TIN LIÊN QUAN |
---|
Mang trong mình niềm tin về một thế giới “vạn vật hữu linh”, cho rằng bầu trời, mặt đất, ngọn cỏ, lá cây, dốc cao, vực sâu, dòng sông, con suối… tất thảy đều có linh hồn, trực tiếp hoặc gián tiếp quan hệ, can dự đến đời sống con người – một sự phản ảnh năng lực nhận biết, chiếm lĩnh thế giới còn ở trạng thái sơ khai, vì vậy, sự giải thích thế giới tự nhiên trong truyện kể của người Cor bao giờ cũng lung linh sắc màu huyền thoại hoặc mang tính trực cảm, tự nhiên, chú trọng đến các hiện tượng nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận thấy.
Đèo Em Chim (huyện Tây Trà) |
Có thể tạm chia nhóm truyện kể này thành 2 tiểu nhóm:
Tiểu nhóm 1: Gồm truyện kể về các hiện tượng tự nhiên: bầu trời, mặt đất, ngọn núi, con suối, sấm, chớp, mây mưa… (Sự tích ông trời, bà nước; Người không lồ Tamom Cheri, Sự tích núi Răng cưa; Sự tích đảo Lý Sơn...).
Trong nhóm truyện kể này thường xuất hiện những vị thần, hoặc những con người có sức mạnh phi thường, như ông khổng lồ Cheri “ăn bao nhiêu cũng không biết no, uống bao nhiêu cũng không biết khát, tiếng nói ngân dài như tiếng chiêng”, vươn vai đẩy trời lên cao cho con người, muôn thú sống trên mặt đất được thoáng mát dễ chịu, có ngày, có đêm…; hoặc như thần Mặt Ngây (Sự tích núi Răng Cưa) có thể ra lệnh cho 3 chiếc thuyền thần linh lao vào ngọn núi Răng Cưa làm cho ngọn núi nầy mở toang ra 3 con đường để cô con gái cưng của ngài đi rong chơi…
Nghệ nhân Cor thổi kèn a máp |
Như đã trình bày trên, những chuyện kể này nhằm giải thích các hiện tượng tự nhiên mà con người thường xuyên tiếp xúc: Vì sao ngọn núi Răng Cưa lại có 3 vệt lõm xuống, nhìn tựa hình răng cưa? Vì sao ngoài biển có hòn đảo Lý Sơn? Vì sao bầu trời ở trên cao còn mặt đất thì ở dưới thấp?
Cũng rất dễ nhận thấy, những vị thần, những con người phi thường trong các truyện kể này không phải là những kẻ xa lạ, cách biệt với thế giới loài người. Tuy có sức mạnh siêu phàm, tài năng quán thế, nhưng họ luôn gần gũi với con người, che chở cho con người trong một thiên nhiên còn đầy bất trắc. Thậm chí, có khi họ còn là những thủ lĩnh trực tiếp của con người.
Thần mặt Ngây trong truyện Sự tích thằng cuội cung trăng nhìn thấy cảnh con cọp (hổ) hung dữ sắp ăn thịt đứa bé, đã sai cận thần thả chiếc thang dây xuống trần, kéo đứa bé lên trời rồi cho làm kẻ ngồi giữ mặt trăng.
Thần Cheri (Sự tích ông trời, bà nước), tuy sức mạnh có thể chống trời, uống cạn dòng sông Tà ích, nhưng cũng như Tháng Gióng trong truyền thuyết của người Việt, vị thần nhân từ này ăn cơm nấu từ gạo góp của người Cor, người Hrê, người Xê Đăng, người Ba Na với mắm của người Kinh.
Thần Đoang Ka Tố (Sự tích đảo Lý Sơn) tuy dám chống lại thủy tề, làm nắng, hóa phép chống lại gió mưa, nhưng ông ta chính là người chủ làng Vuông, người bày vẽ và chỉ huy dân làng chống lại thủy tề tàn ác.
