Chuyện xưa ở giếng cổ Thanh Thủy

08:05, 16/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giếng Thanh Thủy hay còn gọi là giếng Vương, ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) là một trong số ít giếng cổ trên địa bàn tỉnh còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Mới đây, giếng cổ này được đưa vào danh sách di tích cần được bảo vệ.
 
[links()]
 
Giếng cổ Thanh Thủy gắn với nhiều câu chuyện lịch sử thời xa xưa trên đất Quảng Ngãi. Có nhiều ý kiến trái chiều về lịch sử của giếng cổ này. Tuy nhiên, qua các tư liệu lịch sử và hiện trạng kiến trúc của giếng cổ có thể khẳng định chủ nhân khi xưa của giếng cổ Thanh Thủy là người Chăm. Qua đây khẳng định sự tồn tại lâu đời của văn hóa Chămpa trên vùng đất này, góp phần chứng minh sự giao thoa và tiếp ứng văn hóa Chăm - Việt, văn hóa cộng đồng các tộc người đang sinh sống trên mảnh đất Bình Sơn nói riêng và Quảng Ngãi nói chung.
 
Giếng cổ Thanh Thủy, ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn).         Ảnh: Tạ Hà
Giếng cổ Thanh Thủy, ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn). Ảnh: Tạ Hà
Di tích giếng cổ gồm cổng, sân và giếng. Cổng giếng có hai trụ vuông cao 50cm. Diện tích sân giếng chừng 40m2 dạng hình lục giác. Giếng có hình ống trụ, tính từ đáy đến thành độ sâu 6m, được tạo bởi những tảng đá ong to, xếp đều chồng lên nhau. Điều đặc biệt là, giếng cách biển không xa nhưng nước vẫn luôn trong xanh, ngọt mát và không hề nhiễm mặn.
 
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, Thanh Thủy là tên làng xưa, dân gian thường gọi là vạn Nước Ngọt. Đời vua Đồng Khánh là tên thôn thuộc tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn. Địa danh Thanh Thủy gắn liền câu chuyện vua Lê Thánh Tông trong buổi đầu bình Chiêm, mở cõi biên giới Đại Việt về phương Nam. Năm 1471, khi vua dừng chân ở Vạn Tường và Sa Kỳ, quân lính và gia nhân không còn nước ngọt để dùng nên phải lấy nước từ một thôn cách đấy chừng 2 - 3km. Từ đó, thôn này được gọi là Thanh Thủy, tức nước ngọt. Để thể hiện tình cảm của mình đối với vua Lê Thánh Tông, nhân dân trong vùng đặt tên giếng Thanh Thủy là giếng Vương.
 
Ông Võ Vận (89 tuổi), nhà ở gần giếng Thanh Thủy kể, ngày trước, mỗi sớm tinh mơ, các bà, các chị thường tập trung quanh giếng lấy nước về dùng. Tiếng cười, tiếng trò chuyện reo vang khắp một vùng quanh giếng cổ. Mỗi chiều, đàn trâu, đàn bò no cỏ nhởn nhơ uống nước bên những máng nước bằng đá ong ở cạnh giếng, quang cảnh rất yên bình, thơ mộng.
 
Ông Vận cho biết thêm, người dân vạn Thanh Thủy luôn quan niệm giếng nước chính là thần, nơi tụ thủy tích phúc, nơi giao hòa giữa trời và đất. Vào những dịp lễ tế, lễ hội, nước giếng được dùng để lau chùi áng thờ, long đình, bài vị và vật phẩm dâng cúng trên bàn thờ gia tiên hay bàn thờ ở các lăng, miếu trong làng. Thuở xưa, làng có quy định riêng trong việc gìn giữ giếng nước. Giếng phải được giữ gìn sạch sẽ, thành giếng phải làm bằng khung tre, cấm không được tắm giặt bốn phía giếng. Người dân không được lấy nước giếng vào 3 ngày tết Nguyên đán với ý niệm tỏ lòng thành kính, biết ơn Thần Giếng sau một năm vất vả ban nước, nuôi sống dân làng. Nếu làm trái lệ làng sẽ bị phạt bạc hoặc phạt dịch.
 
Trải qua hàng trăm năm, giếng cổ Thanh Thủy vẫn hiện diện như là nhân chứng kể về những câu chuyện cổ xưa. Việc công nhận di tích lịch sử - văn hóa đối với giếng cổ Thanh Thủy là cần thiết, để từ đó giúp thế hệ hôm nay và mai sau hiểu hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của một vùng đất. Cùng với đó, giếng cổ Thanh Thủy cũng sẽ phát huy giá trị kinh tế trong phát triển du lịch khi được chọn là điểm đến trên tuyến du lịch tại địa phương là Lăng vạn Thanh Thủy - Giếng cổ Thanh Thủy - Thắng cảnh Gành Yến.
 
TẠ HÀ
 
 
 

.