(Báo Quảng Ngãi)- Ngành du lịch Quảng Ngãi luôn nỗ lực trong việc kêu gọi đầu tư, quảng bá, xúc tiến và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách... Nhờ đó, đến cuối năm 2019, Quảng Ngãi đã đón trên 1,1 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy khóa XIX đề ra.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đa dạng sản phẩm du lịch
Du khách Nguyễn Hữu Hoàng đến từ Đà Nẵng chia sẻ: “Quảng Ngãi bây giờ có nhiều sản phẩm du lịch khá đa dạng và phong phú, trong đó các điểm đến ở khu vực biển, đảo; các danh lam, thắng cảnh, các di tích lịch sử, văn hóa, địa chất ở Lý Sơn; văn hóa Chămpa, Sa Huỳnh... luôn hấp dẫn tôi và nhiều du khách khác...”.
Du khách tham quan tại Nhà trưng bày hải đội Hoàng Sa kiêm quản bắc Hải (Lý Sơn). |
Thực tế cho thấy, trong hành trình đến với Quảng Ngãi thì đảo Lý Sơn là điểm đến được lựa chọn đầu tiên của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Trưởng Phòng VH - TT huyện Lý Sơn Ngô Văn Nghĩa kể: Với du khách trong nước, họ đến Lý Sơn xuất phát từ tình yêu biển đảo. Khi tàu vừa cập cảng, điểm đến đầu tiên của họ là nhà Trưng bày Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Tại đây, họ được xem những bản đồ, hình ảnh, tư liệu, hiện vật lịch sử về vùng đất đã có những hùng binh đi mở cõi hàng trăm năm trước ở Hoàng Sa và Trường Sa. Còn du khách nước ngoài, họ đến với Lý Sơn là để khám phá những nét văn hóa, địa chất... đặc sắc được thiên nhiên ban tặng và những hiện vật liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa".
Còn với giới trẻ, sau khi tham quan trên đảo, họ còn tham gia trồng hành, tỏi; chế biến các món ăn truyền thống, lặn ngắm san hô, ngắm bình minh, hoàng hôn trên biển... Nhờ đa dạng sản phẩm du lịch, nên trong năm 2019, đảo Lý Sơn đã đón gần 270 nghìn lượt khách, tăng khoảng 40 nghìn lượt so với năm trước, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên đảo.
Các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, như tìm hiểu về văn hóa Chămpa, Sa Huỳnh (Đức Phổ); Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ; di tích Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ (Nghĩa Hành)... cũng thu hút nhiều du khách tham quan. Đặc biệt, ở các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Lý Sơn... đã và đang hình thành các loại hình du lịch phượt, du lịch cộng đồng tham quan vườn cây ăn trái, xem làng tranh bích họa... Ngoài ra, các địa phương còn thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư các khu du lịch, các điểm tham quan, nghỉ dưỡng...
“Ngành du lịch Quảng Ngãi lấy biển, đảo làm sản phẩm du lịch trọng tâm. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, hoạt động chuyên nghiệp hơn. Năm 2020, Sở VH-TT&DL sẽ phối hợp tổ chức "Giải dù lượn, giao lưu văn hóa quốc tế Việt - Hàn"; giải marathon Báo Tiền Phong tại Lý Sơn... Phấn đấu thu hút trên 1,2 triệu lượt khách, trong đó có trên 100 nghìn lượt khách quốc tế”.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL
HUỲNH THỊ PHƯƠNG HOA
|
Tạo sự hài lòng cho du khách
Theo Trưởng phòng VH-TT huyện Bình Sơn Huỳnh Kim Ngân, để thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, huyện Bình Sơn đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch của huyện, giai đoạn 2017 - 2020. Đến nay, huyện đã triển khai điểm đến tại làng bích họa ở thôn Thọ An, xã Bình An và ở Gành Yến, xã Bình Hải. Những điểm đến này, không chỉ có không gian sinh động từ những bức tranh vẽ, mà còn đầu tư hệ thống giao thông để người dân và du khách đi lại được thuận lợi. Đồng thời, huyện Bình Sơn còn mở các lớp truyền dạy các loại hình dân ca, dân vũ; tổ chức lễ hội dưa hấu; tết Ngã rạ... nhằm thu hút khách tham quan.
Tết Ngã rạ của đồng bào Cor ở thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn) đã thu hút nhiều du khách đến tìm hiểu. |
Còn tại huyện Tư Nghĩa, từ chỗ không có nguồn thu từ du lịch, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành hai khu du lịch quy mô lớn là Khu du lịch sinh thái Bãi Dừa (Nghĩa Hòa) và Khu du lịch nước khoáng nóng (Nghĩa Thuận) thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Ngành du lịch Quảng Ngãi cũng phối hợp với các cơ quan báo chí, các kênh truyền hình... để quảng bá về quê hương, đất nước, con người, thắng cảnh, ẩm thực của quê hương núi Ấn, sông Trà đến với nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đưa đón khách chu đáo, niêm yết giá dịch vụ công khai, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo trật tự tại các điểm tham quan du lịch... nhằm tạo sự hài lòng cho du khách.
Bài, ảnh: MAI HẠ