Tuyển tập 'Dọc đường thơ': Còn mãi với thời gian

02:08, 29/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đọc lại tuyển tập “Dọc đường thơ”, do Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi ấn hành, những vần thơ của các nhà báo quê Quảng Ngãi khiến tôi mãi vương vấn trong lòng. Mỗi tác giả là một hồn thơ sâu lắng.  
 
Thơ Vũ Hải Đoàn (1930, nay đã mất) vẫn cứ trong veo như nước Thạch Nham tuôn về trên những dòng kênh tưới xanh bao đồng lúa: "Con cá bống sông Trà/ Vui theo dòng nước bạc/ Bao mương máng đi qua/ Mới hay mình bị lạc" (Tình ca Thạch Nham). So với Vũ Hải Đoàn, thơ Nguyễn Trung Hiếu (1932, nay đã mất) cũng xanh trong, nhưng màu xanh đậm hơn, đằm hơn bởi đôi lúc lắng xuống chút vàng triết lý: "Một chiếc lá vàng rơi/ Màu xanh dường không đổi/ Đôi khi ta vô tình/ Để một ngày ở lại (Màu xanh - thời gian). Còn Hoàng Danh (1940) không phải nhà thơ, nhưng từ hiện thực làm báo trong chiến tranh, tự động mở hồn để làm nên những câu thơ chan chứa tình yêu quê hương, căm thù giặc ngoại xâm: "Thuốc độc Mỹ xông hầm, bầm da rỉ máu/ Giặc giết mẹ em phơi xác rào vi/ Em bé thơ ơi, chiều nay ai cho bú/ Mới lọt lòng, thù Mỹ đã khắc ghi" (Đất quê hương)
 
Trên đây là 3 nhà báo sinh ra trước cách mạng tháng Tám. Sinh sau Cách mạng tháng Tám một năm, Thanh Thảo (1946) trở thành đại diện xứng đáng cho thế hệ các nhà báo, nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cái “tứ thơ” chứa trong hình thức một bài báo khiến những bài báo của anh dễ đọc và hấp dẫn. Xuyên Việt ngay sau những ngày thống nhất đất nước, Thanh Thảo không quá mê say trong chiến thắng đến mức bỏ quên nỗi đau chiến tranh vẫn còn đang thường trực, mà anh cảm nhận “nỗi đau chiến tranh trong hòa bình” còn bi tráng hơn nhiều: "trái bom nổ từ tháng tư/ chìm sâu trong mắt người mẹ/ mất hai con. Không chắc còn sinh đẻ/ chị cúi xuống luống khoai vun xới một mình" (Ghi trên đường số một).
 
Vào cuối quãng đời làm báo, Nguyễn Ngọc Trạch (1952) mới dành thời gian cho thơ. Đọc thơ Nguyễn Ngọc Trạch, ta dễ bắt gặp những câu thơ khá hay như: "Nỗi niềm chi rứa người ơi/ Để mình anh, những một đời bão dông" (Chốn cũ). Cũng là lãnh đạo một cơ quan báo chí, Nguyễn Tiến Sơn (1952) tuy không phải hội viên hội văn học- nghệ thuật, song đọc những dòng này, ta vẫn thấy lấp lánh bên trong con người anh là cả một hồn thơ: "Giữa vui buồn hờn giận quý nhân ơi/ Ta có cả những tháng năm vời vợi/ Dẫu chậm bước ta vẫn còn mãi đợi/ Quê hương ơi, quặn thắt tiếng ru hời" (Với bạn). Còn với Trầm Thụy Du, làm thơ từ trước năm 1975 rồi chuyển sang làm báo. Trầm Thụy Du là bút danh thơ, còn với báo, anh là Dương Thành Vinh (đã mất), anh có tài ứng tác “lục bát theo vần” khá nhạy: "Ta ngồi vọc cát ta chơi/ Sóng xô từng đợt đã đời trùng dương/ Bước lần theo vết dã tràng/ U ơ lời sóng vô thường gọi ta" (Trên bờ biển).
 