Sự giải thích thế giới tự nhiên ở đây luôn gắn liền với khát vọng chinh phục tự nhiên, khát vọng cuộc sống no đủ, thanh bình. Và đây, chính là ý nghĩa nhân văn cao đẹp của nhóm truyện này.
Tiểu nhóm 2: Những chuyện về các con vật.
Đây là nhóm truyện kể chiếm số lượng rất khá lớn trong kho tàng tabol tamé của người Cor. Có những chuyện về loài chim (Sự tích chim chèo bẻo, Sự tích chim gõ kiến, Sự tích chim “ba con bốn cột”), về loài bò sát (Chàng Rít, Sự tích rắn rồng, Sự tích rắn lục, Lấy chồng trăn…) về muông thú (Cọp và khỉ, Hươu và cọp, Sự tích mật gấu, Sự tích cọp không leo dây, …).
Những loài vật được kể trong các câu chuyện này đều sống hoang dã, nhưng không lạ lẫm với cuộc sống săn bắt, hái lượm, làm rương rẫy hàng ngày của người Cor. Có những con vật đe dọa cuộc sống, phá hoại mùa màng của họ (cọp, gấu, rắn lục, khỉ …), có những con vật họ săn bắt để dùng trong bữa ăn thường ngày (cá diếc, lươn, rùa, ếch, mang …).
Bằng những câu chuyện này, người Cor giải thích những đặc điểm về hình thể, tập tính của các con vật: Vì sao có con chim kêu “ba cô bốn cột”? Vì sao con rùa ẩn dưới nước? Vì sao cọp không leo dây? Vì sao con mang (cheo) kỵ cây quế? Vì sao con khỉ không ngồi lên cối đá? Vì sao con voi lại kỵ cây cau? Vì sao rắn lục có màu xanh? Vì sao trên đầu rắn rồng có chữ thập?
Màn đấu chiêng của người Cor |
Thật dễ nhận ra, hầu hết các cách giải thích trong truyện kể đều không phù hợp với quy luật sinh tồn, tiến hóa, thích nghi của các loài vật. Và dĩ nhiên, đó là những lời giải thích không thể chấp nhận bằng nhãn quan khoa học tự nhiên, sinh vật học.
Tuy nhiên, đây chính là cách khám phá thế giới cổ sơ của loài người, dấu hiệu của thời kỳ con người đã bước qua trạng thái bị động, ngơ ngác trước thế giới tự nhiên và đã bắt đầu đưa ra những câu hỏi và đi tìm lời giải thích cho muôn vàn những vấn đề của thế giới mà trong đó họ đang tồn tại, đang đấu tranh liên tục để sinh tồn. Con người vẫn còn xem mình hòa đồng trong một thế giới mà tất cả đều có linh hồn, đều tồn tại bình đẳng, nhưng đồng thời họ cũng đã bắt đầu nhận biết sự khác biệt giữa mình với thế giới đó.
Ngọn cây nêu của người Cor |
Sự giải thích không theo logíc khoa học, tuy vậy, lại ẩn đằng sau đó nhận thức về muôn loài, dù mới ở mức độ cảm tính, kinh nghiệm sơ khai: con voi hay quật phá cây cau (Voi kỵ cau), con rắn lục có màu xanh (Sự tích rắn lục), con cọp không biết leo cây (Sự tích cọp không leo cây), con cá diếc bị mắt trong lờ, nhưng con lươn thì không (Cá diếc và lươn)…
Sự nhận thức bước đầu này đã mang đến cho con người những lợi ích thiết thực, giúp họ tìm cách đối phó với bất lợi của thiên nhiên, đồng thời tận dụng những hữu ích của tự nhiên phục vụ cuộc sống con người: mật gấu có thể dùng trị bệnh (Sự tích mật gấu), có thể dùng chiếc lờ để bắt cá diếc (Cá diếc và lươn), phải làm nhà sàn để tránh thú dữ (Sự tích nhà sàn) …