc mang đậm nét Phật giáo Việt Nam.
Bên cạnh việc thể hiện rõ sự hợp nhất giữa từ bi và trí tuệ, các công trình cũng tích lũy vô lượng công đức, đem đến cho con người sự tỉnh thức, giác ngộ, hạnh phúc, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tâm linh ở vùng đất địa linh một thời “sinh vua, sinh thánh” và ghi đậm dấu ấn của đạo Phật.
Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình cho biết: Ninh Bình là “nôi” của Phật giáo Việt Nam.
Nhắc đến dấu mốc lịch sử vàng son của dân tộc, không thể không kể về Cố đô Hoa Lư, nơi phát tích 3 triều đại là Nhà Đinh - tiền Lê - nhà Lý, đã có những vị thiền sư, quốc sư lỗi lạc, như: Ngô Chân Lưu, Đỗ Pháp Thuận, sư Vạn Hạnh, Quốc sư Nguyễn Minh Không…
Ninh Bình hiện có 357 ngôi chùa, trong đó có 40 chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh, 26 chùa xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Nét độc đáo riêng có của Phật giáo Ninh Bình là có tới gần 20 ngôi chùa cổ gắn liền với núi đá và hang động, trong đó có quần thể tâm linh Kỳ Lân sơn tự.
Dịp này, đông đảo tăng ni, phật tử, khách du lịch thập phương đều hướng tới lễ cầu nguyện: Quốc thái dân an mưa thuận gió hòa; cầu thế giới hòa bình, mọi người, mọi nhà an vui, tạo không gian tâm linh lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp và đầy ý nghĩa trước thềm năm mới 2023 đang đến gần.
Theo
PV/Nhandan.vn