Bạn thân

12:03, 12/03/2022
.
*Truyện ngắn của SƠN TRẦN 
 
(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi cuộc gặp gỡ trong cuộc đời này đều trở thành kỷ niệm. Tình bạn của tôi và nó cũng thế. Buồn mà đẹp!
 
Ngày đầu gặp nhau, tôi nhận ra được cái chất quê, dân dã sau dáng dấp và nụ cười ngượng nghịu của nó. Nó đón tôi ở cổng trường, hỏi thăm ở đâu có nhà trọ. Tôi đưa nó về chỗ trọ của mình nằm trong con hẻm sâu, ẩm thấp như các con hẻm vô danh khác.
 
- Sao mày không ở ký túc xá?
 
- Dạ, em vô trễ nên... Nó cúi đầu, ấp úng.
 
Tôi vỗ vai nó thân thiện:
 
- Đừng xưng gọi như thế, khách sáo lắm. Chúng mình đều là sinh viên mới cả thôi!
 
- Vậy hả? Nó vồn vã sau cái ngước mắt ngạc nhiên - Bạn học khoa nào?
 
- Ngoại ngữ - Tôi đáp rồi đi lấy nước. Nó đứng kế bên, lân la trò chuyện.
 
- Còn mình thì khoa Văn. Mình thích viết báo lắm!
 
Tôi quay lại, nhìn nó:
 
- Mình sẽ làm bạn nhau nhé! - Nó xúc động siết chặt tay tôi.
 
Hai đứa đều học buổi sáng. Phương tiện duy nhát là chiếc xe sườn ngang của tôi. Nó học giảng đường A, còn tôi thì học giảng đường C, cách nhau dãy nhà nội trú. Tôi quy định, đứa nào tan học trước thì đạp xe về nấu cơm, dọn dẹp. Nó không chịu, nhất quyết đi bộ. Tôi giận, bảo:
 
- Thế thì bán quách đi nhé?
 
Nó ngạc nhiên:
 
- Bán, mày đi dạy kèm bằng gì?
 
Tôi phì cười cảm thấy thương tính thật thà như đếm của nó.
 
***
 
Nó học vào loại khá lại ít đi chơi. Ngoài giờ nghe giảng trên lớp, nó nằm dài trên sàn hoặc ôn bài, hoặc đọc báo rồi ghi chép luôn tay. Mỗi lần làm được bài thơ mới, nó đọc cho tôi nghe. Thơ nó thắm đượm tình quê, nỗi day dứt khôn nguôi và sự hoài niệm tuổi thơ. Tôi đọc, không góp ý, chỉ trêu: “Sao không có thơ tình nhỉ?”. Nó cười ngượng, thèn thẹn và mặt dần đỏ lên như con gái.
 
Một hôm đi dạy kèm về, tôi hơi ngạc nhiên, nó vắng nhà. Tôi quay xe, đạp qua các phố. Giờ này, ký túc xá đã đóng cửa. Đường phố cũng thưa thớt người. Tôi dừng lại, nghĩ ngợi. Không biết tìm nó ở đâu. Trong thành phố này, nó không có bạn bè thân thiết có thể giao du, ngoài tôi. Nhớ mỗi chiều sau bữa cơm, tôi hay rủ nó đi dạo biển. Ban đầu, nó một mực chối từ nhưng tôi năn nỉ mãi, thì đi. Nó ít nói. Mặt buồn rượi, nhất là đôi mắt, cứ xa xăm, tưởng chừng lúc nào cũng mọng nước, long lanh. Tụi con gái lớp tôi gặp nó, đùa: “Bạn của ông đẹp như bức tượng đồng”. Nó chỉ hấp háy mắt, lúng túng vò đầu rồi tìm cớ lảng đi.
 
Nửa đêm, nó về. Nghe tiếng gõ cửa tôi nhảy ra, lòng khấp khởi vui. Nó hớn hở chìa trước mặt tôi tờ báo. Tôi cầm nhưng không đọc, lôi xoong cơm dưới gầm bàn ra. Nó khoát tay:
 
- Khỏi, tao không đói. Vừa rồi tao...
 
Nó bỏ lửng câu nói rồi lật từng trang báo. Tôi nhìn theo. Một truyện ngắn, choán đầy hai trang. Cuối bài viết là họ tên nó. Tôi vỗ vai nó:
 
- Oai nhỉ! Nhưng mà...
 
Chợt nhớ ra, nó kéo tôi ngồi xuống sàn rồi nói như chưa từng được nói bao giờ. Thì ra bài viết của nó được anh chị trong ban biên tập khen ngợi. Họ mời nó đến tòa soạn động viên, mong rằng nó sẽ là cộng tác viên thường xuyên của báo. Tôi mừng cho nó. Từ đó, nó lao vào sáng tác thơ, truyện và cả tạp văn nữa. Căn phòng nhỏ bừa bộn hơn những xấp bản thảo, những tờ báo để khắp sàn.
 
***
 
Tuổi mười tám, đôi mươi bắt đầu có hiện tượng để mắt đến nhau. Tôi cũng không ngoài quỹ đạo ấy, tự chấm cho mình một em. Nghĩ thật buồn cười. Tình yêu sinh viên đầy mắc mứu, vừa thơ ngây vừa liều lĩnh đã ngốn không biết bao nhiêu thời gian. Từ khi dấn thân vào, tôi vắng nhà liên tục. Có hôm ở qua đêm trong ký túc xá. Nó không ý kiến, suốt ngày chỉ biết chúi mũi vào những cuốn giáo trình dày cộm. Trông nó ngày càng gầy rộc đi, thầm lặng hơn. Có vẻ nó nhụt chí sáng tác thì phải. Tôi khuyên nó nên đi dạo hay chơi một môn thể thao nào đó, kẻo bệnh. Mà nó hay bệnh thật. Mỗi lần nó bệnh, tôi đạp xe đi tìm hiệu thuốc, hay ra đầu hẻm mua cháo cho nó, tôi trêu: “Bệnh nhiều, kiếm người yêu cho đỡ khổ bạn bè”. Nó cười, môi mím chặt: “Tại không quen đó thôi”. 
 
