Phong Đăng với tập truyện "Xao xác tận biên thùy"

08:10, 17/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Xao xác tận biên thùy” là tập truyện dài của Phong Đăng vừa được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2022. Tập truyện để lại hình ảnh đẹp về tình yêu trong những năm tháng chiến tranh ác liệt... 
 
Phong Đăng tên thật là Vũ Tiến Đức, sinh năm 1932, quê xã Hành Đức (Nghĩa Hành). Anh theo gia đình ra Bắc, sau khi tốt nghiệp kỹ sư kinh tế, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phong Đăng dấn thân trên mọi nẻo đường trong suốt những tháng năm làm cán bộ quản lý ngành hóa chất thuộc Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương). Tuổi thơ ở quê, rồi những chuyến công tác đi khắp mọi miền... đến khi nghỉ hưu, Phong Đăng lại về gắn bó với quê hương. Ở tuổi 72, anh mới đến với văn chương. Sau khi trở về quê, anh mới xuất bản tác phẩm đầu tay. Điều này lý giải vì sao cái tên Phong Đăng xuất hiện muộn trên văn đàn Quảng Ngãi. Sau gần 20 năm cầm bút (2004 - 2022), Phong Đăng đã cho ra đời 7 tác phẩm văn học và tham gia viết trên 10 tập lịch sử đảng bộ các địa phương. Nay đã bước vào tuổi 90, ông vẫn miệt mài sáng tạo, mà tập truyện dài “Xao xác tận biên thùy” là một minh chứng.
 
Hiện thực câu chuyện diễn ra trong bối cảnh lịch sử giai đoạn 1954 - 1975, với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Nhân vật chính của truyện là lớp thanh niên gánh trên vai hai nhiệm vụ lớn lao của thời kỳ lịch sử lúc bấy giờ. Tôi đã từng nhận xét: “Văn xuôi Phong Đăng ít tài hoa về tứ, nhưng lại dễ thương về tình. Chắt lọc từ vốn sống bản thân, anh đã chậm rãi nhấn nhá nhiều tình tiết như những “nhãn tự” của thơ. Văn xuôi mà tạo được nhãn - tự - tình - tiết, đó là một thành công”. Bây giờ, chính những khía cạnh đời thường của những nhân vật trong “Xao xác tận biên thùy” đã khẳng định thêm điều đó.
 
Đúng như anh đã tỏ bày trong "Lời nói đầu" của tập truyện: “Xao xác tận biên thùy” trước hết là bản tình ca thầm lặng nơi tuyến đầu của những người đi tìm tài nguyên làm giàu cho Tổ quốc. Nhân vật chính trong truyện là Hạ Lang - một thôn nữ miền quê thoát ly gia đình và hiện diện trên mặt trận thầm lặng, không kém phần khó khăn của ngành địa chất. Bị gia đình “gá nghĩa” với một người trai làng không xuất phát từ tình yêu, cô thoát ly gia đình và đã bắt gặp tình yêu của những đồng nghiệp trong quá trình công tác khó khăn nơi rừng sâu núi thẳm. 
 
Với “thủ trưởng cũ” Trùng Khánh, cả hai đã yêu đắm say, nhưng bị chính sợi dây vô hình của người con trai cùng làng mà họ đành nén giữ. Rồi theo nhiệm vụ, Trùng Khánh chuyển công tác về Tổng cục rồi lại lên đường vào Nam chiến đấu. Hạ Lang gặp “thủ trưởng mới” Triều Phương - một học sinh miền Nam tập kết được đi học ở nước ngoài về, cũng đã có người yêu (Lệ Quyên), nhưng chưa nên vợ chồng thì cả nhà Lệ Quyên bị bom Mỹ chôn vùi. Chính những bi kịch tình riêng của hai số phận, giữa Hạ Lang và Triều Phương cũng bắt đầu nảy nở một thứ tình cảm lạ, nhưng tình chưa đến, thì xuất phát từ sự ghen tuông, nhỏ nhen của một đồng nghiệp khác - kỹ thuật viên Trần Ninh, mà Hạ Lang bị gia đình đưa về quê để an phận với người trai làng mà gia đình đã “gá nghĩa”. Nhưng khi về nghỉ đêm ở thị trấn, Hạ Lang theo đoàn xe của thanh niên xung phong vào Trường Sơn tham gia kháng chiến.
 
Giữa trận tuyến ác liệt, bất ngờ Hạ Lang gặp lại Trùng Khánh. Cái gì đến rồi cũng đến, lúc này, người “gá nghĩa” ở quê cũng đã lập gia đình, tình xưa bị giam cầm, giờ càng bùng lên dữ dội. Và rồi, Hạ Lang có con và bị kỷ luật. Giữa lúc đang chờ Trùng Khánh xin nghỉ phép để đưa về quê làm lễ cưới thì nhận tin anh hy sinh, Hạ Lang đành phải một mình ôm con về quê. Nhưng về đâu? Về quê nhà thì bị gia đình, hàng xóm chê bai. 
 
Chỉ có cách liều thân tìm đến quê Trùng Khánh theo những thông tin mơ hồ mà lúc còn sống anh đã sẻ chia. Tất nhiên, gia đình chồng đã không thừa nhận. Trong hoàn cảnh éo le ấy, mẹ con nàng đã gặp lại Triều Phương. Họ đến với nhau bởi tình yêu năm xưa và vừa là trách nhiệm hiện tại. Bé Trường Sơn cần phải có cha, cũng như những người chân chính phải đến ngày tìm được hạnh phúc. Một kết thúc có hậu. “Xao xác tận biên thùy” để lại hình ảnh đẹp về tình yêu trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, đúng như lời Phong Đăng đã bày tỏ, đây bản tình ca thầm lặng nơi tuyến đầu của những người đi tìm tài nguyên làm giàu cho Tổ quốc.
 
MAI BÁ ẤN
 

.