Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

06:04, 20/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi dân tộc đều có vốn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống này.
[links()]
 
Phát huy vai trò của nghệ nhân
 
Các nghệ nhân ở các huyện miền núi là những người đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trong số đó, bà Đinh Thị Đê, ở thôn Công Loan, xã Thanh An (Minh Long) là nghệ nhân nữ duy nhất của huyện biết làm và chơi đàn B’row, đàn B’roat. Ngoài ra, bà Đê còn biết hát ru và các làn điệu dân ca Hrê. Vì thế, bà luôn cùng với các nghệ nhân ở địa phương truyền dạy cách chơi nhạc cụ truyền thống, dân ca, dân vũ cho lớp trẻ. 
 
Nghệ nhân Đinh Thị Đê, ở thôn Công Loan, xã Thanh An (Minh Long), biểu diễn đàn B’row.
Nghệ nhân Đinh Thị Đê, ở thôn Công Loan, xã Thanh An (Minh Long), biểu diễn đàn B’row.
"Đàn B’row, B'roat là những nhạc cụ truyền thống không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Hrê bao năm qua. Tiếng đàn B’roat, B’row hay đàn Ngói có những nét đặc sắc riêng. Mỗi ngày, tôi thường chơi đàn cho con cháu nghe và dạy lớp trẻ biết sử dụng các loại đàn này để  những nhạc cụ do ông cha dày công chế tác không bị mai một”, bà Đê chia sẻ.
 
Nguyên liệu làm ra đàn B'row, B'roat là quả bầu khô cùng với lồ ô, dây kẽm và thanh tre... Đàn được chơi trong các lễ hội và đời sống hằng ngày của đồng bào Hrê sau những giờ lao động mệt nhọc... 
 
Giống như bà Đê, nghệ nhân Hồ Thị Dé, ở xã Trà Hiệp (Trà Bồng), là một trong những phụ nữ Cor độc tấu kèn Amap hay nhất hiện nay. Tiết mục thổi kèn Amap bài “Tình mẹ con” của bà Dé vừa đoạt giải B tại Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên. Bà Dé cho biết, được đại diện biểu diễn nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Cor Quảng Ngãi tại liên hoan, tôi rất vinh dự và tự hào. Điều hạnh phúc là kèn Amap vẫn còn được nhiều phụ nữ ở huyện Trà Bồng đam mê theo học và  giữ gìn.
 
Những nghệ nhân Hồ Văn Biên, Hồ Văn Vương, Hồ Văn Ninh, Hồ Thị Huệ... ở huyện Trà Bồng vừa qua đã tham gia biểu diễn tại nhiều liên hoan, với những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa Cor như đấu chiêng, hát Xaru, Agiới, trình bày ẩm thực Cor... Phần lớn các tiết mục đều đoạt giải cao, là niềm tự hào của các dân tộc ở Quảng Ngãi.
 
Theo Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Trà Bồng Hồ Thanh Sơn, các nghệ nhân đã dùng chính ngôi nhà của mình làm điểm truyền dạy nhạc cụ, dân ca, dân vũ, đánh cồng chiêng... cho thanh niên. Nhiều năm qua, những giá trị văn hóa của dân tộc Cor luôn được người dân gìn giữ, phát huy.
 
Chung tay gìn giữ
 
Huyện ủy Trà Bồng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02 “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Trà Bồng, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, huyện phấn đấu xây dựng 1 - 2 làng văn hóa, phục dựng nhà ở truyền thống, các lễ hội của đồng bào Cor và củng cố các đội văn nghệ truyền thống tại các xã, thị trấn. Cùng với Trà Bồng, các huyện miền núi trong tỉnh cũng đã triển khai đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc tại địa phương mình, nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Huyện Minh Long hiện đã bố trí 2,5 tỷ đồng để xây dựng không gian văn hóa Hrê ở làng Thượng Đố, xã Thanh An và phục dựng một số nhà sàn, ruộng bậc thang, xây dựng làng nghề truyền thống... Những hoạt động này nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Hrê gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Còn huyện Ba Tơ thì duy trì và phát triển 2 đội cồng chiêng, hát Ka lêu và các đội văn nghệ tại các xã để phục vụ khách tham quan.
 
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Văn Tiến, trong 5 năm qua, Quảng Ngãi đã tổ chức 5 đợt liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca các dân tộc thiểu số trong tỉnh và 6 đợt liên hoan văn nghệ quần chúng cấp tỉnh. Ở các huyện miền núi có 3 nghệ nhân nhân dân, 19 nghệ nhân ưu tú và gần 400 nghệ nhân am tường, gìn giữ, trao truyền, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Đây là lực lượng mà các địa phương cần quan tâm, để họ có điều kiện trao tryền những nét đẹp và giá trị văn hóa của đồng bào mình.
 
Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 
 
 

.