(Báo Quảng Ngãi) - Thằng nhỏ gọi người đàn bà ấy là dì Sáu từ hồi nào nó chẳng nhớ. Giờ, nó đang học lớp năm. Ở lứa tuổi này, ý thức về người thân, bạn bè bắt đầu định hình sâu sắc trong nó. Hình như nó không có má và nó cũng chưa từng được gọi tiếng ấy với ai bao giờ.
Dì Sáu có đứa con gái sàn sàn tuổi với thằng nhỏ. Là ái nữ duy nhất, nên được mẹ cưng chiều. Miệng nó lúc nào cũng nhai nhóp nhép quà bánh, nên hàng tiền đạo trống hoác, trống hơ. Chẳng biết ai đặt cho nó cái tên Sụ nghe cũng ngộ ngộ, ngẫm ra cũng khá đúng với cái khuôn mặt thừa da thịt, nhưng lại thiếu chất xám của nó.
Khoái nhất là thấy con Sụ cười. Hai mắt nhắm tít, nước dãi bắn ra tung toé, phát ớn. Chẳng thấy cha con Sụ đâu. Thằng nhỏ liên tưởng đến người đàn ông khắc khổ, hiền từ lâu lâu đến nhà dì Sáu. Khi thì tặng dì xâu cá, khi thì giỏ cua đồng, khi thì quả bưởi...
Ông thường xoa đầu con Sụ bằng bàn tay khô đét của mình ra chiều thương lắm. Vẫn tư thế tảo tần, quần xắn cao tới gối cũ kỹ bạc màu, vá nhiều chỗ. Chiếc nón cời nhỉnh hơn đầu ông ta chút xíu. Có lẽ sau mỗi lần nón rách te tua ông tước bỏ chỗ đó đi.
Riết, cái nón thành nhỏ thó. Chỉ duy nhất chiếc áo bộ đội là còn khá mới, tương phản với cái quần. Nó nghĩ chắc ông mới sắm. Ngoài ba thứ ấy, tuyệt nhiên không còn thứ gì khác trên người ông. Dì Sáu hình như không để ý đến sự hiện diện của con người này trong nhà mình. Dì vẫn loay hoay buôn bán, không hỏi han, không lời chào. Dì giận.
Ông ngồi xuống rót cho mình ly nước, moi trong túi ra điếu thuốc lá hút dở, rít những hơi chậm chạp. Thỉnh thoảng ông nhìn con Sụ rồi cười mỉm một mình. Uống xong ly nước ông lại ra đi, lặng lẽ như khi ông đến.
Thằng nhỏ thấy ông tội nghiệp làm sao. Con Sụ bắt chước mẹ nó chẳng ưa gì ông. Thằng nhỏ có ý trách con Sụ, nhưng không nói ra. Bởi nó cũng đang liên tưởng đến một người đàn ông khác nữa cũng lam lũ, cũng phong trần và cũng lâu lâu mới ghé thăm dì Sáu.
Với người đàn ông này dì Sáu vồn vã nói cười ra điều thân thiện khác thường. Không như ông kia chỉ xoa đầu mình con Sụ, ông này thương yêu cả hai đứa. Ông thường đến với quà trên tay, quà của ông biếu dì Sáu chỉ một thứ duy nhất là trứng vịt hay vịt.
Dì Sáu hiền là vậy, nhưng khi nghe thằng nhỏ hỏi đến cha nó, mắt dì quắc lên đáng sợ, giận dữ có khi đôi ba ngày. Thằng nhỏ chỉ còn cách mơ về người cha của nó. Đó là người cha hao hao giống ông hàng xóm thường ngày vẫn ghé quán dì Sáu mua rượu.
Ông ta có đôi cánh tay lông lá, râu tóc xồm xoàm, khuôn mặt vuông quắc thước. Ông là mẫu người lý tưởng cho công việc nặng nhọc trên đồng. Dì sáu thường trêu ông là ông thổ địa chuyên nhũng nhiễu đám bà goá của cái làng bé tẹo tèo teo này, nhưng phải chừa mặt dì. Ông ta cũng không vừa: - Chấp... cả hai đứa đó.
Lửa sẽ tắt khi không còn nguồn cháy, hằn thù cũng sẽ tan khi hết chuyện đối đầu. Rồi ông cười hô hố, tự tin. Dì Sáu liếc ông ta một cái... dài trăm mét rồi cũng cười. Thằng nhỏ chẳng biết mô tê gì, nó nhìn ông hàng xóm gần gũi mà xa lạ.
Thằng nhỏ được dì Sáu mua cho quả banh nhựa màu đất, loại nhỏ. Nó chẳng biết chơi gì với quả banh này, nó rủ con Sụ đánh cầu. Riết, chán. Nó quăng lăn lóc dưới gầm bàn. Nhớ lần cô giáo vẽ chữ O lên bảng, thêm râu thành chữ Ơ, thêm nón thành chữ Ô.
Hay quá, nó mang quả banh nhựa ra vẽ mắt, mũi, miệng... thành cái đầu người ngộ nghĩnh. Nó vẽ thêm mấy sợi râu lên miệng làm ông hàng xóm ưa mua rượu. Bóp hai má cho quả banh lõm vào thành ông mặc áo bộ đội với cái nón cời bé tẹo mà nó làm từ giấy bìa.