Nhà báo Lý Văn Hiền (1957) từng là biên tập viên Tạp chí Cẩm Thành.  Là nhà thơ làm báo, anh đưa chi tiết báo chí vào thơ một cách rất thơ. Hễ cứ câu "lục" gồm những địa danh nhà báo đi qua thì câu "bát" lại được phả hồn thơ vào đó: "Ga Hàng Cỏ nợ nụ cười/ Buồn như vó ngựa gõ lời chia tay!"... Là nhà báo, có thời gian làm Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, với Lê Văn Sơn (1958), tôi có cảm giác chất thơ nặng hơn chất báo. Đọc thơ Lê Văn Sơn, cứ như cầm trên tay một cái gì đó mỏng mảnh, dễ tan giữa thực, dễ biến vào những cơn mơ hoang đàng: "lỡ vương vài mớ tơ trời/ sợi rơi sợi gãy sợi trôi hoang đàng" (Vương tơ). Là phóng viên của Báo Quảng Ngãi, nhưng Nguyễn Quang Trần (1958, đã mất) đa đoan hơn với thơ. Thơ Nguyễn Quang Trần hồn hậu, nhiều trăn trở, thoảng trong một bài thơ cứ bắt gặp đâu đó một tiếng thở dài: "Ta ngu ngơ hết một thời trai trẻ/ Em hồn nhiên qua cái tuổi dậy thì/ Đến một ngày ta bỗng dưng chợt hiểu/ Nhưng, trời ơi! Người ấy đã ra đi" (Trên bến sông Thương).
 
Còn Nguyễn Đăng Vũ (1960) là một nhà báo đa tài và lắm việc. Anh làm lãnh đạo, nhà nghiên cứu, làm người vẽ bìa sách và cả làm thơ... đều ghi được dấu ấn trong lòng công chúng. Cái gốc văn hóa khiến thơ Nguyễn Đăng Vũ có độ sâu dù chỉ nói về những điều đơn giản: "Đấy là nơi bạn sang bên kia lấy chồng/ Không thèm chơi với tụi trai làng nữa/ Tiếng huýt sáo bên đò sau ngày gặt lúa/ Rơi xuống sông chìm nghỉm tự bao giờ" (Nhớ bến sông quê)
 
Lê Hồng Khánh (1960) thì lặng lẽ hơn, cả trong những bài báo nghiên cứu về văn hóa và cả trong thơ. Đôi lúc, tôi có cảm giác chính thơ gợi cho người ta nhớ hơn về Lê Hồng Khánh. Làm văn hóa nên thơ Lê Hồng Khánh lắng đọng và rất có tình: "Ở đây danh lợi chẳng màng/ Đội trời đạp đất hiên ngang với đời/ Thương nhau chẳng tỏ thành lời/ Mến nhau một chén rượu mời chia đôi" (Cà Mau). Là nhà báo nổi tiếng, nhưng Trần Đăng (1960) vẫn được công chúng yêu thơ nhắc đến với tên gọi Phạm Đương, anh làm thơ từ thời còn ở giảng đường. Ở Phạm Đương, báo và thơ rất gần nhau và dường như quấn quýt để nuôi nhau: "Rào rào máy chữ/ thơ và báo/ anh đang đi trên dây leo/ giữa hư danh và cơm áo/ rào rào máy chữ/ thơ hay báo? (Trên máy chữ). Trẻ nhất trong số các nhà báo có mặt trong tuyển tập thơ chính là Nguyễn Ngọc Toàn (1968), Tổng Biên tập Báo Thanh niên. Ngọc Toàn có bề ngoài rất “tươi tỉnh, trắng trẻo, thảnh thơi”, đôi lúc, người mới gặp, có cảm giác khó thành nhà thơ. Vậy mà, chơi với Toàn, chính cái chân, cái tình lắng đằng sau những sự kiện, số liệu báo chí đã tạo nên một u uẩn thơ nằm ẩn phía sau của tất cả vẻ bên ngoài: "Em vô tư, em hờ hững quá chừng/ để cánh nhạn không về phương ấy nữa" (Cho một người đi xa)...
 
Các nhà báo làm thơ trong tuyển tập “Dọc đường thơ” giờ đây người còn, người mất, nhưng hồn thơ thì còn mãi với thời gian.
 
MAI BÁ ẤN
 

.