Chú trọng bảo quản và phát huy hiệu quả các hiện vật khảo cổ ở hồ chứa nước Nước Trong

07:10, 25/10/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Chiều 25/10, Công ty CP Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương tổ chức Hội thảo báo cáo tổng kết Dự án Chỉnh lý kết quả khai quật khảo cổ tại khu vực mặt bằng xây dựng công trình hồ chứa nước Nước Trong. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn dự hội thảo. 
 
[links()]
 
Dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan; các đại biểu đến từ Hội Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khảo cổ học Việt Nam. 
 
Trong quá trình giải phóng lòng hồ chứa nước Nước Trong, Sở VH-TT&DL phối hợp với các chuyên gia khảo cổ học tiến hành khai quật các di tích ở huyện Trà Bồng (khu vực huyện Tây Trà cũ) và Sơn Hà. Tại đây, các chuyên gia đã phát hiện được các di tích cư trú, mộ táng, thu được các di vật như đồ đá, đồng, sắt, thủy tinh và gốm. Từ năm 2009 đến năm 2012, có 54 mộ táng được bó thạch cao, vận chuyển và bảo quản tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
 
Từ năm 2021, Sở VH-TT&DL lựa chọn Công ty CP Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương triển khai thực hiện Dự án Chỉnh lý kết quả khai quật khảo cổ tại khu vực mặt bằng xây dựng công trình hồ chứa nước Nước Trong. Mục tiêu của dự án nhằm nghiên cứu, trưng bày bảo tàng, bảo tồn giá trị di sản Văn hóa Sa Huỳnh (VHSH), làm phong phú kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.
 
Quang cảnh tại cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.
 
Thực hiện việc chỉnh lý, nghiên cứu, các chuyên gia khảo cổ học, nhà khoa học đã chỉnh lý và phục dựng, bảo quản 21 mộ táng; phục dựng 77 đồ gốm tùy táng; 200 bản dập hoa văn trên các hiện vật gốm; phân tích niên đại bằng phương pháp đồng vị carbon phóng xạ với 5 mẫu; phân tích thạch học gốm 20 mẫu... và thu được nhiều kết quả.
 
Theo nhận định, đánh giá, các khối mộ quan tài gốm vẫn giữ nguyên kết cấu, hình dáng ban đầu, có giá trị về mặt nghiên cứu khảo cổ. VHSH tại vùng lòng hồ Nước Trong có các giai đoạn phát triển tương tự như VHSH ở vùng đồng bằng ven biển, hải đảo của Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng. Ở đây có sự tồn tại của một cộng đồng người chế tạo, sử dụng công cụ bằng sắt; chế tạo bằng đồ gốm, sử dụng một số đồ trang sức. Từ 3.500 năm trước đến một vài thế kỷ sau Công Nguyên, cư dân VHSH ở đây đã biết dùng cuốc, trồng lúa để phát triển nông nghiệp, biết luyện kim, đúc đồng và chế tạo đồ sắt... 
 
Các đại biểu cho ý kiến tại cuộc họp.
Chuyên gia trình bày tham luận tại hội thảo.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn chỉ đạo tại cuộc họp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn và các đại biểu tham quan các hiện vật khảo cổ, được bảo quản và lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

 

Một số hiện vật đã chỉnh lý, lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Một số hiện vật đã chỉnh lý, lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, đơn vị liên quan, đóng góp của đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học về những kết quả nghiên cứu, chỉnh lý hiện vật được khai quật tại mặt bằng xây dựng hồ chứa nước Nước Trong. Những kết quả thực hiện trong thời gian qua có vai trò quan trọng, bổ sung vào tài liệu nghiên cứu khoa học về VHSH.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học cần tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu hơn; đồng thời, cần xác định, đánh giá lại chính xác nguồn gốc, giá trị, tính khoa học của các hiện vật khảo cổ được khai quật.
 
“Sở VH-TT&DL cần nghiên cứu, khẩn trương xây dựng phương án chỉnh lý trong giai đoạn tiếp theo, bảo quản số lượng hiện vật còn lại chưa được chỉnh lý. Chú trọng các giải pháp bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị các hiện vật khai quật khảo cổ nhưng phải đảm bảo tính khoa học, hiệu quả...”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn chỉ đạo. 
 
Tin, ảnh: THIÊN HẬU
 

.