*Truyện ngắn của
THOẠI VĂN
(Báo Quảng Ngãi)- Tháng Chạp mưa. Mưa như trói chân người ta lại. Lão Dần ngồi nhìn mưa. Gió bấc từ đồng Cửa Miếu thổi ràn rạt qua vườn chuối. Uống hết bình trà đậm, lão e hèm mấy cái, đứng dậy tìm cây rựa. Ngoài sân, tiếng chó sủa, lão nhìn ra:
- Úi chu cha! Lâu quá thầy hể!
- Dạ. Con chào bác Năm. Khỏe chứ bác Năm?
- Cũng tạm tạm. Thầy ngồi uống nước.
Dũng cởi áo mưa, ngồi xuống. Bàn trà lão kê ngoài sân. Sân có mái che rộng. Trước sân, cây đào tiên trổ bông. Bông rụng xuống nhuộm đỏ một khoảng đất. Dưới chân lão, một cây rựa và mấy cọng mây khô đã chẻ thành ba sợi nhỏ. Dũng nói: “Bác Năm tính làm gì mà chẻ dây mây vậy? Người ta nói đông chí, trồng bí, trồng bầu. Chắc bác làm giàn bầu hả?”.
- Năm nay mưa quá, không trồng gì được thầy ơi. Mưa không đi đâu được, tù túng cái tay, cái chân, tui tính bện đồ chơi cho thằng cháu nội.
Thầy biết không? Hồi chín năm chống Pháp, từ đây xuống tận dưới kia - lão chỉ tay về phía trước nhà - là cánh đồng khô, cỏ cháy. Một năm làm được một vụ lúa gieo, ăn nước trời nên thường xuyên mất mùa đói kém. Chánh quyền kháng chiến cho đào con kênh chạy dọc từ Bàu Giọ ven làng An Hà đến cánh đồng Cây Đa Ông Mặn, bây giờ là xã Nghĩa Trung, để tưới tiêu cho mấy chục héc ta đất cấy, nhằm sản xuất cứu đói, góp gạo kháng chiến.
Con kênh có chiều dài gần mười cây số, hồi mới đào bề rộng chừng bảy hay tám mét gì đó. Qua nhiều năm mưa lụt sạt lở, có chỗ rộng ra đến vài chục sải tay. Có chỗ sâu khuất đầu người. Tháng Tư, tháng Năm, nước cạn đến lưng quần, ấy là mùa bắt cá trên con kênh này. Thầy có biết bắt cá bằng gì không? Thấy Dũng có vẻ ngơ ngác, lão nói tiếp - bằng nơm. Thầy biết cái nơm chứ? “Dạ có biết, nhưng làm cái nơm thì cháu mù tịt, bác nói về cách làm nơm cháu nghe với”. Lão e hèm lấy giọng.
Hồi đó tui chừng mười bảy, mười tám. Thanh niên mà, hay đi cà rỡn. Đêm trăng sáng hay vén quần lội qua sông coi làm chay, hát bội bên đó. Lúc về ghé vô nhà ông Tư Sen bên đường xin nước uống. Khuya nào ông cũng đốt đèn dầu ngoài sân, gò lưng bện nơm. Nói thiệt với thầy, ông Tư Sen làm nghề bện nơm khéo lắm, có cô gái tên Hà, da trắng mịn. Tóc dài nửa lưng. Nói sao có vậy, tui xin nước là cái cớ, chắc thầy cũng biết rồi. Mục đích tui là nhìn cô Hà chút, về ngủ cho khỏe con mắt. Nhưng cô Hà ngủ sớm. Thành ra đêm nào tui cũng uống gáo nước no bụng mà chẳng thấy cô Hà đâu. Tui nghĩ ra kế khác, xin làm đệ tử ông Tư Sen, học nghề bện nơm, làm nhũi... Ông thấy tui sáng dạ, học nhanh, khéo tay, sai việc gì tui cũng làm. Hôm nào rảnh tay, tui chẻ củi, gánh nước. Người ta nói rất đúng: “Khó nhất đốn tre, khó nhì ve gái”.
