Khẳng định chủ quyền biển, đảo từ Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

03:04, 16/04/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Những cuộc vượt biển của những binh phu Hoàng Sa trong Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa đã cắm cột mốc vĩnh hằng về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức không chỉ để tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân, mà còn góp phần khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
 
[links()]
Từ sáng sớm 16/4 (nhằm ngày 16/3 âm lịch), hàng trăm người dân Lý Sơn và du khách tập trung về Đình làng An Vĩnh (Lý Sơn) để tham dự Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ được tổ chức một cách trang nghiêm, thành kính, với nhiều nghi thức cúng tế như lễ tế chính, lễ cáo yết nghinh thần, lễ thả thuyền…
 
Tri ân tiền nhân
 
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, được các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao của những binh phu Hoàng Sa năm xưa đã có công đo đạc, cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ hàng trăm năm trước. 
 
Văn tế trong buổi lễ đã nêu về số phận của những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa năm xưa: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng Ba khao lề thế lính Hoàng Sa”.
 
Lễ tế chính trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Lễ tế chính trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Các họ tộc trên đảo Lý Sơn đọc sớ tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân.
Các họ tộc trên đảo Lý Sơn đọc sớ tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân.

Sau phần tế lễ, tiếng ốc u nổi lên hiệu lệnh cho những trai tráng làm lễ rước thuyền và hình nhân thế mạng hướng ra biển theo con đường mà các bậc tiền nhân. Hơn 400 năm trước, cha ông đã từ đất đảo Lý Sơn vượt biển trên những chiếc thuyền câu đơn sơ, chấp nhận những gian khổ và cả hy sinh, nằm lại Hoàng Sa, Trường Sa trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

 

Hoàng Sa trời nước mênh mông. Người đi thì có mà không thấy về". Nhắc lại 2 câu trong văn tế, ông Phạm Thoại Tuyền, một cư dân ở đảo giải thích: Không thấy về nghĩa là khi đi mà gặp cơn gió lốc, gió xoáy làm chìm thuyền, thì những binh phu Hoàng Sa đã hy sinh rất anh dũng và đầy quả cảm. Vì vậy, lễ thức hôm nay là để tưởng nhớ, tri ân những người đi trước và khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. 
 
Trao truyền giá trị chủ quyền biển, đảo
 
Có mặt tại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào sáng 16/4, TS.Nguyễn Đăng Vũ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức không phải chỉ ở đất đảo Lý Sơn, mà còn ở nhiều nơi khác dọc ven biển Quảng Ngãi. Nơi nào có những binh phu đi Hoàng Sa, Trường Sa, thì nơi ấy tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Tuy nhiên, tại đảo Lý Sơn, nghi thức lễ này rất đặc biệt và được gìn giữ, tổ chức qua nhiều đời. 
 
“Cứ vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch, các dòng họ tiền hiền, hậu hiền ở Lý Sơn cứ gia đình nào, tộc họ nào có người đi lính Hoàng Sa thì tộc họ đó đều tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”, TS.Nguyễn Đăng Vũ nói. 
 
Đưa mô hình thuyền câu ra biển.
Đưa mô hình thuyền câu ra biển.
Mô hình thuyền câu được thả xuống biển nhằm tưởng nhớ những binh phu đã ngã xuống.
Mô hình thuyền câu được thả xuống biển nhằm tưởng nhớ những binh phu đã ngã xuống.
 
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ nhìn nhận, đây là một lễ thức văn hóa tín ngưỡng, nhưng không chỉ là để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp của người Lý Sơn, mà còn trao truyền giá trị chủ quyền biển, đảo. 
 
“Lễ thức này hàm chứa về một lịch sử bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ nhiều thế kỷ qua. Cùng với các di tích lịch sử - văn hóa, các tài liệu Hán Nôm, những trang lịch sử ghi chép của các triều đại, thì Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một bằng chứng sống động về lịch sử bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam”, TS.Nguyễn Đăng Vũ khẳng định.
 
Cha ông cắm mốc mở mang, giữ gìn bờ cõi để rồi hôm nay, người Lý Sơn luôn tự hào vì đã góp công sức gìn giữ và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa như một mạch nối về chủ quyền biển, đảo từ quá khứ đến hiện tại. Nghi lễ là thông điệp truyền gửi về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trở thành sợi dây trao truyền những kiến thức về lịch sử biển đảo quý báu cho người dân đất Việt. 
 
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thu hút rất đông người dân Lý Sơn và du khách đến tham dự.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thu hút rất đông người dân Lý Sơn và du khách đến tham dự.
 
“Ra đảo Lý Sơn và được dự Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tôi càng hiểu hơn ý nghĩa của bài học về giữ vững chủ quyền biển, đảo của đất nước ở ngay hòn đảo tiền tiêu này”, ông Hà Tùng Sơn, một du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh, nói.
 
“Ốc u đã nổi lên rồi/ Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa”. Hành trình ấy vẫn cứ nối tiếp qua nhiều thế hệ của cư dân đất đảo Lý Sơn. Hoàng Sa, Trường Sa luôn là quê hướng thứ 2 của người dân nơi đây. Quê hương ấy vốn đã được các bậc tiền nhân không tiếc máu xương vượt biển khai khẩn, mở cõi, cắm mốc xác lập chủ quyền, để trao gửi cho thế hệ hôm nay viết tiếp những trang sử mới.
 
Bài, ảnh:  MINH HUY
 

.