Truyện ngắn: Cuộc gặp gỡ tình cờ

08:08, 29/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mặt trời lên gần ngọn cây, bóng nghiêng về phía suối. Từ làng Gò Nay vào đây khá xa, nhưng được cái là đường bê tông. Đường bê tông chạy dọc theo triền đồi. Những đồi keo xanh mượt. Tôi cố hình dung lại con đường mòn nhỏ bé đầy cây khô lá mục mấy chục năm về trước. Con đường men theo bờ suối, đến sườn đồi cỏ tranh thì tách ra hướng về phía núi Yên Ngựa.  Núi Yên Ngựa sừng sững uy nghiêm, ăn liền với dãy Vách Đá, tạo hình cánh cung vươn ra như đôi tay khổng lồ ôm lấy cái làng nhỏ bé này. 
 
Hùng chỉ tay về phía bên trái nói:
 
- Ngay dốc này đây, thầy đi xuống chừng 50m có chỗ nghỉ chân gần thác nước. Ở đó rất mát. Du khách đến đó cũng nhiều. Còn trên công trường em đang thi công bụi và nắng lắm. Hơn một tiếng nữa xong việc em quay xuống đón thầy.
 
Hùng dừng xe, tôi bước xuống, đi bộ theo lối Hùng chỉ. 
Sáng nay, tại quán cà phê Cây Sanh ở thị trấn, tình cờ tôi gặp Hùng, học trò cũ mấy chục năm trước. Tôi hỏi:
 
- Lâu quá, bây giờ em làm gì ở đâu? Gần hai mươi năm mới gặp lại em.
 
Hùng xoa tay cười nói:
 
- Dạ công việc của em hầu như đi khắp mọi miền thầy ơi. Cứ xong chỗ này là đến chỗ kia. Em làm bên xây dựng. Hiện tại, em đang giám sát kỹ thuật cho công trình tái định cư 40 hộ dân ở thôn Gò Tranh. Dự án đó nằm ở lưng đèo, trên dãy núi Yên Ngựa.
 
Nghe nói Gò Tranh, Yên Ngựa, bỗng dưng trong tôi ký ức hiện về. Những rừng, những núi, những đèo dốc quanh co, như có chút gì níu kéo, thôi thúc tôi trở lại. Tôi nói:
 
- Nếu không có gì bất tiện, cho thầy theo em lên đó một chuyến được không? 
 
Hùng rót tách trà nóng, đưa về phía tôi:
 
- Em mời thầy. Sợ thầy mệt thôi, chứ đường lên Gò Tranh xe này chạy vèo là tới. Mà thầy có quen ai trên đó không? 
 
- Thầy cũng không còn quen ai trên đó, nhưng  có chút kỷ niệm nho nhỏ, hồi đi vận động bà con mở trường, mở lớp. Giờ hơn ba mươi năm rồi. Thầy muốn trở lại nơi đó xem sao.
 
- Ra là vậy. Em về làm ở dự án này hơn tháng nay rồi. Thầy muốn đi, uống cà phê xong, em mời thầy cùng đi.  
 
 * **
 
Ngày đó, chúng tôi về làng Gò Tranh, ngôi làng xa heo hút nằm ở phía tây bắc của huyện Minh Long. Làng có hai mươi hai nóc nhà của đồng bào Hrê. Đồng bào Hrê sống trên rẻo cao, lọt thỏm giữa bốn bề là núi. Một con suối nhỏ rất trong, chảy qua làng. Đấy là ngôi làng xa tít tận phía bên kia đèo. Những nếp nhà sàn bé nhỏ đứng cạnh nhau, mái lợp tranh, khiêm nhường nép vào vách núi. Một cuộc sống bình yên, vắng lặng, nếu không muốn nói quá lặng lẽ. Cùng đi với chúng tôi, có anh Sanh, trưởng đoàn chiếu bóng. Đoàn anh có năm người. Năm người thay phiên nhau mang vác dụng cụ, đó là máy phát điện nhỏ, màn bạt, những hộp phim nhựa... Máy phát điện chừng hơn ba mươi ký, nhưng đi đường rừng trở nên khá nặng. Người nào người nấy lưng đẫm mồ hôi. Tôi nói với anh Sanh:
 
- Mình về đây chắc người dân mừng lắm đấy. 
 
Anh Sanh nói:
 
- Người dân ở đây gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Đường sá đi lại quá khó khăn. Thầy thấy không? Mình đi cả ngày mới có nửa đoạn đường. 
 
