(Báo Quảng Ngãi)- Ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây), điệu hát dân ca cùng với thanh âm nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong mãi ngân vang. Đó là nhờ công sức rất lớn của hai cha con nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Đinh Ka La trong việc giữ gìn và truyền dạy nghệ thuật truyền thống.
[links()]
Ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình NNƯT Đinh Ka La ở bên cạnh dòng suối Min hiền hòa. Tại đây, nhiều già làng, thanh niên trên địa bàn xã Sơn Mùa thường tập trung để hát dân ca, tập đánh chiêng và chơi các nhạc cụ dân tộc. Nơi đây trở thành điểm hẹn của những người trong làng vốn say mê nhạc cụ, làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc Ca Dong. Vào những đêm trăng, bên bếp lửa bập bùng, từ đây vang vọng âm thanh trầm bổng của tiếng sáo Ta lía, tiếng đàn Vrook...
Nhà của nghệ nhân ưu tú Đinh Ka La, ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây), là điểm hẹn trao truyền giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Ca Dong. Ảnh: KIM NGÂN |
Anh Đinh Văn Giôn, ở xã Sơn Mùa cho biết, sau một thời gian được già Ka La và các nghệ nhân trong làng chỉ dạy, tôi đã biết đánh chiêng, chơi các nhạc cụ như Vrook, Vin vut. Sau giờ lao động mệt nhọc, tôi thường chơi đàn. Tiếng đàn giúp mọi người thêm yêu cuộc sống và thêm yêu dân tộc mình.
Ông Đinh Ka La cho biết, từ nhỏ tôi đã biết đánh nhiều bài chiêng, thuộc nhiều bài hát dân gian ở địa phương như Ra nghế, Ka lêu, Ca choi và sử dụng thành thạo các loại đàn như Broo Râu, Brook Tru... Đặc biệt, ông Đinh Ka La thổi sáo hay nhất làng.
Ông Đinh Thanh Sơn chia sẻ, cha tôi là người truyền lửa đam mê nhạc cụ cho tôi và nhiều người dân trong làng. Mỗi lần lên nương, nghe tiếng sáo của cha, chúng tôi như quên đi mệt nhọc.
Ông Sơn không những chơi thành thạo các loại nhạc cụ như A Khung, Brooc krau, Brooc tru, Brooc a khung... mà còn tìm tòi, chế tác các loại nhạc cụ truyền thống của người Ca Dong.
Hiện gia đình ông Đinh Ka La vẫn còn giữ 13 chiếc chiêng phục vụ các lễ hội truyền thống của đồng bào Ca Dong như: Cúng máng nước, lễ cưới... “Nhiều người vì khó khăn đã bán đi chiêng quý. Tôi luôn dặn dò con cháu, dù có khó, có khổ đến mấy cũng phải gìn giữ những bộ chiêng quý giá này. Đây là tài sản để lại cho con cháu, để mỗi khi lễ hội có tiếng chiêng ngân vang. Giữ được chiêng là lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ca Dong", ông Đinh Ka La bộc bạch.
Hai cha con ông Đinh Ka La từng tham gia và đoạt nhiều giải thưởng tại các hội thi, liên hoan cồng chiêng, đàn hát dân ca... Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa Hà Phải, gia đình NNƯT Đinh Ka La đã đóng góp nhiều công sức để xây dựng và phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ tại địa phương, đặc biệt là gìn giữ và truyền dạy nghệ thuật truyền thống của đồng bào Ca Dong cho thế hệ trẻ. Hai cha con ông Đinh Ka La đã tham gia giảng dạy nhiều lớp truyền dạy dân ca, nhạc cụ... do UBND huyện Sơn Tây tổ chức. Nhờ đó mà tiếng đàn, tiếng chiêng và điệu hát dân ca của người Ca Dong mãi ngân vang giữa đại ngàn.
Kim Ngân