Sông suối và tên xóm làng

02:05, 22/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Không ngẫu nhiên mà con người lại dựa vào các triền sông, con suối để làm nhà ở. Tục ngữ có câu:“Nhất cận thị, nhị cận giang” đã chứng minh điều đó. Con người cư trú ven sông, trồng lúa nước, quăng chài, kéo lưới sinh sống. Những ngã ba sông, nơi ven biển nhanh chóng tạo thành làng mạc đông vui, thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa. Cũng từ đó, nhiều xóm làng được gọi bằng tên sông, tên suối như để khẳng định giá trị của sông nước trong đời sống hằng ngày.
Thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh ta nhiều nguồn nước. Toàn tỉnh có 4 con sông lớn là Trà Khúc, Trà Bồng, Sông Vệ, Trà Câu và một số sông nhỏ, được tích tụ về từ những suối khe chằng chịt trên các vùng trung du, miền núi. Ở đồng bằng thì nơi nào cũng có ao hồ, đầm vũng lớn nhỏ... Phải chăng từ đây nảy sinh mối tương giao giữa con người với sông nước, khiến cho cả thiên hạ mến yêu sông nước.
 
Thường nghe một số người nói rằng, đồng bào các dân tộc thiểu số luôn gắn bó với bến nước, buôn làng của họ bao giờ cũng ở gần bến nước. Điều này đã hẳn vì trước đây đồng bào các dân tộc thiểu số sử dụng nước sông, suối cho sinh hoạt hằng ngày. Đồng bào Kinh ở tỉnh ta hầu hết đều dùng nước giếng, nhưng làng xóm cũng không xa sông nước. 
 
Thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) nằm bên bờ sông Re, nhưng tên gọi lại xuất phát từ suối Di Lăng.
Thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) nằm bên bờ sông Re, nhưng tên gọi lại xuất phát từ suối Di Lăng.
 
Cũng như tất cả các dân tộc khác, nước có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của người Hrê, người Cor và người Ca Dong ở Quảng Ngãi. Nước phục vụ cho đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân, phục vụ cho nông nghiệp, chăn nuôi... Vì vai trò quan trọng của nước mà những ngôi làng của đồng bào thường được lập gần những con suối, bến nước.
 
Thị trấn Di Lăng là một trong những đơn vị hành chính mang tên dòng suối bao bọc lấy vùng đất này. Ông Đinh Văn Tơ (80 tuổi), một già làng ở đây, cho hay: Mặc dù hiện nay thị trấn Di Lăng nằm dọc sông Re, nhưng cái tên Di Lăng lại bắt nguồn từ suối Di Lăng, xuất phát từ núi Vành đổ về sông Rin. Người Hrê đến đây lập làng rồi lấy luôn tên suối để đặt cho làng. Với địa thế thuận lợi, dần dà làng Di Lăng phát triển dân cư, trở thành nơi giao thương nhộn nhịp và được chọn làm trung tâm của huyện Sơn Hà cho đến nay. Già làng Đinh Văn Tơ cũng kể thêm rằng: Việc lấy tên sông để đặt tên làng ở vùng ông ở là chuyện không hiếm, ví như quê ông ở xóm Tà Viêng, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà), thì Tà Viêng cũng chính là tên gọi của con suối Tà Viêng mà người làng ông chọn làm nơi cư trú. “Sông nào thì làng ấy, phần lớn người đồng bào mình lập làng ở cạnh các con suối, bến sông, vì thế lấy tên sông suối để đặt cho tên làng là chuyện dễ hiểu”, ông Tơ giãi bày.
 
Có thể nói, những bến sông mà cư dân đến lập làng ắt hẳn từ đầu đều chưa có tên. Ngọn suối ấy chưa có tên. Cũng như đỉnh núi ấy, dãy đồi ấy chưa có tên. Những người dân di cư làm cái việc đặt tên cho sông suối, núi đồi, trước hết là để xác định vị trí, tiện việc chuyện trò, trao đổi, bàn bạc công việc làm ăn. Những tên này nguyên là để gọi riêng con suối ấy, dòng sông ấy, cái bàu ấy, hoặc bến bãi ấy. 
 
Thế rồi khi ở đó làng xóm hình thành người ta dùng tên suối, bến, bãi, bàu... đặt cho làng xóm. Con suối ấy vẫn là Di Lăng, suối Tà Viêng, sông Xà Lò (người dân địa phương thường gọi là sông Xò Lò)... nhưng đồng thời cả xóm mang tên xóm Tà Viêng, cả thôn mang tên thôn Xò Lò. Tương tự như thế có xóm Bàu Sen, xóm Bàu Súng, xóm Bãi... là tên một vùng đất, rồi tên một thôn, một xã... tức là một đơn vị hành chánh cơ sở. Trong những tên làng xóm từ xa xưa ấy, có tên đến nay vẫn đang dùng, có tên đã thay đổi, nhưng còn người biết, có tên chỉ thấy một vài lần trên văn bản, thay đổi lúc nào không còn ai biết.
 
Ở tỉnh ta có 1 huyện mang tên sông nước là huyện Trà Bồng và nhiều đơn vị cấp xã mang tên sông suối như thị trấn Di Lăng, thị trấn Sông Vệ, còn tên thôn thì nhiều vô số kể, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Việc đặt tên xóm, tên làng theo tên sông, suối thể hiện một phần tập quán của cư dân sống gần vùng sông nước ở Quảng Ngãi cũng như trong cả nước, nêu lên được sự gắn bó keo sơn giữa con người và quê hương, như câu thơ trong bài thơ Nói với con của Y Phương: “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/ Còn quê hương thì làm phong tục”.
 
Bài, ảnh: XUÂN HIẾU
 
 
 

.