Trên những lối mòn, lởm chởm đá, cây khô và lá mục, chúng tôi phải đi qua những con dốc dựng đứng, qua những khoảnh rừng âm u. Hai anh khiêng máy phát điện mỗi người đều có một “cây gậy Trường Sơn” để chống, bước đi từng bước. Đêm đó, chúng tôi dựng trại giữa rừng. Đấy là khu rừng thưa, nhưng vẫn còn đầy vẻ thâm u. Các anh tập trung dụng cụ chiếu bóng vào một chỗ, tủ bạt kỹ lưỡng phòng khi trời mưa. Những chiếc võng mắc trong rừng cây. Cả ngày đi mệt, giấc ngủ đến quá dễ dàng. Nửa đêm, trời trở lạnh. Tôi cuộn tròn trong chiếc võng dù. Bỗng nghe có tiếng cành cây khô gãy. Hình như có bước chân người. Đây là khu rừng thưa, chẳng có thú dữ. Tôi yên tâm như vậy. Nhưng ai mò đến chỗ chúng tôi? Yên lặng hồi lâu, lại nghe có tiếng rầm rì. Tôi đưa tay bấm nhẹ vai anh Sanh. Anh trở mình thức giấc. Tôi nói nhỏ vào tai anh “Anh nghe gì không? Tôi nghe có tiếng bước chân người”. Anh Sanh ngóc đầu dậy nghe ngóng.
 
Tiếng rì rầm im bặt. Chúng tôi chờ hồi lâu không thấy động tĩnh gì. Tất cả trở lại trạng thái ban đầu. Tôi đoán giờ này cũng hơn ba giờ sáng. Ai đi đâu trong rừng lúc này? Tôi thắc mắc không tài nào ngủ tiếp được. Nghe trong gió có mùi thuốc lá. Rõ ràng là mùi thuốc lá, nhưng sao không thấy đốm sáng nào? Phía bên kia, chỗ chúng tôi mắc võng có một tảng đá khá to. Tảng đá nằm chình ình bên lối mòn. Không lẽ bọn xấu nào theo dõi đánh cắp đồ đạc của chúng tôi? Ở đây gần làng của đồng bào Hrê. Người dân để lúa trong chòi ở rẫy, có mất bao giờ đâu. Trộm cắp hiển nhiên không có. Vậy ai rình rập chúng tôi làm gì? Thắc mắc đó mãi trong đầu tôi cho đến khi trời sáng hẳn. 
 
Chúng tôi xuống suối rửa mặt. Lúc quay về thấy có hai thanh niên người đồng bào Hrê tựa lưng vào gốc cây hút thuốc. Một người lên tiếng:
 
- Chào các anh. Nghe các anh đến phục vụ người dân. Già làng cử chúng tôi đến đón phụ chuyển giúp đồ cho các anh. Chúng tôi đến đây sớm quá, sợ làm các anh thức giấc, nên ngồi bên kia hòn đá hút thuốc chờ trời sáng. 
 
Anh Sanh nói:
 
- Trời ơi! Các anh nhiệt tình quá. Thôi thì nhờ các anh giúp cho một đoạn đường, khiêng cái máy phát điện này đi trước nhé.  
Chúng tôi tiếp tục hành trình qua rừng, qua suối. Đi qua lưng chừng núi, chỗ Hùng bây giờ đang thi công trên kia.                                            
 
 * **
 
Giờ đây, sau ba mươi năm trở lại, con đường mòn năm xưa chỉ lờ mờ trong ký ức, dọc đường bê tông là những ngôi nhà sàn vách xây lợp ngói đỏ tươi. Xuống hết con dốc Hùng chỉ, thấy có khu đất rộng, Ở đó, vài ba người đang san ủi những ụ đất cao, những ụ đất vừa mới đổ.
 
Phía bên tay phải là ngôi nhà sàn, vách xây, mái lợp ngói. Tôi nói:
 
- Xin chào. Chào tất cả.
 
Những người đang lúi húi cào đất, chống cuốc ngước nhìn. 
 
- Tôi là khách, khách xa tới đây thăm lại vùng đất ngày xưa tôi đã đi qua.
 
Nghe nói thế, một trong ba người đó nhìn tôi chăm chú. Ông nhìn thật lâu, như cố gợi nhớ một điều gì. Tôi thấy ông cũng ngờ ngợ, hình như có gặp ông ở đâu đó một vài lần thì phải. Trí óc bây giờ khổ quá! Tôi cúi xuống, bước lại gốc cây, tránh nắng và nhìn bao quát một lượt. Qua khỏi cái sân tráng xi măng là đến khu nhà sàn. Nghe có tiếng thác đổ rất gần, tôi hỏi:
 
- Từ đây đến thác xa không anh?
 
Người đàn ông nhìn tôi lần nữa và nói gần thôi mà. Rồi bỗng dưng ông bước tới:
 
- Xin lỗi, tôi thấy anh quen quen, lúc nãy anh nói anh có đến khu rừng này một lần, vậy anh đến trong thời gian nào? 
 
-  Lâu lắm, trên ba mươi năm rồi. 
 
Người đàn ông lại hỏi:
 
- Có phải anh đi với đội chiếu bóng lưu động của huyện không?
 
- Ủa! Mà sao anh biết hay vậy? Lúc đó tôi làm bên giáo dục, nhưng tháp tùng cùng đội chiếu bóng đi vận động người dân làm trường mở lớp trên làng Gò Tranh.
 
