(Báo Quảng Ngãi)- Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để bổ sung đội ngũ giáo viên cho vùng cao, Quảng Ngãi đã thành lập Trường Sư phạm dân tộc miền núi ngay trong lòng Khu 7 (nay là xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây).
[links()]
Trong căn nhà sàn dưới chân núi ở thôn Ra Nhua, xã Sơn Tân, già Đinh Ung cùng những người bạn ôn lại kỷ niệm về những năm tháng ăn ngủ trong rừng để học văn hóa. Họ từng là học viên của Trường Sư phạm dân tộc miền núi Quảng Ngãi. “Chúng tôi đã vượt qua những ngày tháng gian khổ để hoàn thành chương trình, trở thành giáo viên cắm bản, trở về dạy học cho người dân ở vùng cao để xóa mù chữ, nâng cao dân trí", già Ung nói. Chỉ tay về phía cánh rừng, già Ung cho biết hiện vẫn còn hang đá năm xưa là nơi học tập, trú ẩn của thầy và trò để tránh những đợt không kích của địch.
Ông Đinh Ung, ở xã Sơn Tân (Sơn Tây), chỉ phía cánh rừng nơi xây dựng Trường Sư phạm dân tộc miền núi Quảng Ngãi năm xưa. Ảnh: Trí Phong |
Ngày ấy, mặc dù trường xây dựng trong lòng Khu 7 được mệnh danh là “An toàn khu”, nhưng cũng từng hứng chịu nhiều trận pháo kích và các toán biệt kích của địch quấy phá. Với tinh thần mưu trí, dũng cảm, các lớp học vẫn luôn được thầy trò duy trì an toàn. Trong giai đoạn 1966 - 1975, trường đã đào tạo hơn 100 học viên trở thành giáo viên sơ cấp và tiểu học tham gia dạy học tại các xã miền núi; bồi dưỡng cho hơn 50 cán bộ huyện, xã ở các địa bàn vùng cao phục vụ kháng chiến.
Già Đinh Ung cho biết, thi thoảng tôi trở lại thăm di tích trường xưa, nhớ về những tháng ngày thầy và trò đói cơm, lạt muối, nhưng quyết tâm dạy và học. Nhiều học viên của trường sau này trở thành lãnh đạo ở huyện. Về phần già Ung, ông đã truyền dạy tri thức cho nhiều thế hệ học trò vùng cao, sau đó làm công an xã, bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã cho đến ngày nghỉ hưu.
Trường Sư phạm dân tộc miền núi tỉnh đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Bí thư Đảng ủy xã Sơn Tân Đinh Văn Ơn kiến nghị tỉnh cần quan tâm đầu tư dựng bia di tích, cắm mốc giới để khoanh vùng bảo vệ di tích. Đây là điểm đến giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, để nhớ về ngôi trường đóng vai trò quan trọng trong khai sáng văn hóa ở vùng cao.
Trí Phong