Không làm gì cả thành ông cho vịt và trứng vịt. Nó cười khoái trá vì cái phát minh vĩ đại của mình. Dì Sáu thấy nó hay cười, tò mò rình xem. Ban đầu dì chẳng hiểu ất giáp gì, thằng nhỏ vừa diễn trò, vừa giải thích dì Sáu nghe ra thấm ý, cười són cả nước mắt.
Hôm nay, giỗ ông ngoại của con Sụ, mắc buôn bán nên dì Sáu cúng cơm vào buổi chiều. Dì Tư ở xa không về, khách là hai ông kia và ông hàng xóm, cùng với vài ba bà bạn của dì. Thằng nhỏ và con Sụ không được ngồi chung bàn với người lớn. Hai đứa mang cơm ra đầu chái ngồi ăn.
Thỉnh thoảng dì Sáu đem thức ăn ra châm thêm cho chúng. Trong nhà, ban đầu người ta còn nho nhỏ thì thầm chuyện làm ăn, chuyện thuế má, chuyện râu ông nọ cắm cằm bà kia... Khi men đã thấm, rượu vào lời ra thì chuyện ăn nói thì thầm là điều không thể.
Cuối cùng thì thằng nhỏ và con Sụ cũng hiểu được chuyện gì. Nhất là tiếng nói của ông hàng xóm, oang oang ra chiều kẻ cả. Chuyện khá gay cấn, nên dì Sáu quên luôn là có hai đứa nhỏ bên ngoài.
- Nếu con Sáu không đang bầu, mày không lẹo tẹo với con Tư thì chẳng có chuyện gì xảy ra. Mà con của con Tư đâu phải là con mày. Nó là con của thằng chăn vịt này này... Mày loạn luân, nên con Sáu bỏ mày là phải, không cho mày đi tù là phước ba đời mày rồi. Ăn thì chẳng ăn được, quèo quẹt chị vợ làm gì cho con Sáu thấy. Con Tư xấu hổ bỏ đi, bỏ luôn cả thằng chồng sắp cưới của nó.
Ông hàng xóm vừa nói vừa chỉ chỏ vào mặt ông đội chiếc nón cời nhỏ thó. Có ai đó bảo:
- Thôi thôi, im bớt mấy cái mồm của các ông đi, lũ nhỏ bên ngoài nghe hết cả kìa.
Im lặng một chút rồi lại xì xầm. Vẫn tiếng ông hàng xóm:
- Nói gì nói, cô Sáu này, thằng Bợ (ông có chiếc nón nhỏ thó) ăn năn rồi. Hơn chục năm qua cô cho nó ngủ bờ, ngủ bụi mà đồng ruộng có bỏ bê bao giờ đâu. Lúa cô gặt, tiền cô cất, nó sống bằng con lươn, con nhái trên đồng mà khoẻ mạnh là giỏi rồi. Cả làng này có bao nhiêu bà goá tui quản tần tật, tụi nó đói ra bã, tinh khiết như giấy...
Quay qua ông khách ưa cho dì Sáu vịt và trứng vịt, ông hàng xóm thao thao:
- Còn mày, vợ con gì đi chứ, mới tập một mà đã ngán à. Mà tập một của mày cũng lén lút, cũng đổ vỡ cả rồi. Tao làm mối cho mày con Út bán cháo vịt cuối xóm, mày chịu không?
- Quên đi ông anh, ngày nào tui chẳng bỏ vịt cho nó. Nó cảm sốt là tui nhức đầu luôn.
- Tao biết tỏng mà, khẳng định rồi nhé.
- Không phải chuyện bậy bạ đâu cha nội, nó cảm sốt nghỉ bán thì ai mua vịt cho tui, nhức đầu quá đi chớ!
- Và, mày lo thuốc thang... chớ gì. Hà hà...
Nãy giờ, dì Sáu ngồi im thin thít, nhưng dì không thể im mãi:
- Em cũng nghĩ tới điều đó rồi, con Sụ có cha mà không cho nhận thì cũng tội nghiệp cho nó, thằng Lữ (thằng nhỏ) có cha mà không cho nhìn thì cũng chẳng đành...
- Hay là ta kêu tụi nó vào nhận cha chúng đi, có đủ cả đây mà.
Ông hàng xóm nhanh nhảu. Mặc cho dì Sáu lắc đầu nguầy nguậy, mọi người vẫn quyết tâm. Chẳng ai muốn để những vết thương tồn tại lâu hơn đời người.
- Lữ ơi, Sụ ơi... vào đây!
Không nghe bọn trẻ trả lời, mọi người túa ra sân. Thì ra chúng nó nghe cả rồi, chúng đang khóc vì sung sướng. Chúng có cha. Chúng chạy đi đâu đó chỉ để giấu những giọt nước mắt xấu hổ, nhưng hạnh phúc của mình. Chuyến đò ngang đang nối lại đôi bờ. Trẻ thơ có phép mầu hàn gắn những chia cắt của người lớn. Mắt ai cũng đỏ, không biết vì rượu, hay vì xúc động.
LÝ THỊ MINH CHÂU