Người đàn ông vỗ vào trán, reo lên:
 
- Nhớ rồi, nhớ rồi. Anh là thầy Thành làm ở phòng giáo dục huyện. Đúng không?
 
Người đàn ông vừa nói, vừa phủi tay vô quần, bước tới nắm tay tôi.
 
Ông nói: 
-
  Tôi là Sanh, sau lần đi đó, đội chiếu bóng giải tán. Tôi qua làm trong ban dự án quản lý rừng trồng. Tôi phụ trách các xã Long Sơn, Long Mai, Thanh An  (Minh Long). Lâu quá giờ mới gặp lại. Thôi mời anh lên nhà uống nước.
 
Anh Sanh chỉ tay về phía nhà sàn, trước sân có trồng mấy bụi hoa móng tay và hoa trang đỏ rực. Từ trong nhà, một người đàn bà bưng bình trà và chai rượu bước ra, cúi chào khách. Anh Sanh giới thiệu:
 
-  Bà xã mình đấy. Nói rồi, anh chỉ vào tôi bảo đây là bạn cũ, bạn của ba mươi năm về trước.
 
Thấy tôi ngạc nhiên, anh Sanh nói: 
 
- Đây là bà vợ sau. Bà trước mình đã ly hôn, giờ bả ở miền Nam với con trai. Con trai mình dạy ở trường đại học nông lâm. Còn bà này lúc đó làm cấp dưỡng cho đội quản lý rừng trồng. Bà này có với tôi hai đứa con. Đấy, thằng xúc đất lúc nãy với tôi dưới sân là thằng con rể. Tôi làm bên dự án quản lý rừng trồng được mười hai năm thì giải tán luôn. Giờ đây, tôi quản lý rừng cho tôi, quản lý luôn bà cấp dưỡng - Anh cười.
 
Tôi hỏi:
 
- Anh còn nhớ thầy Duy không? Thầy Đinh Hồng Duy dạy lớp ba ở làng Gò Tranh đó? Thầy Duy và tôi cũng có nhiều kỷ niệm lắm. Khi mở được lớp ở đó, thầy Duy là người xung phong lên dạy đầu tiên.
Cố tìm lại trong trí nhớ, anh Sanh nói:
 
- Có. Có nhớ, thầy Duy về hưu đã ba, bốn năm gì rồi. Giờ hình như thầy ở làng Biều Qua. Từ đây xuống Biều Qua chừng 10km. Giờ đường sá đi lại thuận lợi, không như trước đây. Hồi xưa, cái đêm anh bấm vai tôi anh còn nhớ không? Lúc đó, tôi cũng hơi lạnh, nhưng lấy lại bình tĩnh ngay. Tôi biết ở đây không có kẻ xấu. Không có thú dữ.
 
- Vâng! Bây giờ so với hồi đó khác nhiều quá. Từ nhà anh đến thác gần không? Sao tôi nghe tiếng nước chảy rất gần. Lúc đoàn mình đi hồi đó có qua lối này không anh?
 
- Không! Mình băng rừng mé dưới kia, rẽ ra đồi tranh rồi qua đèo. Còn từ đây lên thác chừng vài chục mét. Bây giờ đường sá thuận tiện, du khách đến đây cũng nhiều. Tôi vừa làm dịch vụ, vừa quản lý mấy héc ta rừng keo. Nói chung thì cũng sống được.
 
Anh vừa nói vừa rót đầy một ly rượu thuốc đưa về phía tôi. Anh nói:
 
- Mời thầy, mừng hội ngộ sau ba mươi năm gặp lại.
 
Tôi bưng ly rượu cụng vào ly anh và nói:
 
- Thật tình cờ, gặp anh ở đây. Cũng là cái duyên, sáng nay gặp Hùng là học trò cũ, nó đang giám sát thi công trên kia. Nó đưa tôi lên đây.
 
- Trên dự án khu tái định cư đó hả.
 
- Vâng.
 
Vốn không quen uống rượu, nhưng nể tình anh Sanh, làm vài ly, mặt tôi đỏ bừng.  
 
Ngay lúc đó có tiếng còi xe, ngoài đầu dốc, tôi nói với anh Sanh:
 
- Bây giờ tạm biệt. Hẹn gặp lại anh!
 
Anh cố giữ tôi ở lại ăn trưa cùng gia đình, nhưng vì đi nhờ xe nên tôi từ chối. 
 
Anh Sanh nói: 
 
- Có dịp nào thầy lên đây ở chơi, tôi dẫn đi thăm một vài nơi.
 
Vợ chồng anh Sanh tiễn tôi ra tới đầu con dốc.
 
Cuộc gặp gỡ tình cờ mà thú vị, gợi nhớ về những ngày gian khó nhưng tràn đầy niềm vui và nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ! 
 
 THOẠI VĂN
 

.