(Báo Quảng Ngãi)- Trong hơn 50 văn bản Hán Nôm còn lưu tại nhà thờ họ Nguyễn Hữu ở thôn Năng An, xã Đức Nhuận (Mộ Đức), có một bản phụng tấu của Bộ Lễ tấu trình về việc ban thưởng cho sứ bộ đi Xiêm vào thời Tự Đức. Đây là tài liệu không chỉ phản ánh sự quan tâm đặc biệt của triều đình nhà Nguyễn đối với đoàn đi sứ, mà còn thể hiện mối bang giao giữa nhà nước Việt Nam và nhà nước Xiêm (Thái Lan) thuở trước.
[links()]
Bản phụng tấu của Bộ Lễ
Bản phụng tấu được viết trên giấy dó, đề ngày 15, tháng 6, năm Tự Đức thứ 33 (1880). Tạm lược nội dung như sau:
Tờ tấu của Bộ Công về chuyện đi sứ sang Xiêm. Ảnh: Đăng Vũ |
Kê khai: Chuẩn thưởng gia nhất cấp trở xuống có 2 viên, có Chánh sứ thần Nguyễn Trọng Biện (đã phụng chuẩn làm việc ở Bộ Binh); Phó sứ thần Đinh Văn Giản (nay thỉnh vẫn lãnh Lại bộ Lang trung). Chuẩn thưởng kỷ lục nhị thứ trở xuống gồm 4 viên: Tùy phái Tòng tam phẩm văn viên Cao Bỉnh Tâm (nay thỉnh do các quan Bộ Lại xét biện); Ngũ đẳng Thị vệ Phan Văn Hóa (nay thỉnh về nguyên xứ). Suất đội Lê Đăng Trình (do hiện thỉnh về nguyên quán chịu tang cha). Ti vụ Nguyễn Huy (nguyên Hòa Đa lãnh huyện, điều động sung làm Ti vụ tùy phái, nhờ khéo việc văn nên xin về, lại sung làm Tùy phái đi xứ Xiêm, nay ưng do Bộ Lại xét biện). Chuẩn thưởng 3 tháng tiền bổng, nhưng cho về nguyên nha trở xuống gồm 4 người: Y phó Nguyễn Văn Phẩm, Hộ bộ Thư lại Nguyễn Quang Huy, Thương bạc nha Phan Nghi, Hành nhân ti hành nhân Nguyễn Hữu Chân (theo bản dịch của nhà Hán Nôm học Hoàng Ngọc Cương).
Thấy gì qua bản phụng tấu này?
Trước hết về Chánh sứ thần Nguyễn Trọng Biện. Theo tài liệu Hán Nôm được lưu tại nhà thờ Nguyễn Hữu, Nguyễn Trọng Biện sinh năm Ất Mùi (1835) tại làng Năng An, tổng Lại Đức, huyện Mộ Đức, phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi (nay là thôn Năng An, xã Đức Nhuận). Ông là con của cử nhân Nguyễn Trọng Đôn - người đỗ cử nhân khoa Quý Mão (1834), từng làm Giáo thụ Hàm Thuận, Binh Bộ Thị lang. Nguyễn Trọng Biện đỗ cử nhân năm Mậu Ngọ (1858). Sau khi đỗ cử nhân, Nguyễn Trọng Biện được bổ nhiệm làm quan tại Bình Định (Hàn lâm viện điển tịch), rồi Tri phủ Phù Mỹ (1865), làm Án sát sứ Khánh Hòa (1874). Năm Tự Đức thứ 31 (1878), ông được thăng Hồng lô tự khanh, Biện lý Bộ Công. Sau này ông còn làm các chức vụ khác như Thị lang Bộ Hộ, lãnh Tuần phủ Hà Tĩnh, Hộ lý Tổng đốc Bình Phú, rồi Tổng đốc Bình Phú (Bình Định - Phú Yên)... Ông Nguyễn Trọng Biện mất năm 1899. Mộ ông hiện tọa lạc tại núi Hoài An, xã Đức Chánh (Mộ Đức).
