(Báo Quảng Ngãi)- Trên địa bàn huyện Bình Sơn, đặc biệt là ở các xã phía đông của huyện có rất nhiều địa danh mang nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa rất có giá trị, cần được nghiên cứu và đề ra phương án bảo tồn...
[links()]
Ở khu vực Dung Quất, từ xa xưa đã có địa danh tiếng Chăm. Từ năm 1402, khi vương quốc Chăm Pa dâng Cổ Lũy động cho nhà Hồ đổi thành châu Tư và châu Nghĩa, người dân Việt bắt đầu di cư vào đây sinh sống thì bắt đầu có địa danh dân gian của người Việt. Nơi đây vào năm 1471 vua Lê Thánh Tông dừng chân để chuẩn bị cho trận đánh quyết định vào kinh đô Chăm Pa ở Chà Bàn (Bình Định), thiết lập thừa tuyên Quảng Nam, bởi vậy đã có nhiều địa danh gắn với lịch sử xa xưa.
Địa danh được nhiều người biết đến là Vũng Quýt. Quất cũng là Quýt. Nói cách khác, Vũng Quýt trại âm thành Dung Quất. Nhưng Vũng Quýt là địa danh dân gian hay địa danh chính thống, phong cách ngôn ngữ cũng như lối định danh cho phép tôi nhận định đó là địa danh dân gian. Phong cách ngôn ngữ ở đây chính là trật tự từ Vũng trước Quýt sau (sách chữ Hán dịch là Quất áo). Danh pháp ở đây là phép mô tả, cụ thể là cái vịnh mà xung quanh nó có nhiều cây quýt (quất) dại mọc.
Cửa biển Sa Cần (Bình Sơn). Ảnh: Minh Anh |
Một dịa danh nổi tiếng khi xưa là "Thái Cần", tên cửa sông Trà Bồng đổ ra biển, nằm kề vũng Quýt, nay là Sa Cần. Các thư tịch cổ có ghi là Thái Cần, Mễ Cần. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn chép về tấn Thái Cần: “Khảo cứu sử nhà Lê chép: Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, thuyền quân theo cửa biển Tân Áp đến Mễ Cần, tung quân vây giặc, cả phá được chúng. Mễ Cần tức là Thái Cần ngày nay vậy”. Trong tên gọi Thái Cần, chữ Thái nghĩa là rau, Cần là tên một loài rau, rau cần. Một địa danh nữa là Cửa Kẽm, có lẽ vì cửa có hòn núi tên là Kẽm. Đến nay, một phụ lưu sông Trà Bồng cũng còn lưu tên Thái Cần.
Ở phía nam thị trấn Châu Ổ có địa danh Ba Gò. Tại đây có ba đồi liên tiếp, vì đường Thiên lý phải chạy vắt ngang qua ba đồi ấy mà phát sinh địa danh Ba Gò. Tên Ba Gò chắc chắn có từ trước đó, nên đến thời Lê Quý Đôn viết sách Phủ biên tạp lục nửa cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785) người cùng thời với Lê Quý Đôn, từng theo giúp Hoàng Ngũ Phúc vào đánh chúa Nguyễn rồi lưu lại làm Đốc thị Thuận Quảng trong khoảng 10 năm (1775 - 1785), trong tập sách chữ Hán Quảng Thuận đạo sử tập đều có ghi địa danh Ba Gò bằng chữ Nôm. Địa danh Ba Gò còn gắn với chiến thắng thời kháng chiến chống Mỹ - chiến thắng truông Ba Gò.
Ở phía bắc thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu có địa danh Vũng Tàu. Xưa kia sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi về vũng này, gọi là vũng Thuyền (Thuyền áo), và tục gọi là Vịnh Tào, nằm ở xã Châu My, huyện Bình Sơn. Tên gọi Thuyền áo thực ra là dịch nghĩa đối với Vũng Tàu (thuyền nghĩa là tàu), còn Vịnh Tào chính là phiên âm (gần đúng) với âm Tàu. Tóm lại, hai chữ Vũng Thuyền hay Vịnh Tàu chính là xuất phát từ tên dân gian Vũng Tàu và đều cho thấy địa danh Vũng Tàu đã có từ thời xa xưa...
Ngoài các địa danh nêu trên, ở Dung Quất còn có các địa danh độc đáo khác, gắn với cuộc hành binh lịch sử năm 1471 của vua Lê Thánh Tông. Người ta hay giải thích địa danh Vạn Tường phát sinh khi vua Lê duyệt binh ở đây và ba quân hô Vạn Tường (Muôn sự tốt đẹp), địa danh Gò Hồng (tên núi bên biển) phát sinh do là nơi vua ngự, Tổng Binh (tên mũi đất và tên làng, còn gọi là Phước Thiện) là nơi đặt tổng hành dinh, Giếng Vương là giếng do vua ra lệnh đào để lấy nước cho quân sĩ dùng. Ở ngọn núi phía tây cửa Sa Kỳ, nơi vua Thánh Tông cho quân phục kích chặn đường về của quân Chiêm, sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi là Mộ Nô, người địa phương gọi là núi Gò Nỗ, cũng có thể là một địa danh phát sinh từ sự kiện trên.
Ngoài ra, còn có những địa danh nghe rất lạ tai và không tường được nghĩa của chúng, như Cá Cái (tên một bàu nước rộng ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận), Non Dệnh (tên núi ở xã Bình Trị, phía bắc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện nay), Cà Ninh (tên xóm, tên sông thuộc xã Bình Phước), Chỗ Chước (tên núi thuộc xã Bình Phước). Địa danh dân gian cũng như địa danh chính thống đã sản sinh từ lâu đời, ăn sâu vào tâm thức của người dân địa phương. Trong bối cảnh phát triển kinh tế sôi động, địa hình, dân cư có nhiều thay đổi. Do vậy, cần nghiên cứu, nhận diện, đánh giá thấu đáo các địa danh. Các cấp chính quyền khi thực hiện các dự án cần có phương án bảo tồn đối với các địa danh đã có, lưu lại địa danh xưa trong đời sống hiện đại, như là cách để góp phần lưu giữ lịch sử cho đời sau.
CAO CHƯ