Qua miền tuổi thơ

08:12, 07/12/2021
.
*Truyện ngắn của THOẠI VĂN
 
(Báo Quảng Ngãi)- Ông Miền đánh một giấc thiệt dài, ngồi dậy dụi mắt. Mặt trời nghiêng về phía tây. Mở gói thuốc rê, xé một miếng, quấn tờ giấy bổi thành điếu to, ông châm lửa hút. Chỗ này ngủ trưa đã thiệt, gió lồng lộng vì ở trên cao. So với dưới kia, nó cao quá chừng. Đấy là cái chòi canh. Chòi canh làm ngay mé đường xe lửa. Cứ mỗi đầu xóm, người ta dựng lên một cái chòi. Chòi canh xóm Lữ Phí được dựng ở đây.
 
Chòi có bề ngang, bề rộng đều hai mét như nhau. Trên lợp lá, che kín ba bên, sàn chòi cao cách mặt đất chừng tám tấc, lót bằng những thanh tre đập dập. Người ta treo ở đó mấy cái mõ tre. Mỗi tối, người dân trong làng thay phiên nhau đến chòi canh gác. Chừng ba, bốn người một tốp đi canh. Nếu có trộm cắp hay biến động gì thì đánh mõ la làng. Người đi canh đem theo gậy, dây dừa. Nhưng lâu rồi không ai phát hiện ra vụ việc gì, không ai mất trộm gà, heo, đậu, bắp... Thành ra chòi canh là nơi ngủ trưa lý tưởng. Ông Miền ngủ trưa ở đây. Thứ nhất là mát, thứ hai là canh đồng mía. Đồng mía ở phía tây. Đường sắt cắt ngang cánh đồng, chia ra hai nửa. Nửa phía tây trồng mía, phía đông ruộng cấy. Ông Miền có chừng mấy sào ruộng mía trên cánh đồng này, gọi là đồng Cai Bá. Đồng Cai Bá rộng đến chục héc ta, bao quanh xóm Trại. Mía ngút ngàn. Nhà ông Miền ở xóm Trại, cách xóm Lữ Phí một cánh đồng. Mùa tháng Chạp, những năm nắng ráo, mía trổ cờ sớm. Cờ mía trắng như cờ lau. Trắng suốt cánh đồng dài. Các loài chim chóc tụ hội về đây. Chim ri, chim áo già, chim mía, chim dồng dộc... 
 

Trong những đám ruộng mía đó, mía ông già Miền tốt nhất. Đến mùa, lá mía rụng dần, lộ ra thân cây trơn láng thấy mà thèm. Thằng Lợi lội hoài trong mía, cũng đói bụng, bẻ ngay một cây ngồi ăn giữa đám. Ở giữa đám mía có làm thịt bò cũng chẳng ai hay, nó nghĩ vậy. Mía ông Miền vừa ngọt, vừa mềm. Ăn xong, nó nằm trên lá mía ngủ một giấc. Có hôm mưa dông. Tỉnh dậy, áo quần, sách vở ướt mem. Về nhà lãnh trận đòn tới nơi tới chốn.

 
Chứng nào tật nấy, không chừa, nó rỉ tai bọn choai choai cùng xóm, mía ông Miền vừa ngon, vừa mềm. Có chừng bảy đứa đều ở xóm Lữ Phí do thằng Lợi cầm đầu, đi học về, chúng không đi trên đường, tuôn vô đám mía. Vừa kiếm chim dồng dộc, vừa bẻ mía ăn. Ông Miền phát hiện mía bị bẻ trộm nhiều quá nên nóng ruột. Nhưng bắt được tay mới day được cánh. Bọn nhỏ này ranh như con chuột làm sao mà bắt. Ban đầu, ông ngồi trong đám mía rình. Nghe phía đầu trên mía gãy “rớp, rớp”. Chính hắn rồi. Ông vừa la làng, vừa nhắm thẳng chỗ phát ra tiếng động tuôn tới. Nhưng trong đám mía, hễ mình chạy là nghe ào ào, nên người khác chạy mình không nghe được. Khi ông đến nơi bọn thằng Lợi đã lủi sâu vào đồng mía mênh mông. Chúng ngồi xuống lắng nghe có động tĩnh gì không. Ông Miền lượm mớ ngọn mía vừa bẻ, còn mới tinh, hậm hực lội ra đến bờ. Ông ngồi thở mệt. Có mệt, nhưng giận nhiều hơn. Ông nghĩ, không lẽ mình thua bọn này, bây giờ đổi phương án khác. Không chui vô mía nữa mà nằm ở chòi canh. Nằm chòi canh thế nào bọn ranh con cũng biết. Ông nằm để ngủ trưa thôi. Rình bọn kia, ông đã nghĩ ra một kế khác, rồi rung đùi, vấn thuốc rê. Ông kéo hơi thuốc rõ dài, mắt nheo lại như đang suy nghĩ. 
 
