Phát hiện một số chế phong Triều Nguyễn

09:10, 20/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong suốt nhiều tháng điền dã, chúng tôi đã phát hiện 9 chế phong được lưu giữ tại nhà thờ họ Trần, ở thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa). Các sắc phong, chế phong này được vua Triều Nguyễn ban tặng, truy tặng cho ông bà nội, cha mẹ và cá nhân Phó lãnh binh, Cấm binh phó Vệ úy, Lãnh binh các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nghệ An và Phó Đề đốc hưu trí Trần Văn Dã qua các đời vua Triều Nguyễn (Đồng Khánh, Duy Tân, Thành Thái, Khải Định).
 
[links()]
 
Nhà thờ họ Trần, ở thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa).                      Ảnh: TẠ HÀ
Nhà thờ họ Trần, ở thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa). Ảnh: TẠ HÀ
Qua nghiên cứu nội dung các chế phong, gia phả, văn bia và lời kể của ông Trần Văn An, cháu đời thứ 9 trong tộc họ Trần, ở thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp, thì được biết vào thế kỷ XV, Thủy tổ dòng họ Trần là ông Trần Hữu Dụng, quê xứ Diễn Châu, Nghệ An theo cuộc di dân vào Quảng Ngãi để khai cơ lập nghiệp tại làng Vạn An, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa). Trong đó, ông Trần Hữu Hội, người con thứ của ông Trần Hữu Dụng cùng vợ con chuyển về vùng đất Hải Châu, xã Nghĩa Thương (nay là thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp) sinh sống. Nhà thờ họ Trần thuộc chi II của tộc Trần ở làng Vạn An, thờ tự ông Trần Hữu Hội, vợ chồng ông Trần Văn Đối và bà Đặng Thị Sơn cùng con cháu, trong đó có Lãnh binh, Phó Đề đốc Trần Văn Dã.
 
Theo sách Đại Nam thực lục Chính biên đệ lục kỷ phụ biên quyển 7 và quyển 8 của Quốc sử quán Triều Nguyễn chép rằng: “Năm Ất Mùi, Thành Thái thứ 7 (1895 Tây lịch)...  Một khoán nói Phạm Văn Khoa, Hồ Văn Thức ở phủ Diễn Châu báo mắc bệnh xin về cửa quân chờ tội, chờ về tới sẽ xét, đã phái Lãnh binh Nghệ An Trần Văn Dã hội nhiếp với Đoàn Đinh Diệt tiễu báo”, hay “Năm Bính Thân, Thành Thái thứ 8 (1896 Tây lịch) Lãnh binh Trần Văn Dã đóng ở quân thứ báo viên ấy mang quân tiễu nã tới sơn phận thôn Văn Trai bắt sống được Đội Toàn của giặc và khí giới...”.
 
 Trần Văn Dã (? - 1935), tên tự Hoa Đề, trong một gia đình nghèo, làm nghề nông nhưng gia phong nền nếp, là con trai út của ông bà Trần Văn Thái (Trần Nhất, tên thụy là Địa Giao) và Nguyễn Thị Mỹ. Lớn lên, Trần Văn Dã đi lính, nhà Vua đánh giá là "người tráng chí, thao lược anh tài, giỏi giang võ nghệ, chịu được gian khổ, trung quân ái quốc, tài năng xuất chúng". Ông trở thành tướng giỏi được triều đình trọng dụng, lần lượt kinh qua các chức Phó Lãnh binh (1886), sau được thăng chức Cấm binh phó Vệ úy kiêm Lãnh binh tỉnh Quảng Ngãi (1888), rồi chuyển làm Lãnh binh tỉnh Quảng Nam (1889) và Lãnh binh tỉnh Nghệ An (1895 - 1896). Lãnh binh là chức võ quan năm binh quân đội cấp tỉnh thời Nguyễn, phụ việc cho quan Đề đốc, nắm giữ binh quyền một tỉnh thuộc hàng trật Chánh tam phẩm, chỉ huy một vệ khoảng 500 - 600 lính. Năm 1911, trước khi về quê dưỡng già, Vua Duy Tân ban cho Trần Văn Dã hàm Phó Đề đốc. Trần Văn Dã mất tại quê nhà, được ban tên thụy Hùng Uy tướng quân. Con trai Trần Lương (Đội Ban), Chánh suất đội lập bia ngày 10/11 năm Bảo Đại thứ 10 (1935).
 
Chế phong Vua Khải Định truy tặng cho bà Nguyễn Thị Mỹ năm 1916.                            Ảnh: TẠ HÀ
Chế phong Vua Khải Định truy tặng cho bà Nguyễn Thị Mỹ năm 1916. Ảnh: TẠ HÀ
Nội dung các chế phong ban tặng, truy tặng gia đình Phó Đề đốc hưu trí Trần Văn Dã có nêu, ông bà nội Trần Văn Đối bậc Tín nghĩa Đô úy Phó Quản cơ và Đặng Thị Sơn làm Tòng tứ phẩm Cung nhân năm 1916; cha Trần Văn Thái bậc Tín nghĩa Đô úy, Phó Quản cơ rồi Minh nghĩa Đô úy Quản cơ, Cựu dũng tướng quân, Cấm binh phó vệ úy ích cương mại và mẹ Nguyễn Thị Mỹ làm Tứ phẩm Cung nhân, rồi Tòng tam phẩm Lệnh nhân vào các năm 1886, 1889, 1916. Điều này hoàn toàn đúng theo Quy chế Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ quyển 29, quyển 30 mục Phong tặng: Phong tặng bố mẹ, ông bà của quan văn, quan võ và Mẫu văn phong tặng do Nội các Triều Nguyễn biên soạn.
 
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ nhận định, cho đến nay, qua tài liệu tôi có được, chưa thấy có người nào viết về ông Trần Văn Dã. Vài trang trong “Đại Nam thực lục” chỉ có nhắc đến ông với vài hành trạng. Việc tìm ra gia phả họ Trần ở Hải Môn, các chế phong còn lưu tại nhà thờ này là điều rất đáng quý, góp phần hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của ông Trần Văn Dã, những địa danh đã bị biến mất hoặc thay đổi mà trong gia phả, chế phong có đề cập… Nhưng để dựng lại chân dung Trần Văn Dã cần tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm thêm các tài liệu và phải đặt vào bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ.
 
TẠ HÀ
 
 
 
 

.