(Báo Quảng Ngãi)- Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 3083/BVHTTDL ngày 3/12/2021 xếp hạng di tích quốc gia đối với Di tích lịch sử Địa điểm Xưởng in tín phiếu Liên khu 5 tại xóm Xà Nay (1947 - 1950) thuộc xã Sơn Nham (Sơn Hà). Xưởng in tín phiếu Liên khu 5 hoạt động chỉ trong thời gian ngắn, nhưng có ý nghĩa đặc biệt, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Quyết sách đúng đắn
Cách đây 75 năm, vào tháng 9/1947, xóm Xà Nay, thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham là nơi được chọn đặt Xưởng in tín phiếu Liên khu 5. Việc in và phát hành tín phiếu ở thời điểm này, trong vùng tự do Liên khu 5 là một quyết sách đúng đắn, sáng tạo của đồng chí Phạm Văn Đồng khi được cử làm đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở Nam Trung Bộ.
|
Khu vực địa điểm Xưởng in tín phiếu Liên khu 5 tại xóm Xà Nay, thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham (Sơn Hà) hôm nay. Ảnh: Th.Nhị |
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập và dân chủ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Một nước độc lập phải có nền tài chính độc lập, nước Việt Nam phải có tờ bạc độc lập thay thế cho đồng bạc Đông Dương do thực dân Pháp phát hành trước đó. Năm 1946, những đồng bạc tài chính của nước Việt Nam độc lập đã ra đời. Thế nhưng, thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa. Chúng đánh phá, bao vây và phong tỏa kinh tế, dùng không quân đánh phá Bắc Bộ và Trung Bộ để ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí, hàng hóa, tiền bạc từ Trung ương vào vùng tự do Liên khu 5. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính và đồng chí Phạm Văn Đồng đã đề xuất giải pháp cho phép chính quyền miền Nam Trung Bộ in và phát hành tín phiếu ở vùng tự do Liên khu 5, nhằm đảm bảo việc lưu thông tiền tệ, phục vụ kịp thời công cuộc kháng chiến của quân dân Nam Trung Bộ.
Ngày 18/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 231-SL/M cho phép Liên khu 5 phát hành tín phiếu có giá trị như giấy bạc Việt Nam. Tháng 9/1947, đồng chí Phạm Văn Đồng và Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ thành lập xưởng in tín phiếu, đặt tại xóm Xà Nay, thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham. Xưởng in tín phiếu xây dựng trên diện tích khoảng 2ha, gồm 2 khu nhà chính: Khu nhà xưởng, khu nhà ở và nhà làm việc, có 50 cán bộ, công nhân làm việc. Các loại tín phiếu được in và phát hành lúc bấy giờ là tín phiếu một đồng, năm đồng, hai mươi đồng, năm mươi đồng, một trăm đồng, năm trăm đồng. Mỗi tờ tín phiếu có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, có chữ ký của đồng chí Phạm Văn Đồng là đại diện Chính phủ Trung ương và đồng chí Nguyễn Duy Trinh là đại diện Ủy ban Hành chính Trung Bộ.
Trong lúc mọi hoạt động sản xuất và phát hành tín phiếu được tiến hành đều đặn, thì ngày 25/1/1950 đã xảy ra bạo loạn ở Sơn Hà, xưởng in tín phiếu bị địch phát hiện nên được lệnh chuyển đến thôn Bình Trung, xã Trà Bình (Trà Bồng), cách xóm Xà Nay khoảng 32km về phía đông bắc. Tại đây, xưởng in tín phiếu tiếp tục hoạt động đến tháng 6/1951.
Giá trị lịch sử lớn lao
“Trước mắt, huyện sẽ triển khai cắm mốc, khoanh vùng, quy hoạch khu bảo tồn. Huyện mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ xây dựng công trình phục dựng các nhà xưởng của di tích Xưởng in tín phiếu Liên khu 5. Công trình này sau khi được đầu tư sẽ là "địa chỉ đỏ" trên vùng đất Sơn Hà để kết nối với những giá trị văn hóa - lịch sử dọc theo sông Re, hình thành điểm đến du lịch theo dòng lịch sử - văn hóa của tỉnh".
Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà
ĐINH THỊ TRÀ
|
Xưởng in tín phiếu ở xóm Xà Nay chỉ hoạt động gần 3 năm, nhưng đã in một khối lượng lớn tín phiếu, không chỉ lưu hành ở vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú với 2,5 triệu dân, mà còn được đưa vào buôn bán ở một số vùng bị địch kiểm soát như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tín phiếu của Liên khu 5 mang một giá trị lịch sử đặc biệt, góp phần phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, xây dựng nền kinh tế tự túc ở Liên khu 5, tự cung cấp đủ cho chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đồng thời, làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân hai nước bạn Lào và Campuchia.
