(Báo Quảng Ngãi)- Để có vụ mùa trọn vẹn, người Ca Dong ở vùng cao Sơn Tây phải đi canh rẫy. Trong chòi rẫy, lời khuyên “Hãy nghe hết, chứ không ông thành khúc củi” luôn ấm nóng bên bếp lửa bập bùng và thấm đẫm mùi hoa rừng thoang thoảng.
[links()]
Chuyện xưa bên bếp lửa
Lịch gieo trồng của người Ca Dong ở vùng cao Sơn Tây không chỉ theo tiếng chim teng kêu ở lưng chừng trời, hay theo vành trăng tròn hay trăng khuyết, mà còn theo những cánh hoa nở khắp núi rừng. Người Ca Dong nhìn thấy hoa riêng - klung nở thì biết là đã bắt đầu vào lễ hội kă kapơ, và rồi đi phát rẫy; nhìn thấy hoa riêng - loang - xa nở thì tỉa bắp; nhìn thấy hoa rơ - vai nở thì tỉa lúa ngắn ngày; nhìn thấy hoa rơ - vai rơi ngửa thì biết đang thời vụ tỉa lúa mùa xuân; nhìn thấy hoa loang - trưng đỏ thì tỉa chính vụ... Nhưng để có vụ mùa trọn vẹn, người Ca Dong phải đi canh rẫy. Trong chòi rẫy, lời khuyên “Hãy nghe hết, chứ không ông thành khúc củi” luôn ấm nóng bên bếp lửa bập bùng và thấm đẫm mùi hoa rừng thoang thoảng.
Những câu chuyên văn hóa và các hiện vật truyền thống luôn có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống của người Ca Dong. Ảnh: ĐĂNG VŨ |
Ông Đinh Kà Để, nguyên Bí thư Huyện ủy Sơn Tây, là người am hiểu tường tận di sản văn hóa người Ca Dong, kể rằng, thuở lên chín, lên mười, tôi phải băng rừng lội suối bằng bước chân trần nhỏ xíu, để cùng ông nội lên tận gần đỉnh Vôi Rnga ở xã Sơn Mùa canh lúa rẫy, từ lúc lúa trổ đòng đến khi lúa chín, hoặc khi bắp bắt đầu trổ bông chàng cho đến khi trái đà khô lá. Bởi ngày đó Vôi Rnga đầy khỉ, heo rừng, sóc, dúi, két, chim... Mỗi đêm xuống, bên bếp lửa trong chòi lá, ông nội của tôi hay kể a-mon (truyện kể dân gian) của người ở vùng núi cao này.
Đó là chuyện về anh em A Dét, A Dong và câu ka - lêu của các nàng tiên: “Đàn chim Dir tắm trên sông Krong/ Đàn chim Dong tắm trên sông Kân/ Lấp lánh dưới ánh nắng vàng...” đã làm nên nguồn gốc người Ca Dong. Đó là chuyện chàng Mua bỏ nhà ra đi, rồi lưu lạc trong rừng, rồi lấy được hai nàng Y Dật, Y Via, dù phải qua nhiều thử thách của làng, và cuối cùng, hai nàng biến thành hai buồng cau, còn chàng Mua biến thành dây trầu đầy lá, bò lên thân cây cau cao vời vợi tận trời xanh. Đó là chuyện nàng Y Dật - con gái út - bị cha cõng bỏ vào rừng sau trận ốm như không thể nào chữa khỏi, nhưng rồi may mắn lại gặp được chàng Yang Ing đưa về, mà lối vào nhà chàng có sắp sẵn 12 lớp chiêng đồng, 120 chiếc chiếu hoa. Đó là chuyện Grăng Hoa - chàng con trai của vượn và Y Dật, đổi trái tim cho ruồi để trốn hai cô gái mỗi đêm ôm chàng ngủ. Đó là câu chuyện lập làng Wuy Măng bằng tình yêu giữa nàng Y Hliêng và chàng Ta Nố; là truyện kể về chàng trai Ca Dong là Grăng giết được Kiếc Roi Năm - một loài quỷ dữ...
Trao truyền qua các thế hệ
Đã có hằng trăm a - mon do một vook - oong (ông già/ông nội) kể cho đứa bé Ca Dong ở trong chòi giữa rẫy cách đây hơn 50 năm. Ông Đinh Kà Để cho biết, sở dĩ đến giờ tôi vẫn còn nhớ những a - mon đó là nhờ mỗi khi kể một câu chuyện, ông nội tôi đều chỉ vào bếp lửa và bảo rằng: “Hãy nghe hết, chứ không ông sẽ biến thành khúc củi”. Và cũng chỉ vì sợ ông của mình biến thành khúc củi sẽ bị đốt cháy trong bếp lửa mà cậu bé lên chín, lên mười, dù buồn ngủ đến đâu, cũng phải gắng nghe cho hết chuyện.
Theo ông Đinh Kà Để, trên núi Vôi Rnga thuở ấy, không chỉ có mỗi một chòi canh rẫy của nhà ông, mà có rất nhiều chòi, với nhiều người già, cùng nhiều đứa trẻ. Nghe ông nói thế, tôi cứ hình dung về một sườn núi cao mỗi tối lập lòe bao đốm lửa, mà ở đó có nhiều đứa trẻ Ca Dong không dám ngủ để gắng nghe cho hết câu chuyện xưa ở vùng rừng núi của mình.
Sẽ có bao nhiêu câu chuyện được trao truyền mỗi đêm trong rẫy? Khó mà đoán định. Nhưng chắc hẳn đã có rất nhiều câu chuyện được trao truyền theo cách như vậy - những câu chuyện làm nên một tâm hồn Ca Dong bay bổng, một khí chất Ca Dong mạnh mẽ, một tình yêu sâu nặng với đất đai, sông suối...
Tôi đã nhiều lần ngồi bên bếp lửa nhà sàn cùng ông Đinh Kà Để. Ông Đinh Kà Để lại kể cho tôi nghe những a - mon mà ông nội của ông đã từng kể cho ông nghe lúc thuở thiếu thời. Có câu chuyện ông Để kể đến 2, 3 giờ sáng. Những đêm đó tôi cũng đã cố thức, không chỉ vì để ghi chép những câu chuyện đầy huyền ảo của người Ca Dong, mà còn bị ám ảnh, nếu không nghe hết câu chuyện, thì biết đâu ông Đinh Kà Để lại biến thành khúc củi bên bếp lửa nhà sàn!
NGUYỄN ĐĂNG VŨ