Cây tre trong văn hóa của người Hrê

10:05, 20/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với đồng bào Hrê, ca la nghĩa là cây tre. Cây tre được dùng vào nhiều việc, từ làm nhà, ăn uống, dựng nêu đến làm nhạc cụ. Tre hiện diện nhiều trong văn hóa của người Hrê với nhiều điểm khác biệt.
 
[links()]
 
Cây tre trong đời sống đồng bào Hrê
 
Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hrê có nhiều thôn mang tên Ca La, nghĩa là nơi có nhiều tre. Ca La có thể viết thành Cà La, Ka La. Như ở xã Ba Dinh (Ba Tơ) có thôn Cà La; xã Sơn Linh (Sơn Hà) có thôn Ka La. Hay như ở xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) có núi mang tên Ca La...  Làng có nhiều tre tất nhiên cũng có nhiều cây khác, nhất là thuở xưa rừng tự nhiên vây phủ khắp nơi. Một số loài cây cũng ghi dấu vào tên làng, như ở xã Ba Cung có làng Gò Rét, là nơi có nhiều cây rét tức hoa sữa mọc tự nhiên, làng Kon Kua là làng có nhiều cây ươi (kua), Làng Teng là nơi có nhiều cây sầu đâu (teng). Tuy nhiên, cây tre vẫn in đậm trong địa danh ở vùng đồng bào Hrê. 
 
Tre trồng dọc suối ở xã Ba Tô (Ba Tơ).        Ảnh: Minh Tuệ
Tre trồng dọc suối ở xã Ba Tô (Ba Tơ). Ảnh: Minh Tuệ
Cây bản địa chính là một phần nguyên liệu tạo nên sắc thái văn hóa. Vùng phía tây huyện Trà Bồng, tương ứng với địa bàn cư trú của đồng bào Cor, có rất ít tre, mà phổ biến có các cây như giang, nứa, lồ ô, xà nú.  Ngược lại, vùng từ huyện Sơn Hà trở vào phía nam là Minh Long, Ba Tơ lại hầu như không có cây lồ ô, mà có khá nhiều tre. Cũng tựa như do khí hậu, vùng núi phía bắc của tỉnh không có cây sim, còn vùng phía nam thì sim mọc khắp nơi. Cấu tạo của cây tre thuận tiện cho việc tạo tác vật dụng thiết yếu, trong một xã hội dựa vào “văn hóa thảo mộc” chính là yếu tố cơ bản để tre đi vào nhiều phương diện trong đời sống xã hội của người Hrê.
 
Tre có thể mọc tự nhiên trong rừng, nhưng phần nhiều là do người Hrê trồng. Tre trồng ở gần nhà, ở dọc sông, suối, trên rẫy của gia đình. Bụi tre người ta thường tính vào tài sản của mỗi gia đình, nên khi bị chặt trộm tre, măng, thì thường sinh ra mâu thuẫn. Mỗi gia đình có ít nhất cũng vài bụi tre, bởi với đồng bào Hrê, tre rất hữu ích. Tre trồng ở dọc bờ sông, suối thì giữ đất khỏi xói lở. Tre trồng ở rẫy thì làm bờ rào. Tre mới mọc thì lấy được măng, tre già thì làm các vật dụng, làm nhà, làm nêu. Măng tre, tiếng Hrê gọi là ta-văng ca-la, là thức ăn quen thuộc. Người Hrê đi rừng, bẻ măng rồi gùi về. Tre ở gần nhà thường ít lấy măng mà để dưỡng cho cây lớn. Măng tre trồng trên rẫy, thường to ngon. Người ta cắt măng rồi đem luộc, sau đó nấu canh với rau rừng, tôm, cá.
 
Trong nhiều công cụ lao động và sinh hoạt của đồng bào Hrê, cây tre luôn hiện diện, như răng bừa, cán cuốc, cán rựa, đế rá cơm, tre để dựng chòi ruộng, chòi rẫy. Ngày trước, phụ nữ Hrê thường dùng các ống tre bỏ vào gùi lên suối lấy nước về dùng ăn trong gia đình. Đặc biệt, trong ngôi nhà cổ truyền của người Hrê, bên cạnh các cây gỗ tốt làm khung chính, thì thành phần tre cũng khá nhiều như tre làm sàn, đan thưng vách, làm mè trên mái lợp tranh, làm lan can ở đầu tra (tiếp khách) trong căn nhà.
 
Trong việc dựng cây nêu làm lễ ăn trâu, thông thường đồng bào Hrê dựng cây nêu gỗ dềnh, nhưng cũng có trường hợp ăn trâu long trọng của làng, tre được dùng làm nêu. Ngọn tre được dựng làm cây nêu, các đoạn thân tre ngắn được dựng ở bốn góc làm phần đế nêu. Các đoạn tre luôn được làm sạch ở vòng đốt nhô ra để cây đẹp, phẳng phiu.       
 
Nhạc cụ độc đáo
 
Rất khó để hình dung nhạc cụ bằng tre lại có thể làm ra âm thanh như bộ chiêng (chinh) kim khí, nhưng đó là sự thật. Chinh ca la nghĩa là chiêng tre, tạo tác bằng một đốt tre kín ở hai đầu, khoét lỗ dài dọc thân, có ba dây khảy dọc theo lỗ, tương ứng âm thanh với ba cái chinh trong dàn chinh của người Hrê. Dây khảy không ráp từ ngoài, người ta nạy từ chính cật tre rồi dùng chính mẩu tre nhỏ “kê” cao khỏi thân ống để làm dây khảy (hai đầu đã có hai mắc tre giằng giữ, dây đàn không thể bứt khỏi ống). Như vậy, chinh ca la duy nhất là một đốt tre chứ không có vật liệu nào khác.
 
Khi chơi chinh ca la, nghệ nhân hai tay cầm đàn, dùng hai ngón tay cái khảy vào dây, phát ra âm thanh như một dàn chinh. Ống tre dùng làm chinh ca la thường to, vỏ mỏng mà cứng, để tạo được âm thanh hay. Vậy là người nào nhà không có dàn chinh đồng, hoặc có dàn chinh đồng ba chiếc mà không có đủ người chơi, thì cứ một mình ngồi ôm chinh ca la tấu để mọi người cùng thưởng thức. Một nhạc cụ tre ôm gọn trong lòng tay mà nghe như cả dàn chinh ba chiếc đang tấu mừng vui trong lễ hội. Cũng tựa như có thời tôi nghe Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Hoàng, dân tộc Cor ở huyện Trà Bồng ôm cây đàn bró làm bằng tre, trúc với quả bầu mà khảy, nghe như cả một dàn chinh đang rộn ràng hòa tấu. Đó là cái giỏi của người Trường Sơn- Tây Nguyên với văn hóa nguyên hợp. Ca la trong văn hóa của người Hrê phong phú, thú vị biết bao!
 
MINH TUỆ  
 
 

.