Sách Đại Nam thực lục, chính biên, đệ tứ kỷ, chép: Tháng 11 năm Tự Đức thứ 31 (1878), “sai sứ đi Xiêm, lấy Biện lý Bộ Công là Nguyễn Hiệp (nguyên trước là Trọng Biện sau mới đổi), sung làm Chánh sứ, Lang trung Bộ Lại Đinh Văn Giản làm phó sứ; lại sai bọn trẻ tuổi đi học là Hồ Khắc Hài theo phái viên sang Xiêm để học chữ và tiếng nói...” (Bản dịch NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, tập 8, tr.320). Chuyến đi này kéo dài đến 7 tháng, từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau (vì có tháng 3 nhuần).
Sau khi ở Xiêm về, Chánh sứ Nguyễn Hiệp cùng phái đoàn tường trình về chuyến đi công cán khá dài ngày đó. Sách Đại Nam thực lục cũng đã ghi chép lại khá kỹ trong phần đệ tứ kỷ (xem tlđ, các trang 351 - 352). Nói chung, đó là chuyến đi sứ của Chánh sứ Nguyễn Hiệp cùng phái đoàn đã được vua Xiêm cùng quần thần tiếp đón hết sức trọng thị, “tình lễ thâm hậu có nghĩa không quên như môi với răng”, tuy bị giám sát bởi Pháp, các nước phương Tây (lúc đó đang hiện diện ở Xiêm) và một số điều khác mà phái đoàn “không tiện nói ra”. Mặc dù vậy, nhưng xét thấy chuyến đi sứ lần này cũng đã thiết lập lại được mối bang giao thân tình giữa Việt- Xiêm (vốn từng bị sứt mẻ nhiều lần trước đó), việc đi lại lắm khó khăn, nên phái đoàn cũng được vua Tự Đức cho ban thưởng có thứ bậc: Chánh sứ Nguyễn Hiệp, Phó sứ Đinh Văn Giản được gia thưởng 1 cấp; các thành viên trong đoàn cũng được ban thưởng nồng hậu.
Từ những ghi chép trong Đại Nam thực lục, đối chiếu với bản phụng tấu của Bộ Lễ mà gia tộc họ Nguyễn Hữu, ở thôn Năng An còn gìn giữ hơn 140 năm qua, thì nội dung bản phụng tấu này hoàn toàn phù hợp với những điều ghi chép trong chính sử. Tuy nhiên, giá trị của bản phụng tấu này còn ở chỗ khác, trước hết, chính là bản tấu chi tiết hơn về tên người đi sứ, về việc ban thưởng gia cấp phẩm hàm, chức vụ cho từng người, về số tiền thưởng...
Vài lời gợi mở
Lâu nay cũng đã có những công trình nghiên cứu về quan hệ Việt - Xiêm trong lịch sử khá lâu dài, gắn bó, nhưng cũng lắm phức tạp. Tài liệu này góp phần vào việc nghiên cứu quan hệ ứng xử giữa hai nhà nước Việt Nam - Thái Lan (Xiêm), nhất là vào thời kỳ quân xâm lược Pháp đã chiếm đóng cả Nam Kỳ, cũng như đã “bảo hộ” Cao Miên (Campuchia), Ai Lao (Lào).
Trong khuôn khổ của một bài báo, lần này chúng tôi chỉ giới thiệu sơ bộ bản phụng tấu này, chắc hẳn việc nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Trọng Biện (Nguyễn Hiệp), cũng như thân phụ của ông là cử nhân Nguyễn Trọng Đôn, cùng những người họ Nguyễn Hữu ở thôn Năng An, qua các tài liệu Hán Nôm như: Sắc, chế phong, chỉ dụ, bằng cấp, trích lục... mà gia tộc hiện đang lưu giữ hàng trăm năm qua, sẽ còn được chúng tôi tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.
ĐĂNG VŨ