(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều người sau khi rời Lý Sơn đôi ba tháng lại nôn nao muốn quay lại. Bởi, với họ hòn đảo tiền tiêu này, không chỉ chứa đựng những câu chuyện lịch sử thời mở cõi, mà còn là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh, địa chất còn rất hoang sơ...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa du lịch (tháng 5-6) đảo Lý Sơn lại đón nhiều du khách. Năm nay, Lý Sơn càng đông hơn bởi sự kiện “Tuần lễ Văn hóa - Du lịch lần thứ II-năm 2019". Chị Đặng Thị Hữu Hạnh, du khách đến từ Ba Tơ, cho hay: “Đây là lần đầu tiên tôi bước chân lên đảo.
Qua hai ngày tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh đã để lại trong tôi những ấn tượng thật đặc biệt. Từ nước biển trong xanh, in nền mây trắng đến phong cảnh còn hoang sơ, con người hiền hòa chân chất. Tại các điểm trầm tích núi lửa như cổng Tò Vò, Hang Câu, đỉnh núi Thới Lới phong cảnh rất đẹp. Nơi đây còn quá nhiều điều thú vị, nhưng đành phải hẹn lần sau”.
Du khách thích thú với thiên nhiên nơi đất đảo. |
Mùa này ở đất đảo bình minh dường như đến sớm hơn. Từ 4 - 5 giờ sáng, nhiều du khách đã đến cổng Tò Vò chụp hình với ánh bình minh hòa quyện cùng trầm tích núi lửa để làm kỷ niệm cho chuyến đi. Hoàng hôn buông xuống, nơi đây cũng khá đông người.
Chị Bùi Thu Hằng, du khách đến từ TP.Quảng Ngãi, bộc bạch: "Tôi đến đảo khá nhiều lần, nhưng lần này mới được chứng kiến hoàng hôn dần buông xuống biển. Những tia nắng cuối cùng chiếu qua cổng Tò Vò, tạo nên vô số sắc màu. Nó đẹp, vẻ đẹp của sự thanh bình, gợi trong lòng một cảm giác gần gũi với thiên nhiên đến lạ”.
Lý Sơn còn hút khách bởi những câu chuyện lịch sử của thời những binh phu mở cõi Hoàng Sa. Tại phòng trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải có khoảng 200 bức ảnh, hiện vật, mẫu vật theo Chuyên đề “Lý Sơn - Tinh hoa Di sản lễ hội, địa chất”. Hơn một tuần diễn ra sự kiện “Tuần lễ Văn hóa - Du lịch lần thứ II”, nơi đây có khá nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Anh Lê Đức Phú, du khách đến từ Đà Nẵng, chia sẻ: "Mình đã đến Lý Sơn rất nhiều lần, nhưng mỗi lần đến đều có cảm xúc mới mẻ. Thông qua những hình ảnh thiên nhiên, đất, con người và sản vật chúng tôi hiểu và nhận thấy Lý Sơn thật đặc sắc. Tại gian trưng bày này còn có cả lá cờ xưa, những cuốn tư liệu, bản đồ của thời những binh phu mở cõi Hoàng Sa. Đây là những bằng chứng chứng minh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính đều này đã thôi thúc tôi đến với Lý Sơn".
Trong những năm qua công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Lý Sơn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Du khách đến tham quan trải nghiệm tăng qua từng năm. Tuy nhiên, hiện những giá trị văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn vẫn chưa được nhiều bạn bè trong nước và quốc tế biết đến.
Anh Lê Đức Phú cho hay: “Vào tham quan gian trưng bày chúng tôi thật xúc động. Tuy nhiên, phòng trưng bày còn quá nhỏ, hiện vật trưng bày ít, chưa bắt mắt, chưa đem đến cho du khách một cảm giác thiêng liêng của thời tiền nhân mở cõi”.
Huyện đảo Lý Sơn có những giá trị văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh hiếm có. Vì vậy, Lý Sơn cần phải giúp du khách hiểu hơn về chiều sâu những giá trị này. Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh cho biết: Trong thời gian đến, Lý Sơn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chủ quyền biển đảo Việt Nam; nâng cao nhận thức của nhân dân và cán bộ, tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cư dân Lý Sơn; quảng bá hình ảnh quê hương, con người Lý Sơn, tạo điểm nhấn trong xây dựng sản phẩm, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Lý Sơn.
Bài, ảnh: MAI HẠ