(Báo Quảng Ngãi)- Cả cuộc đời cầm máy, bước chân ông in dấu trên khắp mọi miền đất nước để ghi lại những hình ảnh đẹp, trong đó có nhiều bức ảnh đạt giải thưởng trong nước và quốc tế. Nhưng ấn tượng nhất với ông đó là những lần được chụp ảnh Bác Hồ. Ông là nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hy, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hy năm nay đã 90 tuổi. Với ông, đã trót yêu nghệ thuật nhiếp ảnh thì chẳng kể tuổi tác, vẫn cứ hăng say như thuở còn đôi mươi.
Chụp lần thứ 5 mới ưng ý
Đưa tay chỉ vào bức ảnh cầu Cửa Đại được phóng to treo trên tường nhà, ông Hy cười bảo: “Vì tấm ảnh này mà cả nhà “la rầy quá”. Vừa trải qua 2 tháng bệnh nặng, sức khỏe yếu, nhưng khi nghe mưa bão sắp đổ về, tôi lại muốn chụp ảnh cầu Cửa Đại nên lại vác máy đi”.
Để có bức ảnh ưng ý, ông Hy đã 5 lần đến cầu Cửa Đại, mỗi lần đi về vài chục cây số. "Lần đầu đến nơi thì trời âm u. Lượt thứ hai, nước sông dâng cao, tôi đánh liều nhờ người chèo thuyền đưa ra giữa sông để chụp, nhưng vẫn không ưng ý. Rồi đến lần thứ 3, thứ 4... theo đuổi riết rồi cũng chụp được khoảnh khắc đẹp", ông Hy kể.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hy giới thiệu những tấm ảnh Bác Hồ do chính ông chụp. |
Vẹn nguyên một cảm xúc
Sinh ra ở vùng nông thôn huyện Tư Nghĩa, sớm giác ngộ cách mạng, năm 1954, ông Hy tập kết ra Bắc, rồi về công tác ở Thông tấn xã Việt Nam, thường trú tại tỉnh Bắc Giang. Năm 1961, trong lần Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Giang và dự míttinh ở sân vận động của tỉnh, ông vinh dự được cơ quan cử đi chụp ảnh Bác Hồ.
Năm cánh buồm hồng của công trình cầu Cửa Đại một trong những tác phẩm ảnh mới nhất của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hy. Ảnh: Nguyễn Hy |
Ông Hy nhớ lại: “Nhận sự phân công của cấp trên chụp ảnh Bác, cả đêm hôm ấy tôi không sao chợp mắt, vừa mừng, vừa lo. Lấy máy ảnh xem pin, rồi chuẩn bị phim, nhưng vẫn chưa yên tâm. Thế là tôi chụp ảnh, cắt đoạn phim đem tráng thử để xem phim có bị ẩm mốc không...
Từ tờ mờ sáng, tôi đã có mặt ở sân vận động. Đoàn xe tiến đến, Bác Hồ vừa bước xuống trong sự hò reo của cán bộ và nhân dân, tôi hồi hộp đưa máy ảnh chụp liên tiếp. Trong loạt ảnh đầu tiên gặp Bác nên đã có vài tấm bị nhòe vì sự hồi hộp, tay run...”. Lúc đó, chế độ phim cho mỗi phóng viên chụp một nội dung chỉ có 3 ảnh, nhưng may mắn cho ông là có bức hình chụp về Bác khá thành công.
Đến năm 1963, ông Hy lần nữa vinh dự được phân công chụp ảnh Bác Hồ. Đó là vào dịp tỉnh Bắc Giang sáp nhập với tỉnh Bắc Ninh. “Nhưng có lẽ cảm động nhất là lần thứ ba gặp Bác. Đúng Mùng 1 tết Nguyên đán năm 1967, thật bất ngờ, trong thời khắc thiêng liêng nhất, Bác trực tiếp đi kiểm tra và chúc Tết hàng nghìn công nhân đang san lấp hố bom trên "tuyến đường bom đạn" từ Hà Nội đến Bắc Giang. Tôi được vinh dự phân công tháp tùng Bác”, ông Hy xúc động kể.
Nghề lưu giữ vẻ đẹp Ngẫm lại một đời gắn bó với máy ảnh, ông Hy đúc kết: “Muốn làm nghề nhiếp ảnh, trước hết phải yêu nghề. Để có bức ảnh ưng ý, thì khổ công mấy cũng chịu được. Chụp ảnh là khoảnh khắc, nhưng tác phẩm tốt ngoài bố cục, ánh sáng còn phải chú trọng cái hồn của nhân vật trong tác phẩm. Nghề nhiếp ảnh, suy cho cùng là nghề lưu giữ những vẻ đẹp, của hạnh phúc và cả nỗi đau”. |
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN