(Báo Quảng Ngãi)- Sau chiến tranh, người dân xã Phổ Cường (Đức Phổ) đã vươn lên xây dựng cuộc sống mới và đóng góp tiền của, công sức xây dựng nhà truyền thống để tưởng nhớ nguồn cội và giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đến nay, 5/7 thôn của xã Phổ Cường có nhà truyền thống với sự đóng góp hàng tỷ đồng của người dân. Đã trở thành thông lệ, cứ đến ngày lễ, Tết, bà con tập trung về nhà truyền thống dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền hiền, anh hùng liệt sĩ và Mẹ VNAH đã khuất.
Nơi kết nối cộng đồng
Tháng tư này, nhân kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người dân thôn Nga Mân đã về họp mặt tại nhà truyền thống của thôn. Có người ở tận trong Nam, có người ở ngoài Bắc cũng về họp mặt. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nga Mân Trần Đông Sơn tự hào nói: “Truyền thống của làng quê như sợi dây bền chặt kết nối, là tiếng gọi để mọi người trở về với quê hương, nguồn cội”.
Trong nhà truyền thống thôn Nga Mân có bàn thờ Bác Hồ, bàn thờ tiền hiền các tộc họ, tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ, Mẹ VNAH, lịch sử của làng và cả những câu chuyện của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc.
Người dân xã Phổ Cường (Đức Phổ) đồng lòng xây dựng nhà truyền thống để giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước. |
Cứ đến ngày họp mặt, cụ Trần Nguyên Trạng (87 tuổi) đều kể cho con cháu nghe về truyền thống của làng, đặc biệt là những tháng năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cụ Trạng cho hay: “Không phải đợi đến thời chống Mỹ mà từ thời phong trào Duy Tân (năm 1906), nhiều người ở Nga Mân đã cùng với cụ Phan Long Bằng vào thành Bình Định đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi hòa bình độc lập.
Sau khi tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội thành lập, nhiều cụ ở Nga Mân đã tích cực hưởng ứng và thành lập chi bộ làng Nga Mân do đồng chí Trần Thống làm bí thư. Chi bộ đã lãnh đạo đưa phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh, góp phần vào thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945".
Tiếp nối truyền thống, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lớp lớp thanh niên Nga Mân nối tiếp cha ông lên đường tham gia cứu nước. Nhiều người đã ngã xuống cho cuộc sống thanh bình hôm nay.
Trong nhà truyền thống thôn Nga Mân khắc tên 132 liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có công cách mạng, 12 Mẹ VNAH và treo nhiều huân, huy chương, bằng khen qua các thời kỳ kháng chiến.
Theo thống kê của xã Phổ Cường, toàn xã có 872 liệt sĩ, 191 Mẹ VNAH; 350 người có công với cách mạng. Mỗi liệt sĩ, mỗi Mẹ VNAH, thương bệnh binh đều là những câu chuyện cảm động về lòng yêu nước, về tấm gương hy sinh cao cả để thế hệ trẻ noi theo và chung sức, đồng lòng gìn giữ truyền thống, xây dựng quê hương mình ngày càng tươi đẹp.
So với nhiều vùng quê trong tỉnh, Phổ Cường là vùng đất đầy khó khăn và hậu quả chiến tranh để lại khá nặng nề, nhưng cái nghĩa, cái tình của người dân đối với làng quê luôn bền chặt.
Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường Trần Thị Kim Nhung cho biết: "Với truyền thống đó, nên dù có đi làm ăn ở nơi xa, bà con đều hướng về quê hương và luôn muốn đóng góp sức mình xây dựng Phổ Cường ngày một khang trang. Mọi việc bắt đầu từ làng Thanh Sơn. Bà con bàn bạc với nhau, rồi trưởng thôn xin ý kiến xã làm nhà truyền thống. Hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con, nên địa phương ủng hộ và khi một thôn làm được nhà truyền thống thì thôn khác noi theo".
Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Thanh Sơn Võ Xuân Bảy cho hay: "Nhà truyền thống của thôn xây dựng năm 2008, với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng. Có gia đình trong thôn đóng góp đến 100 triệu đồng. Không chỉ đóng góp bằng tiền, mà ngày khởi công xây dựng nhà truyền thống, các gia đình đều có người tham gia san lấp mặt bằng, vận chuyển vật liệu.
Bài, ảnh: ÁNH NGUYỆT