Nó hết bệnh. Những tối thứ bảy, tôi kéo nó ra phố. Hai đứa đi bên nhau, dạo hết con phố ngắn rồi tạt vô quán kem chống cằm nhìn thiên hạ bá vai bá cổ nhau rồi về. Nó tỏ vẻ am hiểu: “Thứ bảy, sao không đi chơi với người yêu?”. Tôi lắc nhẹ đầu: “Còn gì để mà nói”. Nói xong, đứng dậy, hai đứa lầm lũi ra về.
 
Khi vừa bước vô phòng, nó bật đèn lên, nhìn tôi, vẻ thông cảm. Cảm thấy an phận, lo học như nó vậy mà hay.
 
***
 
Bà chủ hẹn ngày mai sẽ lấy tiền. Tôi lo lắng, không chợp mắt được. Thằng học trò của tôi “đểu” thật. Một buổi sinh nhật của bạn gái nó mà đánh đổi cả tháng lương của tôi. Hôm trước xuống nhà, nó giả vờ mệt nghỉ, rồi nắm tay tôi năn nỉ nghe mà cảm động: “Tiền tháng này bố cho rồi nhưng em mượn. Anh đừng... Em sẽ sớm gửi lại...”. Buồn bực không sao kể xiết. Tôi khoác bộ mặt đưa đám về. Nhưng sợ nó buồn, nó cũng chẳng giàu có gì nên cố vui, xem như không có chuyện gì. Mà dạo này nó thay đổi, khó hiểu. Nó không làm thơ nữa, hay ngồi bó gối thở dài.
 
Rồi niềm vui cũng đến với chúng tôi. Nó có tiền, gần tám trăm ngàn, hơn hai tháng tiền nhà trọ. Bà chủ nhà sau một hồi lên bổng xuống trầm, nhét tiền vào túi xách và đi ra khỏi cửa. Tôi hỏi, nó lấp liếm: “Mẹ gửi!”. Tôi đâm ngờ trong lời nói của nó nhưng không dám hỏi. Gia đình nó tôi biết thông qua những lần tâm sự. Đó là một vùng biển nghèo. Gió Lào và bão cát thường xuyên đổ vào. Cha nó mất sau một lần đi biển. Mẹ nó tần tảo nuôi con khi nó vừa tròn mười tuổi. Nó định nối nghiệp cha, một buổi đến trường một buổi làm quen với biển. Mấy năm nó vào đại học cũng là ngần ấy năm đôi quang gánh oằn thêm trên đôi vai gầy của mẹ.
 
***
 
Chủ nhật. Nó đánh thức tôi dậy thật sớm, bảo.
 
- Tao đi, mãi đến chiều mới về.
 
Tôi lật đật ngồi dậy, hốt hoảng:
 
- Đi đâu? Chủ nhật mà!
 
- Tao đi làm cũng như mày dạy kèm đó mà!
Nói xong, nó đạp xe đi. Tôi đóng cửa nằm lại và cảm thấy yên tâm. Dẫu sao, nó cũng giải thoát được lòng mình không còn áy náy cho rằng “ăn bám” người khác mỗi lần tôi trả tiền phòng, tiền sửa xe hay tiền gạo nữa.
 
Chiều đó, nó về, túi xách nằng nặng. Tôi xếp cuốn từ điển lại, ngạc nhiên nhìn nó. Nó phá lên cười. Nụ cười sảng khoái, đầy sức sống. Tôi cười theo rồi giật lấy túi. Những thức ăn ngon mà sinh viên như tụi tôi nằm mơ cũng không thấy lần lượt bày lên bàn. Tôi thòm thèm, nước dãi tứa ra.
 
- Mày ăn đi, tao ăn no rồi!
 
 
 Nó ấn vai tôi rồi đi tắm. Một lát sau, nó lại thay quần áo, nhìn tôi cười cười:
 
- Khuya tao mới về, mày ngủ trước nghen!
 
Miếng ăn bỗng nghẹn nơi cổ. Nó bận vậy sao? Tôi đứng bật dậy, kéo tay nó:
 
- Mày làm gì? Tao đi làm với mày được không?
Nó quay mặt, gỡ nhẹ tay tôi ra rồi vội vã đạp xe đi.
 
***
 
Tôi đi tìm nó, không sót nơi nào cả. Phố ăn vặt, quán cà phê hay một nhà hàng nào đó còn mở cửa. Tôi mệt mỏi, bàn chân tê dại. Đồng hồ trong những ngôi nhà ven đường gõ nhịp điểm mười hai giờ. Chậm buồn và khắc khoải. Bây giờ, nó ở đâu khi thành phố đã chìm sâu vào giấc ngủ.
 
Tôi ngần ngại hướng đến quán karaoke cuối đường còn hắt bóng với niềm hy vọng mong manh. Và đã không tin ở mắt mình nữa. Nó gà gật trên chiếc ghế nhỏ kê sát cổng, đầu và vai đẫm ướt sương đêm. Chiếc xe đạp sườn ngang dựng bên cạnh. Tim tôi như ai bóp chặt, nhói đau. Cứ vậy, tôi đứng lặng nhìn nó!./.
 

.