Đinh Duy Tự: Niềm tự hào của người dân Tịnh Trà

08:12, 08/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đã trải qua hơn trăm năm nhưng giai thoại về ông Đinh Duy Tự (1807 - 1888), ở làng Trà Bình, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) vẫn được người dân nơi đây nhắc đến với lòng kính trọng. Ông không chỉ là người thầy giỏi, chú tâm dạy học, mà còn kêu gọi người dân đắp đập phục vụ sản xuất để có cuộc sống ấm no. 
 
[links()]
 
Chăm lo sự nghiệp giáo dục
 
Ông Đinh Duy Tự sinh ra trong một gia đình nông dân ở Trà Bình Trại, phủ Bình Sơn (nay thuộc xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh). Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là người hiếu học. Ông thi đỗ tú tài, được quan tỉnh tiến cử lên triều đình và được vua Thiệu Trị triệu ra kinh đô Huế để tham gia giảng dạy cho con cháu vua và thảo giấy tờ, dịch bản tuồng, chép văn... trong cung đình.
 
Nhà thờ Đinh Duy Tự vừa được UBND huyện Sơn Tịnh đầu tư xây mới tường rào, cổng ngõ.       Ảnh: Ý THU
Nhà thờ Đinh Duy Tự vừa được UBND huyện Sơn Tịnh đầu tư xây mới tường rào, cổng ngõ. Ảnh: Ý THU
Đến thời vua Tự Đức, khi đã 50 tuổi, Đinh Duy Tự cáo quan hồi hương và mở trường dạy học tại quê nhà. Trên mảnh đất Trà Bình Trại, ông không chỉ chuyên tâm dạy chữ nghĩa cho học trò, mà còn lập nên “đồng môn điền” (ruộng đồng môn). Đây là loại ruộng mà ông cùng học trò canh tác để lấy phần lợi giúp học trò, đặc biệt là học trò nghèo khó có điều kiện học hành. Theo truyền khẩu của dòng họ Đinh ở Tịnh Trà, trong suốt 30 năm, ruộng đồng môn của thầy - trò ông Đinh Duy Tự đã giúp nhiều học trò nghèo hiếu học có điều kiện học hành, tham gia thi cử.
 
Ông Đinh Minh Đức, hậu duệ đời thứ 7 của ông Đinh Duy Tự, hiện đang sinh sống tại thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà cho biết, ông Đinh Duy Tự đã dạy dỗ nên nhiều học trò xuất sắc. Trong đó, có học trò tên Phạm Phục, đỗ đến cử nhân và làm một chức quan lớn ở Hải Dương. Cũng chính người học trò này, vì luôn nhớ ơn đức của ông, nên năm 1910 (12 năm kể từ ngày ông Đinh Duy Tự mất), đã dựng bia khắc bài ký “Đinh gia yển ký” - một bài ký do Bố chánh Quảng Ngãi Nguyễn Thông viết về Đinh Duy Tự, như một cách để tưởng nhớ, tri ân người thầy năm xưa. Dưới tấm bia khắc dòng chữ thể hiện sự kính cẩn của người học trò đối với thầy giáo Đinh Duy Tự: “Á nguyên khoa Mậu Ngọ Phạm Phục trai bái ghi”. 
 
Một lòng vì dân
 
Không chỉ là một người thầy nổi tiếng, ông Đinh Duy Tự còn là người hiền hậu, luôn ra sức giúp đời, giúp người. Ngoài bốc thuốc cứu người, ông còn là người có công rất lớn trong việc đắp đập Ông Cá, mở dòng kênh chảy về các thôn Thạch Đông, Thạch Nội, Ngọc Trì...
 
Bên trong nhà thờ Đinh Duy Tự.                          Ảnh: Ý THU
Bên trong nhà thờ Đinh Duy Tự. Ảnh: Ý THU
Theo sử sách, vào năm 1870, Bố chánh Quảng Ngãi Nguyễn Thông khi đến vùng Trà Bình, nhận thấy đập Ông Cá - con đập đắp từ thời Cảnh Hưng (1740 - 1785), bị bỏ hoang nên đã bàn với ông Đinh Duy Tự về việc tu sửa lại đập, đào kênh mương dẫn nước về các chân ruộng thường bị khô hạn. Nhận lời Bố chánh Quảng Ngãi Nguyễn Thông, người thầy tưởng chừng chỉ quanh năm dạy học, làm thơ, vui thú điền viên, liền bắt tay nghiên cứu thế đất, thế nước và vận động người dân cùng làm thủy lợi. Nhờ tài tính toán của ông mà nước từ suối lớn Trà Voi đã được giữ lại trong lòng đập, theo hệ thống kênh mương dọc ngang, cung cấp nước tưới dồi dào cho đồng ruộng trong vùng và lân cận.
 
Đập Ông Cá hoàn thành, ông Đinh Duy Tự đã viết nên bài phú “Đập Ông Cá”. Trong đó có đoạn: “Ông Cá động binh kinh doanh, đắp bờ ngăn suối, vét mương hai ngả/ Dẫn nước về đồng, tưới ruộng tưới vườn, dân chúng cậy nhờ bảy tám mươi năm, thiên hạ làm ăn đằm thắm các thôn nhiều xã”. Còn Bố chánh Quảng Ngãi Nguyễn Thông thì viết bài “Đinh Gia yển ký” và đề nghị đổi tên đập Ông Cá thành đập Đinh Gia để ghi nhớ công lao ông Đinh Duy Tự.
 
Đúng như sự mong mỏi của ông Đinh Duy Tự, kể cả khi ông mất, đập Ông Cá tiếp tục được người dân địa phương gìn giữ, tu bổ hằng năm, tưới mát cho các cánh đồng xanh tốt. Tên đập cũng được người dân đổi thành đập Ông Nghè để tri ân bậc tiền nhân.
 
Trên mảnh vườn ngày xưa của ông Đinh Duy Tự, con cháu của ông đã lập nhà thờ để thờ phụng ông. Nhà thờ, mộ và bia Đinh Gia yển ký được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2019.
 
Ý Thu
 
 

.