Cách chòi canh không xa, có cái cống xuyên ngang đường xe lửa. Cống xây bằng xi măng, nhiều năm rồi không thấy nước chảy qua, nghĩa là khô ráo quanh năm. Bọn trẻ trâu thường núp mưa, trú nắng ở cống này. Ông Miền bấm bụng chui vào. Chiều đó, bọn thằng Lợi, bắt được tổ chim dồng dộc mừng húm. Có bốn chim con vừa ra lông cánh, để vài ngày nữa là “chuyền”. Nó nói chim xinh quá bây ơi. Ăn mừng chiến thắng. Mừng chiến thắng bằng những khúc mía của ông Miền dắt sau lưng quần. Từ trong ruộng mía chui ra. Đứa nào cũng hớn hở mặt mày, chạy phăng phăng qua đường xe lửa. Ông Miền đứng ở đầu cống bên kia. Ngay lúc đó, bọn trẻ từ trên cao chạy xuống. Ông nhanh tay chộp được hai đứa, lưng quần còn dắt khúc mía. Thằng Lợi nhanh trí phóng vô nằm mọp dưới ruộng lúa. Lúa lúc này mới vừa làm đòng. Nước ruộng chừng trên mắt cá chân. Hai đứa bị bắt, ông cho ngồi ở đường xe lửa, mặt mày tái xanh. Hai khúc mía để ngay trước mặt làm tang chứng. Ông Miền hỏi:
 
-  Bây giờ còn chối nữa không? Đứa nào cũng nói cháu không bẻ.
 
- Không bẻ vậy mía tự chui vô lưng quần bọn bay hả?
 
- Dạ không. Cháu theo coi thằng Lợi bắt chim, rồi nó cho.
 
- Thằng Lợi hả, chạy đường nào cho thoát.
 
Bây giờ thằng Lợi đã lủi vào giữa đám ruộng rồi. Từ đường xe lửa nhìn xuống, nó bò tới đâu, lúa rung rinh tới đó.
 
Ông Miền nhìn theo nói: “Tui biết thế nào chiều nay cũng bắt được mà". Ông nhìn xuống ruộng lúa, thằng Lợi đang bò dưới ruộng. Ông nói: “Đó, nó đang bò ra góc ngoài đó”. Nghe vậy, thằng Lợi bò ngược lại. Thấy lúa rung rinh ông Miền lại nói : “Đó, nó bò vô lại rồi”. Ông không lội xuống bắt, cũng không la làng như hôm trước nữa. Cứ việc điều khiển thằng Lợi bò ra, bò vô dưới ruộng lúa cho đến khi trời sắp tối. Bọn trẻ thả bò về, nhanh chóng báo tin cho mẹ thằng Lợi. Nghe con trai bò dưới ruộng cả buổi, mẹ thằng Lợi nóng ruột chạy lên xem thực hư thế nào. Thấy ông Miền cầm hai khúc mía, bà nói:
 
- Ủa cậu Năm! Cậu làm gì đây?
 
- Làm gì đâu cháu, mấy đứa nhỏ nó phá quá, bẻ mía cậu hết trơn. Cậu giữ lại đây, chờ cha mẹ nó lên rồi tính. Đây này, bẻ mía vầy mà nói là không.  Ông chỉ vào hai khúc mía: Hai thằng này nói của thằng Lợi cho.
 
- Thằng Lợi đâu rồi cậu?
 
Ông chỉ xuống đám ruộng:
 
- Đó, nó đang bò kia kìa, chỗ lúa đang rung rinh đó.
 
Bà kêu thật to: “Lợi ơi! Lên đây mẹ biểu”.
- Ủa, chứ nó là con của cháu?
 
 
- Dạ con cháu.
 
- Trời đất ơi! Cậu đâu có biết, thôi kêu nó lên đây. Dặn nó lần sau đừng phá mía của cậu nữa.
 
Thằng Lợi loi ngoi lóp ngóp dưới ruộng bò lên, trên tay cầm tổ chim dồng dộc./.
 

.