(Báo Quảng Ngãi)- Đã hơn 4 năm nay cán bộ, nhân viên Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi đã lặn lội khắp nơi để tìm và sưu tầm các kỷ vật thời kháng chiến. Đối với họ, đây là cách để gìn giữ, phát huy giá trị các hiện vật và thu hút người dân đến với bảo tàng.
TIN LIÊN QUAN
Tìm về miền ký ức
Đầu năm 2015, Sở VH-TT&DL phát động cuộc vận động hiến tặng kỷ vật chiến tranh cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Cán bộ Phòng Nghiên cứu- Sưu tầm đã tìm hiểu, vận động các cựu chiến binh (CCB) hiến tặng kỷ vật từng gắn bó với họ trong những năm tháng kháng chiến.
Cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh thường xuyên thăm hỏi những CCB đã hiến tặng hiện vật kháng chiến. |
Lâu nay, các bảo tàng thường trưng bày những hiện vật có sẵn, hoặc mượn hiện vật để trưng bày, nên ít thu hút sự quan tâm của người dân. Chính vì vậy, việc vận động các CCB hiến tặng hiện vật có ý nghĩa rất quan trọng. Các hiện vật chỉ là chiếc bình đông, mũ cối, đèn dầu, đĩa đựng thức ăn, chiếc ba lô hay cuốn nhật ký... nhưng chứa đựng trong đó là những câu chuyện đầy xúc động.
Chị Tạ Thị Di Hà, cán bộ Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm (Bảo tàng Tổng hợp tỉnh) nhớ lại: "Lúc đầu chúng tôi phải lặn lội khắp nơi để tìm kỷ vật. Sau một thời gian, chúng tôi nghĩ "sao không bắt đầu từ Hội CCB”. Câu hỏi vừa đặt ra cũng là lúc vấn đề tìm kỷ vật trở nên dễ dàng hơn khi có địa chỉ cụ thể".
Chị Hà đã cùng với Phó trưởng Phòng Trưng bày - Tuyên truyền (Bảo tàng Tổng hợp tỉnh) Phan Thị Nữ tìm đến Hội CCB từ tỉnh đến cơ sở để tìm kỷ vật. Thời gian đầu các chị gặp không ít khó khăn, vì các hiện vật có giá trị về mặt tinh thần lớn lao và là kỷ niệm thiêng liêng của mỗi CCB, nên việc thuyết phục hiến tặng không hề dễ.
Như trường hợp ông Nguyễn Thiện Thực, nguyên là Huyện đội trưởng Huyện đội Tư Nghĩa. Năm 1968, ông Thực thu được chiếc ống nhòm của địch. Ông dùng nó để quan sát trận địa, điều chỉnh pháo cối trong nhiều trận đánh tiêu diệt địch. Chiến tranh qua đi hơn 40 năm, nhưng ông vẫn gìn giữ cẩn thận kỷ vật của mình.
“Sau nhiều lần tiếp xúc và vận động, ông Thực đã đồng ý trao tặng ống nhòm và đèn dầu cho bảo tàng. Giờ đây, chính ông Thực là người đi vận động các đồng đội của mình hiến tặng hiện vật cho bảo tàng”, chị Nữ cho hay.
Còn theo chị Hà: “Mình phải đi lại nhiều lần và tạo niềm tin để các bác tin tưởng trao hiện vật. Hơn nữa, mình phải cho các bác ấy thấy giá trị của hiện vật phát huy như thế nào khi đưa về bảo tàng”.
Nơi truyền lửa cho muôn đời sau
Cầm trên tay cuốn nhật ký do chính mình viết trong những ngày kháng chiến gian khổ, ông Đinh Tấn Nhân (82 tuổi), ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), nguyên là Đội trưởng Đội phẫu thuật A100 xúc động kể lại: “Cuốn nhật ký ghi lại những năm tháng mà tiểu đội của tôi hoạt động trong điều kiện thiếu thốn thuốc men và phương tiện y tế. Nhưng bằng ý chí khắc phục khó khăn đã giúp tôi và đồng đội hoàn thành nhiệm vụ cứu chữa cho thương bệnh binh nơi chiến trường”.
Không chỉ ông Nhân, mà vợ của ông là bà Nguyễn Thị Hồng Phấn cũng trao tặng cho bảo tàng cuốn nhật ký chứa đựng những câu chuyện xúc động. Cuốn nhật ký bà Phấn viết vào năm 1974, khi bà là nhân viên quân giới A100. Nó ghi lại những cảm xúc yêu thương của bà với người yêu trong những năm tháng ở chiến trường, thể hiện sự khao khát về một mái ấm gia đình khi quê hương giải phóng...
“Nhiều khi hai chị em phải lặn lội lui tới nhiều lần để thuyết phục, thì các CCB mới đồng ý trao tặng hiện vật. Vì vậy, khi cầm trên tay những kỷ vật ấy chúng tôi nghĩ phải làm thật tốt vai trò của mình để xứng đáng với sự tin tưởng ấy”, chị Nữ thổ lộ.
“Tôi rất vui khi các kỷ vật đã gắn bó với mình hơn 40 năm qua đã được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh gìn giữ và phát huy giá trị của nó. Những ký ức trong kháng chiến của tôi và đồng đội sẽ được lưu giữ cho đời sau. Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng tự hào dân tộc và ý chí bảo vệ Tổ quốc”, ông Đinh Tấn Nhân thổ lộ.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG