(Baoquangngai.vn)- Huyện đảo Lý Sơn xác định phát triển du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái biển nhằm phát huy giá trị và bảo tồn các di tích văn hóa lịch sử đặc sắc trên đảo. Mỗi năm Lý Sơn đón hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, thế nhưng loại hình du lịch văn hóa tâm linh trên đảo luôn trong cảnh tượng vắng khách, chưa thu hút được du khách gần xa.
TIN LIÊN QUAN
Di tích Quốc gia đình làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn- nơi hàng năm không chỉ diễn ra lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, một nghi lễ được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Nơi đây còn là nơi lưu dấu chân của những tiền nhân mở cõi ở hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa.
Tuy nhiên, đang cao điểm mùa du lịch, nhưng di tích Quốc gia có giá trị về văn hóa lịch sử như Đình làng An Vĩnh lại đìu hiu, vắng vẻ. Theo người trông coi Đình làng An Vĩnh, lượng khách đến đây rất ít. Đìu hiu, vắng khách khiến công việc trông đình của ông Ở cũng trở nên nhãn rỗi hơn.
Đảo Lý Sơn có hơn 50 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 17 di tích lịch sử cấp tỉnh, 4 di tích văn hóa cấp quốc gia và 1 di sản văn hóa phi vật thể.
Để phát huy giá trị loại hình du lịch văn hóa tâm linh, mỗi năm huyện Lý Sơn bố trí 144 triệu đồng từ ngân sách địa phương hỗ trợ 8 di tích văn hóa lịch sử để vệ sinh môi trường và mở cửa đón du khách. Huyện Lý Sơn cũng xây dựng Đề án kết nối các điểm du lịch trên đảo. Đồng thời biên soạn tập tài liệu các di tích dành cho hướng dẫn viên gửi các đơn vị lữ hành. Thế nhưng nhiều năm qua các di tích này vẫn chưa phát huy được giá trị đích thực.
Lý Sơn là một vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với nhiều lễ hội tâm linh đặc sắc. Đây chính là lợi thế giúp Lý Sơn khai thác loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Nhưng thực tế cho thấy, các di tích văn hóa lịch sử trên đảo chưa được phát huy giá trị.
H.Danh- M.Toàn- T.Hậu