Tại Thủ đô Hà Nội, phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với ông Nguyễn Tiến Năng - Nguyên trợ lý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, về quyết sách đúng đắn khi thành lập Xưởng in tín phiếu Liên khu 5.
"Tổ chức phát hành tín phiếu trong vùng tự do Liên khu 5 là sự lãnh đạo tài tình về tài chính. Nếu như khi đó Quảng Ngãi, Liên khu 5 không có đồng tín phiếu này thì phải phụ thuộc vào đồng tiền Đông Dương, mà như thế là không thể được. Việc phát hành tín phiếu với nhiều mệnh giá khác nhau ở Liên khu 5 lúc bấy giờ đã khẳng định đây là vùng tự do của Việt Nam, là cuộc sống của người dân Việt Nam; Pháp, ngụy không thể trà trộn vào đây được", ông Năng nói.
Cũng tại Thủ đô Hà Nội, chúng tôi được gặp cụ Trần Thị Ái, năm nay gần 90 tuổi, quê ở huyện Mộ Đức, nguyên là phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Cụ Ái kể rằng, việc sử dụng tín phiếu của Liên khu 5 phát hành lúc ấy được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Khi ấy, có nhiều bài hát, hò vè được sáng tác để cổ vũ nhân dân tiêu tiền tín phiếu. Có câu hát cụ Ái vẫn thuộc nằm lòng cho đến tận bây giờ: "Tiêu tiền tín phiếu là tiêu bạc Việt Nam. Tiêu tiền tín phiếu ta chống quân sài lang...". Cụ Ái bảo, khi hát những câu hát ấy, một niềm tự hào về tinh thần tự lực, tự cường, tự hào dân tộc dâng cao, tạo ra động lực to lớn để nhân dân đồng lòng kháng chiến, bảo vệ tự do.
Bảo tồn, phát huy giá trị di tích
Chúng tôi về xóm Xà Nay, thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham, địa điểm ngày xưa đặt Xưởng in tín phiếu Liên khu 5. Dấu tích của xưởng in hầu như không còn gì, bởi nhà xưởng, nhà làm việc, nhà ở, nhà kho thời ấy làm bằng tre, gỗ, nứa, mái lợp tranh đã bị địch hủy hoại hoàn toàn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một giếng nước do công nhân xưởng in tín phiếu trước đây đào để lấy nước dùng hằng ngày. Người dân ở đây hiện vẫn sử dụng giếng nước này. Địa điểm đặt xưởng in tín phiếu được UBND xã Sơn Nham gìn giữ và quản lý để phục vụ cho việc bảo tồn, tôn tạo di tích này về lâu dài, với tổng diện tích 109 nghìn mét vuông.
|
Giếng nước tại Di tích lịch sử Địa điểm Xưởng in tín phiếu Liên khu 5, ở xóm Xà Nay, thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham. Ảnh: Th.Nhị |
Chính quyền và nhân dân địa phương mong muốn các cấp, các ngành có giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Xưởng in tín phiếu Liên khu 5. Ngoài việc cắm mốc, khoanh vùng, cần có giải pháp tìm kiếm, quy tập những hiện vật của xưởng in còn sót lại và phục dựng, trưng bày tại nơi đây để lưu giữ, giáo dục truyền thống cách mạng cho muôn đời sau.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi ngay bên cạnh giếng nước khu vực Xưởng in tín phiếu Liên khu 5, ông Đinh In, ở xóm Xà Nay cho biết, lúc ấy ông chừng 10 tuổi và đến giờ vẫn còn nhớ khung cảnh lúc xưởng in tín phiếu hoạt động. "Nơi chúng ta đứng đây là xưởng in tín phiếu; khu vực này có nhiều cán bộ, bộ đội ở và làm việc. Khu vực kia là máy móc, nhà xưởng. Còn chỗ cao bên kia là nơi chứa tín phiếu được in ra. Cứ mỗi chiều đi chăn bò về ngang qua xưởng in, chúng tôi thường được những người làm việc ở đây cho cục đường, cái bánh. Giờ đây, người dân địa phương rất muốn khôi phục lại di tích này, để các thế hệ con cháu biết ở xóm Xà Nay từng có một xưởng in tín phiếu phục vụ giao thương thời kháng chiến", ông In nói.
THANH NHỊ