Nói thiệt với thầy, tui cũng hơi nhát gan nên cái khó nhì đẩy lên thành nhất. Có hôm, ôm bó củi vào bếp, thấy cô Hà ngồi vo gạo, tui đứng ngây nhìn. Bị cô bắt gặp, tui ấp a, ấp úng không biết giấu cái nhìn vào đâu. Cô ta nguýt dài, tui lủi ra sân một mạch. Vì mục tiêu kia, nên tôi phải hoàn thành mục tiêu này trước. Đầu tiên tui tập chẻ dây mây. Chẻ cách sao cho khỏi lãi. Một sợi mây, bứt ngoài rào vô, có khi dài hơn ba, hay bốn mét. Phải chẻ đều ra làm bốn, vót thiệt mỏng, phơi khô. Công đoạn thứ hai là chẻ tre, loại tre nang, mắt thưa, mỏng ruột, vót nhỏ, đánh lại thành cái niềng tròn. Niềng tròn nhỏ chừng bằng cái bát. Niềng tròn lớn đường kính chừng to hơn cái mâm ăn cơm. Xong đâu đó, đốt rạ thui sem sém rồi phơi khô. Bấy nhiêu đó, chưa được nửa công đoạn đâu thầy. Tiếp theo là vót rẻ nơm. Rẻ nơm cũng chọn tre nang, mắt thưa, chẻ ra, vót nhỏ bằng đũa ăn cơm, có chiều dài chừng tám mươi phân trở lại. Một đầu vót nhọn, đầu kia vót nhỏ chừng bằng mút đũa con. Một cái nơm có từ sáu mươi đến hơn một trăm cái rẻ không chừng, tùy vào lớn hay nhỏ. Vót cái này dễ bị đứt tay. Thường phải quấn vải hay luồn miếng mo cau vào ngón tay trỏ. Hôm nọ, ông Tư đi ăn giỗ. Ùm, cũng chừng tháng Chạp này, ông giao tui vót chín mươi cái rẻ nơm trong vòng một buổi cho xong. Một thử thách ghê gớm thầy ơi. Tui bị đứt tay. Thầy biết sao mà đứt tay không? Không phải làm nhanh, cũng không phải rủi ro. Nhưng... vì tay vót, mắt nhìn ra ngõ.
- Chắc bác ngóng ông Tư về chứ gì - Dũng nói.
- Đâu phải vậy- Lão Dần cười vui, lộ cái lợi ra, khoác tay nói: Không phải vậy. Tui nhìn cô Hà đi chợ về. Cái rựa bén quá, lẹm vào ngón tay, chỗ chưa quấn vải. Máu chảy hồi nào, tui không hay.
Đến khi cô Hà nói:
- Nhìn cái gì mà nhìn dữ vậy? Máu chảy rồi kìa. Tôi nhìn lại, có vài giọt máu rơi xuống đất. Cô bỏ mủng đi chợ xuống, chạy lại, cầm ngón tay tui, kéo lên bộ ngựa, biểu ngồi đó, cô chạy lẹ bứt đọt dứa non nhai rịt lại. Tim tui như loạn nhịp. Miệng nói không sao, nhưng tui muốn được cô cầm miết ngón tay. Đó, lần đầu tiên tui được gần cô Hà, sau tám tháng học nghề. Người ta nói người khôn ngoan là người biết chờ đợi. Tui chờ đợi thêm thời gian nữa để bện cho được cái nơm. Công đoạn bện nơm cũng khá công phu. Đầu tiên là gầy cho thành hình. Gầy như tui gầy tình cảm với cô Hà vậy. Vạn sự khởi đầu đều gian nan hết. Khó lắm. Theo chỉ dẫn của ông Tư Sen, tui chọn cái niềng lớn. Chọn rẻ đầu tiên ngon lành cột vào niềng một nuộc thiệt chặt, đến rẻ thứ hai, thứ ba tiếp theo, đưa sợi mây xuống, xỏ ngược lên theo kiểu người ta bện vạt giường sao cho khoảng cách đều đặn không dày, không thưa.
