Phát triển du lịch làng nghề

10:09, 09/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển du lịch làng nghề đang là hướng khai thác hiệu quả ở nhiều tỉnh, thành. Quảng Ngãi có nhiều làng nghề nổi tiếng, hứa hẹn tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm dấu ấn của quê hương núi Ấn- sông Trà.

TIN LIÊN QUAN

Làng nghề thu hút khách

Giám đốc Công ty lữ hành Tourist Quảng Ngãi Phạm Hoàng Trực cho biết: Hai năm trở lại đây, du khách đến Quảng Ngãi, bên cạnh nhu cầu tham quan các điểm di tích, danh lam thắng cảnh, nhiều người còn muốn tìm hiểu về các làng nghề xưa.

Từ đầu năm đến nay, công ty đã thực hiện khoảng 10 - 15 tour, trong đó có 5 tour về với các làng nghề đường phổi, đường phèn ở xã Nghĩa Dõng, kẹo gương, mạch nha ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa).

Du khách tham quan và mua sản phẩm tỏi, rong mơ Lý Sơn.
Du khách tham quan và mua sản phẩm tỏi, rong mơ Lý Sơn.
Ngoài các làng nghề quen thuộc như nghề làm gốm ở xã Phổ Khánh (Đức Phổ), nghề dệt thổ cẩm Làng Teng (Ba Tơ)... trong những năm gần đây, du khách đã tìm đến các làng nghề sản xuất quế Trà Bồng, dệt chiếu ở Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa)... Ở mỗi làng nghề đều có nét đặc trưng riêng, vì thế du khách rất thích thú khi tham quan các làng nghề truyền thống ở Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều công ty lữ hành, số làng nghề ở Quảng Ngãi thu hút du khách chưa nhiều. Trong khi Quảng Ngãi còn có các làng nghề chổi đót, mây tre đan, nước mắm, đúc đồng, làm võng, bún, bánh tráng, chiếu, đồ mộc, nem, chả và bò khô... chưa được đầu tư để phát triển du lịch.

Năm 2019, Quảng Ngãi tiếp tục triển khai Dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng” ở 4 huyện: Ba Tơ, Nghĩa Hành, Bình Sơn và Lý Sơn, nhằm khơi dậy những giá trị sản phẩm ở các làng nghề địa phương để phát triển du lịch. Đến nay, mô hình du lịch cộng đồng đã phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cho người dân.

Cần sự đầu tư

Hiện nay, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) đã có kế hoạch làm "sống lại" những làng nghề từng nổi tiếng ở vùng đất này. Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp Huỳnh Văn Như cho biết: Ngày trước, xã Đức Hiệp nổi tiếng với các nghề đúc đồng, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa.

Với đôi tay lành nghề, những người thợ ở làng đúc đồng Chú Tượng đã đúc chiếc chuông đồng có một không hai hiện treo ở chùa Thiên Ấn. Các sản phẩm làm từ đồng ở làng Chú Tượng một thời được tiêu thụ ở khắp cả nước, tạo dấu ấn riêng cho làng nghề.

Theo ông Huỳnh Văn Như, hiện xã đang quy hoạch 20ha đất để trồng dâu, nhằm khôi phục làng nghề ươm tơ dệt lụa. Xã kiến nghị huyện hỗ trợ phát triển làng nghề đúc đồng Chú Tượng. Hy vọng không lâu nữa, trong tuyến du lịch về thăm quê ngoại Thủ tướng Phạm Văn Đồng, du khách sẽ thích thú khi tham quan các làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời ở Đức Hiệp.

Thời gian qua, nhiều du khách cũng tìm đến tham quan cơ sở sản xuất nấm linh chi, nấm sò, nấm rơm trên địa bàn huyện Mộ Đức. Giám đốc HTX nấm xã Đức Nhuận (Mộ Đức) Lê Giang Phong cho hay: Nhiều du khách thích tham quan và mua các sản phẩm làm từ thiên nhiên về làm quà. Do vậy, HTX đang tính toán mở rộng diện tích tạo thành một làng nghề trồng nấm để thu hút khách tham quan.

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa, phát triển du lịch làng nghề là hướng đi được tỉnh chú trọng đầu tư trong thời gian đến. Tuy nhiên, để tiềm năng du lịch làng nghề phát huy, ngành văn hóa - du lịch sẽ trùng tu, tôn tạo và khôi phục các hoạt động văn hóa dân gian trong khu vực làng nghề, để tạo sự đa dạng sản phẩm, tăng sức hút đối với du khách.

Cùng với đó là xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường, hình thành các dịch vụ hỗ trợ cho du lịch làng nghề cất cánh. Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh, con người Quảng Ngãi đến bạn bè trong nước và quốc tế.

      Bài, ảnh: MAI HẠ
 

.