Thơ Vũ Hồ - những âm thanh nốt trầm

09:07, 16/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà thơ Vũ Hồ làm thơ từ khi còn rất trẻ, nhiều bài thơ ca ngợi quê hương, giai điệu sâu lắng, ngọt ngào; một số bài suy tư về thế sự, thân phận con người. 

Thơ - như một hồi âm từ thế cuộc, nhưng bằng những cách khác biệt, do hoàn cảnh, tâm thế, bút pháp và lựa chọn không giống nhau của mỗi người làm thơ. Có thi sĩ gắn thơ mình với chuyển động của hiện thực, phản ứng nhanh chóng, nhiều khi tức thời, trước chuỗi sự kiện chính trị - xã hội diễn ra liên tục trong dòng chảy lịch sử.

Lại có người làm thơ muốn ẩn khuất sau bề bộn nhân sinh, lặng lẽ lắng nghe dư ba trần thế, rồi gửi trả cho trần thế chuỗi tín hiệu ngôn ngữ nhiều khoảng lặng. Vũ Hồ đến cùng người đọc bằng con đường này. Cuộc sống hiện ra trong thơ ông sau gam màu lặng, lung linh ánh “Sao Khuya” (Tuyển tập thơ Vũ Hồ, Nhà Xuất bản Văn học, 2019) của bầu trời dĩ vãng: "Những đêm tối nhìn sao/ Thấy mình vào dĩ vãng/ Em lớn lên hôm nào?/ Tôi nghe già năm tháng" (Trước cuộc đời).

Cuộc đời Vũ Hồ trải hơn 80 năm, trong giai đoạn đất nước có nhiều biến động. Thế nhưng, đọc thơ ông- một đời thơ kéo dài trên 40 năm, hầu như không mấy khi nhìn thấy bóng dáng xôn xao thế cuộc. Thảng hoặc có nghe đâu đó tiếng súng làm giật thốt bóng đêm thị tứ quê nhà, hay chập chờn dòng sông Gianh ám ảnh lịch sử thì cũng chỉ là điểm tựa để tâm trạng đi về.

Nhà thơ Vũ Hồ (1932 - 2018), tên thật là Võ Tấn Nhơn, quê ở thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa). Tốt nghiệp cử nhân văn khoa, là thầy giáo dạy Văn nhiều năm, giàu đức độ, đào tạo nhiều thế hệ học sinh giỏi văn cho quê nhà. Ông xuất bản tập thơ đầu "Sao Khuya" năm 1963, với lời giới thiệu của nhà thơ Bùi Giáng.

Trong thơ Vũ Hồ, tình cảm, suy tư của tác giả được kín đáo thể hiện bằng những âm thanh nốt trầm. Con phố khuya không tên hay đêm mơ màng xóm cũ; bóng trăng quay về xa xăm kỷ niệm hay ánh mắt nhìn đăm đắm tận mai sau. Tất cả cứ lần lượt hiện ra đều đều, chậm rãi theo nhịp chuyển động của đôi giày lãng du đã mòn vẹt gót: "Trên những nhịp buồn thiu dặm đường hoang đảo/ Mảnh vai gầy nghe thấm lạnh đường khuya/ Xóm ngủ từ lâu- rảo bước đi về/ Đời khép lại những mùa trăng xa hút" (Trả anh lại).

Ở một bài trước đây, người viết mấy dòng này đã nhắc đến cung buồn trong thơ nhiều thi sĩ Quảng Ngãi, từ các bậc tiền bối Trương Đăng Quế, Nguyễn Bá Nghi, Nguyễn Duy Cung đến thế hệ tiền chiến Bích Khê, Tế Hanh, Nguyễn Viết Lãm, rồi những năm hậu chiến với Phan Nhự Thức, Khắc Minh, Đynh Hoàng Sa, Lê Vinh Ninh... Vũ Hồ góp vào khúc buồn ấy một giọng bass đến chơi vơi. Bài “Tình trong mê loạn” in trong tập Sao Khuya, xuất bản năm 1963, có những câu thơ: "Thương em từ nắng hạ/ Nhớ em cuối trời đông/ Hoa nào xưa tàn tạ?/ Vết thương ngủ trong lòng".

Hơn 30 năm sau, dẫu Vũ Hồ không nhắc đến “vết thương ngủ trong lòng”, nhưng người đọc vẫn nhận ra, còn nguyên đó, trong thơ ông, hiu hắt một nỗi buồn: "Tóc nào sợi thả lang thang.../ Nửa trôi vào mộng, nửa mang gối sầu/ Nằm nghe nhịp thở mòn đau.../ Ngủ quên trong nắng mộng đầu yêu em" (Tự tình).

Thì thôi vậy. Buồn hay vui rồi cũng trọn một kiếp người. Nửa sợi tóc trôi vào trong giấc mộng đã nối cùng nửa kia, vẫn nằm im trên chiếc gối ngày nào, chập chờn tan vào cõi thiên thu. Chỉ còn lại ở đây, bây giờ, những bài thơ của một người nặng tình cùng bể dâu, nhân thế.

Bài, ảnh: Lê Hồng Khánh


 


.