Đi hết một vòng, chọn niềng nhỏ hơn, uốn cong một đầu rẻ lại theo hình tròn, và bện như lúc bện đường giữa. Chỗ này làm thật kỹ, vì đây là chỗ người đi nơm cầm tay, thò tay, bắt cá khi úp. Tui nói ngắn gọn vậy thôi, kể tỉ mỉ dài dòng lắm. Và khi tự tay tui làm được cái nơm thì giáp năm. Giáp một năm, tui cũng úp được luôn cô Hà - Lão cười vui, rồi thoáng buồn. Lão ngó lên bàn thờ, một phút im lặng. Dũng hiểu ý lão, cũng im lặng. Lão hớp tiếp ngụm nước, rút điếu thuốc châm lửa hút. Gió xào xạc vườn sau. Để thoát ra cái không khí trầm lặng này, Dũng nói: “Nghe bác kể sơ sơ về cách làm nơm, nhưng còn úp nơm thì sao? Cháu chưa tận mắt thấy. Bác Năm nói vài đường nghe cho vui đi bác. Lão Dần gật gật cái đầu nói tiếp.
Có gì đâu, sau khi làm xong hai công đoạn tui kể đó, người bện nơm chạy một đường chân nữa là xong. Đường chân phải cách đầu nhọn rẻ nơm chừng vài mươi phân, để khi úp, phần đầu nhọn cắm xuống bùn, cá không thoát ra được. Còn đi úp nơm, thì có rất nhiều kiểu, nhiều lắm kể không hết, tui kể cho thầy nghe đi úp nơm trên đoạn kênh Bàu Giọ thôi. Bàu Giọ là con kênh đào hồi kháng chiến đó. Hồi đó, trong xóm này có Ba Mẹo, Mười Ngọ, Chín Thôi, Ba Lên, Ba Lởi… đông lắm. Tui mới cưới vợ. Mấy ông đàn anh, tui có nghề làm nơm, nên mấy ông kéo đi cho có bạn. Thường xuất phát lúc gà gáy canh tư. Nghe tiếng hú đầu ngõ, biết mấy ông đã tập trung rồi. Mỗi tay nơm mang theo một cái giỏ sau lưng, cũng đan bằng tre, có hình giống như con vịt, có hom hai đầu, để thuận tay nào bỏ cá vô phía đó. Trong đám úp nơm, Ba Mẹo tướng lực điền, to cao, tiên phong đi trước. Vừa đi, vừa nói chuyện râm ran, chó theo sủa đến tận cánh đồng.
Làm nghề gì cũng có người “xuống ruộng” gọi là mở hàng. Ba Mẹo mở hàng, lội xuống kênh trước, tới mấy ông kia, tui nhỏ nhất, xuống sau cùng. Theo quy định, các tay nơm phải đi hàng ngang, không ai đi trước, không ai đi sau. Bây giờ nước sông trên đầu gối. Như một đoàn binh, vừa đi vừa vung tay, úp nơm xuống rào rào, cười giỡn vang cả đoạn kênh. Cả đoàn như thế, tiến về hướng đông. Nghe tiếng động, cá hốt hoảng chạy tứ phía, có khi đâm thẳng vào chân. Mỗi lần như vậy, tiếng hò reo càng vang dội, vui lắm. Đủ các loại, như cá tràu, cá trê, cá diếc, cá gáy... vào nơm, vào giỏ. Khi mặt trời sáng tỏ, cả đoàn úp quay trở lại. Các bà vợ, ra bờ kênh ngồi đón chồng về, đem cá đi chợ bán. Ba Mẹo thấy các bà ngồi đó, cao hứng hát “Ù ơ! Trai khôn tìm vợ chợ đông. Chứ mà... Ù ơ gái khôn tìm chồng giữa đám úp nơm”. Cả bọn cười vang. Mười Ngọ nói:
- Ba Mẹo hát bậy rồi. Nguyên câu đó là vầy nè “Trai khôn tìm vợ chợ đông. Gái khôn tìm chồng giữa đám ba quân”. Ba Mẹo xởi lởi:
- Thì nói chơi mà, trúng lấy trật bỏ.
Mọi người phá lên cười...
Thằng cháu nội lão Dần từ ngõ đội mưa chạy vô: "Nội ơi, nội bện cái nơm nhỏ cho con chưa”. Lão nhìn xuống, mấy sợi mây còn nguyên chưa vót. Sáng giờ mãi kể chuyện với thầy Dũng hết buổi../.